Bệnh viện 30-4, Bộ Công an:

Sức khỏe cho chiến sĩ, niềm tin với nhân dân

Thứ Hai, 01/05/2017, 13:03
Trong đoàn quân trở về giải phóng Sài Gòn vào ngày 30-4-1975 lịch sử, thấp thoáng là bóng những chiếc áo blouse trắng của những cán bộ, chiến sỹ CAND thuộc Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Trưa 1-5-1975, khi mà tất cả còn đang vui và khẩn trương với những hoạt động mừng chiến thắng thì họ đã tiến hành nhiệm vụ mới - tiếp quản và vận hành Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia Sài Gòn, sau này được đổi tên là Bệnh viện 30-4, Bộ Công an.


Trưởng thành trong mưa bom, bão đạn

Chúng tôi gặp Trung tá, dược sĩ Hà Quang Trung, người đã có mặt tại Bệnh viện (BV) Cảnh sát Quốc gia Sài Gòn vào ngày 1-5-1975 để cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tiếp quản. Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng như chia sẻ của ông với chúng tôi, rằng: “Những tháng năm đó cứ như mới xảy ra hôm qua. Ác liệt mà anh hùng!”.

Theo lời ông, sáng sớm 30-4-1975, lực lượng vũ trang cách mạng đã nhanh chóng tiến về Sài Gòn, đoàn cán bộ Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục đã nhanh chóng tiếp quản Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia Sài Gòn của chính quyền Sài Gòn cũ tại số nhà 58C đường Hùng Vương, quận 5;  nay là số nhà 9, đường Sư Vạn Hạnh, quận 5. Sau đó, Bệnh viện Cảnh sát Quốc gia Sài Gòn được Trung ương Cục đặt tên là Bệnh viện An ninh nhân dân.

Ông bộc bạch: “Dù ở vị trí làm việc nào, dù thời chiến tranh hay thời bình, những CBCS y tế của Bệnh xá năm xưa, sau này là BV 30-4 chúng tôi luôn đoàn kết một lòng, chăm sóc tận tình với bệnh nhân. Vì đó cũng là đồng đội của chúng tôi”.

Tập thể y bác sĩ Bệnh viện 30-4 trong đợt khám chữa bệnh phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa Đắk Lắk.

Có 33 năm gắn bó với Khoa Dược của BV 30-4 từ năm 1976, người bạn đời của ông là Thượng tá Nguyễn Thị Tuyết cũng chia sẻ nhiều điều về những năm tháng đầu tiên trong hoạt động của BV 30-4 lúc ấy. Bà Tuyết nhớ lại: “Lúc đó cán bộ ta bị thương nhiều nên nhiệm vụ chăm sóc rất nặng nề. Khi ấy, dù ít người nhưng anh chị em đặt quyết tâm rất cao là phải đảm bảo sức khỏe cho CBCS một cách tốt nhất.

BV khi tiếp quản cũng có một phòng mổ qui mô khá tiện nghi, có chiếc ghế nha khoa, vài thiết bị chữa bệnh Tai-Mũi-Họng… nhưng vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Lúc đó, mở đầu cho một ngày mới của y tá chúng tôi là mỗi người được phát một bộ dụng cụ, gồm: xoong nấu thuốc, dùng để nấu nước cất, luộc bơm kim tiêm, do kim tiêm phải mài lại; bông băng, gạc cũng phải giặt sử dụng lại.

Ngoài ống nghe, còn có hòn đá mài kim tiêm luôn phải mang bên mình. Cho tới mãi những năm 1978-1979, BV vẫn dùng kim tiêm phải mài như vậy. Nồi nấu nước cất, nồi nấu cao si rô, cái sàng nhựa tự chế từ một cái thau để làm thuốc viên đông y cũng đem từ Bệnh xá Trung ương Cục về, vẫn dùng cho tới hàng chục năm sau tiếp quản. Những chiếc nồi đất dùng sao chế các loại thuốc Nam kết hợp với phương pháp chữa tây y điều trị một cách hiệu quả cho CBCS của ta”.

Sức khoẻ cho chiến sĩ, niềm tin với nhân dân

Chia sẻ với chúng tôi, bác sĩ Lê Đình Thiện, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV, công tác tại BV từ năm 1975, người cũng có 33 năm gắn bó với BV kể: “Tôi còn nhớ, vào kỳ Đại hội Đảng bộ BV 30-4 nhiệm kì 1996-2001, BV đặt quyết tâm thực hiện chăm lo thật tốt sức khỏe cho CBCS của ngành và người dân trên địa bàn, như đẩy mạnh khoa học kỹ thuật để hạn chế chuyển bệnh nhân đi, ưu tiên điều trị tại chỗ cho bệnh nhân.

Cho tới tháng 1-2005, BV 30-4 đã được Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt về việc nâng cấp lên BV hạng I của lực lượng CAND. Từ đó tới nay, BV liên tục đạt được rất nhiều những thành tựu góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân. Hiện, mỗi năm BV đã khám bệnh cho hàng triệu lượt người, thu dung, điều trị nội trú cho hàng chục vạn lượt bệnh nhân.

