Sử dụng thuốc ARV đều đặn, sẽ ngăn được lây truyền HIV

Thứ Sáu, 30/11/2018, 18:05

Nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS 1-12, ngày 30-11, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức mít tinh và hội thảo “Dự phòng lây nhiễm HIV/ AIDS” với sự tham dự của đại diện Bộ Y tế và một số tổ chức quốc tế.



PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Nhằm tăng cường phòng chống dịch HIV/AIDS, từ 2009, Bệnh viện đã có phòng khám ngoại trú HIV do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Khoa Vi sinh của bệnh viện cũng được Bộ Y tế công nhận là một trong những labo hiện đại hàng đầu của cả nước, thực hiện được các xét nghiệm xác định và đo tải lượng virut HIV.

 Đến nay, phòng khám đã có hơn 2000 bệnh nhân đến đăng ký và hơn 1500 bệnh nhân đang được điều trị ARV miễn phí. Nhiều trường hợp, phát hiện HIV ở giai đoạn cuối nặng, nguy kịch đã được cứu sống, tái hòa nhập cộng đồng.

PGS.TS. Nguyễn Quốc Anh

GS. Linus Olson (Viện Karaliuska, Thụy Điển) mang đến những thông tin mới nhất về công tác phòng chống HIV/AIDS trên thế giới và đưa ra các khuyến cáo cần thiết để người nhiễm HIV và mọi người cùng dự phòng. Trong đó nhân mạnh thông điệp K =K (không phát hiện, không lây nhiễm).

GS. Linus Olson

PGS.TS. Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai) cũng cập nhật những thông tin khoa học và tình hình bệnh HIV trên thế giới hiện nay.  Theo đó, ở Việt Nam số người nhiễm HIV còn sống là 209.450 người, trong đó 90.100 chuyển sang giai đoạn AIDS. Số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 94.620 người. Tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS dưới 0,3%. Tập trung các đối tượng nguy cơ: tiêm chích ma túy (PWID), đồng giới nam(MSM), và nữ mại dâm (FSW).

Theo PGS. Đỗ Duy Cường, số người mắc HIV chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam; miền Trung không đáng kể. Trong số người nhiễm HIV, hiện số người đang điều trị ARV là 82.633, gồm 78.429 người lớn và 4.204 trẻ em. Nguy cơ nhiễm HIV tập trung ở một số nhóm đối tượng: Mại dâm, tiêm chích ma túy, tình dục đồng giới. Khả năng lây truyền là khi nguồn phơi nhiễm có tải lượng HIV cao (nhiễm HIV cấp, giai đoạn muộn, nguồn phơi nhiễm không điều trị ARV); Tỷ lệ virus kháng thuốc trong cộng đồng và trong nhóm cụ thể của nguồn phơi nhiễm (kháng thuốc lây truyền).

Với những chứng cứ khoa học mới nhất được công bố, PGS. Đỗ Duy Cường khẳng định PrEP có hiệu quả rất cao trong phòng lây nhiễm HIV (có thể lên đến 90% nếu uống đều theo chỉ định). PrEP là dùng ARV cho những người chưa nhiễm HIV trước khi tiếp xúc với nguồn lây nhằm dự phòng tránh bị lây nhiễm HIV. Đây cũng là biện pháp dự phòng bổ sung đối với những người có nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Nhưng không chỉ định nếu phơi nhiễm quá 72 giờ; cũng không trì hoãn PEP khi chờ kết quả xét nghiệm HIV của nguồn gây phơi nhiễm.  

Dựa trên các kết quả thực tế, Bộ Y tế khuyến cáo: Trường hợp xét nghiệm tải lượng HIV của bạn tình nhiễm HIV <200 bản sao/ml thì không cần điều trị PrEP cho bạn tình không nhiễm HIV.

PGS.TS. Đỗ Duy Cường cập nhật các biện pháp dự phòng HIV

Tuy nhiên, PGS. Cường cũng lưu ý các yếu tố quan trọng trong việc tuân thủ điều trị là kết hợp dùng thuốc vào thói quen hàng ngày; sử dụng các hình thức nhắc nhở (báo động bằng điện thoại, đặt thuốc nơi nó có thể được nhìn thấy, đặt vào hộp thuốc); cân nhắc lợi ích lớn hơn rủi ro; biết cách xử trí các tác dụng phụ. Tránh tối đa các tác dụng phụ ảnh hưởng đến việc tuân thủ và bỏ trị, dẫn đến nguy cơ dự phòng thất bại.

Các vấn đề dự phòng sau phơi nhiễm HIV được PGS. Cường đặc biệt lưu ý. Đó là quan hệ tình dục an toàn: Quan hệ chung thủy, không mua bán dâm, sử dụng bao cao su, không dùng chung dụng cụ tiêm chích và điều trị ARV cho người nhiễm HIV

PGS. Đỗ Duy Cường cũng khuyến cáo về các biện pháp dự phòng phổ cập: Coi máu và các dịch cơ thể từ tất cả các bệnh nhân là nguồn có nguy cơ gây nhiễm. Do đó cần áp dụng các biện pháp: Vệ sinh tay, sử dụng các dụng cụ bảo vệ cá nhân, kiểm soát môi trường, xử lý các vật sắc nhọn.



Thanh Hằng
.
.
.