Ngoài nhiệm vụ chính phục vụ CBCS ngành Công an, BV còn có nhiệm vụ khám BHYT và chăm lo sức khoẻ cho người dân khu vực phía Nam. Thiếu tướng BS CKII Tống Mạnh Chinh, Giám đốc BV chia sẻ: “Nhiệm vụ của BV là khá nặng nề nhưng phát huy danh hiệu của một đơn vị anh hùng, chúng tôi luôn đồng lòng chung vai sát cánh vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất. Trong đó mũi nhọn hàng đầu là tăng cường về công tác chuyên môn, đột phá trong khoa học kỹ thuật”.

Tháng 2-2013, sau một thời gian chuẩn bị, ca chụp và can thiệp đặt stent mạch vành đầu tiên tại BV 30-4 đã được thực hiện thành công, mở ra nhiều cơ hội cứu sống cho bệnh nhân trong bệnh lý mạch vành, bệnh lý tim mạch nói chung.

Tính đến hết năm 2016, đã có 1.056 bệnh nhân được thực hiện kỹ thuật chụp mạch vành, trong đó, một trường hợp có thể được coi là điển hình trên cả nước đã được ứng dụng đặt 6 đoạn stent mạch vành thành công. Trước đó, khi đang làm nhiệm vụ tại nước ngoài, bệnh nhân Trần Đạo H bị trở bệnh đột ngột với những cơn tức ngực, khó thở khi gắng sức.

Phẫu thuật khớp gối tại Bệnh viện 30-4.

Sau khi nhập BV 30-4 vào tháng 1-2017, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân mắc bệnh mạch vành 3 nhánh cùng nhiều bệnh khác. Trong tình trạng như trên, khi gắng sức rất dễ bị lên cơn nhồi máu cơ tim cấp, nguy tính mạng. Sau 2 giờ với nỗ lực tuyệt vời của ê kíp các bác sĩ Khoa Nội Tim mạch và Khoa Ngoại BV đã cứu sống bệnh nhân.

Ngoài trường hợp được cứu sống ngoạn mục như trên, nhiều trường hợp khác do nhồi máu cơ tim cấp cũng được cứu sống tại BV. Đó là bệnh nhân Phan Đức Phước, Công an tỉnh Khánh Hòa, được đặt máy phá rung; bệnh nhân Lê Việt Dũng, Công an tỉnh Sóc Trăng, được đặt 4 stent mạch vành; bệnh nhân Trần Đờ Sông, Công an tỉnh Hậu Giang, được thực hiện đặt máy ICD...

Đặc biệt, với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật y khoa của các chuyên gia từ BV Chợ Rẫy, BV Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, tới nay nhiều kỹ thuật đã được thực hiện thành công tại BV 30-4. Đặc biệt, có tới 60% - 70% phẫu thuật nội soi trong nhiều chuyên khoa: sản khoa; chấn thương chỉnh hình, tai mũi họng, ngoại khoa tổng quát, ngoại tiết niệu;... được thực hiện bằng phẫu thuật nội soi. BV cũng đã triển khai được kỹ thuật phẫu thuật cắt gan bằng dao siêu âm, phẫu thuật thay khớp háng toàn phần, khớp gối nhân tạo, phẫu thuật vá ghép sọ...

Chia sẻ với PV Báo CAND, Thiếu tướng Tống Mạnh Chinh cho biết thêm: “Trang thiết bị hiện đại, đòi hỏi phải có đội ngũ giỏi. BV đã xác định nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ quan trọng đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao chất lượng điều trị và phát triển BV. BV đã tiến hành nhiều biện pháp đào tạo nguồn nhân lực nhằm tạo ra một đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi và đạo đức tư cách tốt, vừa hồng, vừa chuyên, đồng thời luôn có lực lượng kế thừa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công tác chăm sóc CBCS và nhân dân tốt nhất".

Tiền thân là Bệnh xá Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, BV 30-4 được thành lập ngày 6-8-1962. Là BV đa khoa hạng I đầu ngành của lực lượng y tế CAND ở phía Nam, hiện BV 30-4 có 500 giường bệnh, 32 khoa phòng, trung tâm, gồm 6 phòng chức năng và 26 khoa lâm sàng, trên 600 CBCNV, với 150 bác sĩ, dược sĩ có trình độ ĐH và sau ĐH, với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho CBCS Công an, cán bộ CAND hưu trí, bệnh nhân BHYT và người dân trong khu vực. Năm 2001, đơn vị vinh dự đón nhận danh hiệu anh hùng LLVTND; năm 2012 được Cờ thi đua Chính phủ; liên tiếp từ năm 2013 đến 2016, đơn vị được Cờ thi đua của Bộ Công an.

Huyền Nga
.
.
.