Sốt xuất huyết tại TP HCM đã ‘mấp mé’ ngưỡng báo động dịch

Thứ Ba, 06/10/2015, 20:53
Tính đến ngày 1/10, toàn TP HCM có 10.624 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 5 ca tử vong. Các bệnh viện của thành phố đang quá tải bệnh nhân sốt xuất huyết.

Chiều 6/10, PGS. TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã làm việc với Sở Y tế TP Hồ Chí Minh về tình hình sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng trên địa bàn và các giải pháp tích cực để phòng chống.

SXH đã mấp mé ở ngưỡng “báo động dịch” là thông tin từ BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết tại cuộc họp.

Bệnh viện Nhi đồng 1 đang căng mình “chống dịch” vì quá tải bệnh nhi sốt xuất huyết.

Tính đến ngày 1/10, toàn thành phố có 10.624 ca mắc, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó có 5 ca tử vong. Trung bình mỗi tuần có khoảng 600 ca mắc SXH.

Đây đang là thời kỳ đỉnh dịch, mặc dù số bệnh nhân tăng cao nhưng theo BS Dũng, con số này đang ở mức cảnh báo chứ chưa đến “ngưỡng báo động dịch”. Toàn thành phố đã có 239 phường xã có bệnh nhân SXH. 8 địa bàn trọng điểm là các quận 8, Bình Tân, Thủ Đức, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn và Gò Vấp.

Số ca mắc tăng cao đã dẫn đến tình trạng quá tải ở hầu hết các bệnh viện. TS- BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 nêu một thực trạng: Có quá nhiều bệnh nhân tuyến dưới đã lên thẳng bệnh viện tuyến trên để khám cho yên tâm, mặc dù bệnh viện đã cố gắng giải thích, thuyết phục bệnh nhân về khám tại các bệnh viện vệ tinh hoặc bệnh viện tuyến dưới nhưng vẫn không giảm tải được.

Trung bình mỗi tuần, Khoa SXH,  Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận 100 - 110 ca. Không chỉ có SXH, còn đang phải đối phó với bệnh tay chân miệng, các bệnh viêm đường hô hấp trong giai đoạn chuyển mùa.

BS Trịnh Hữu Tùng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng cho biết, hiện, bệnh viện đã tiếp nhận 6.629 ca SXH điều trị ngoại trú, và 2.832 ca nội trú từ đầu năm tới nay. Riêng trong tháng 9, số bệnh nhân nội trú đã là 882 ca và 2.525 ca điều trị ngoại trú về SXH.

Chỉ đạo tại buổi làm việc, PGS. TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh 2 việc quan trọng trong việc đẩy lùi dịch SXH mà TP Hồ Chí Minh cần thực hiện rốt ráo, đó là phải giảm tối đa số ca mắc và tử vong do SXH và giảm tải bệnh viện.

Sáng ngày 6/10, sau khi trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại một số quận huyện, TS Trần Đắc Phu cho rằng, người dân ở nhiều nơi vẫn chủ quan, không có ý thức phòng chống dịch.

Qua kiểm tra, đoàn Bộ Y tế phát hiện tại nhiều công trường xây dựng, hay ngay trong các hộ dân, có rất nhiều “ổ bọ gậy nguồn”, có thể là ổ dịch nguy cơ làm lây lan dịch SXH. Cần có giải pháp cụ thể, có “cách làm mới” không thể để tình trạng đi kiểm tra chống dịch SXH tại các khu công nghiệp mà cán bộ y tế dự phòng không vào nổi để kiểm tra, nhắc nhở. Ngay việc tuyên truyền cho cộng đồng hiện cũng phải thay đổi, sáng tạo cách làm.

“Những băng rôn với khẩu hiệu “Không có lăng quăng sẽ không có sốt xuất huyết” đã không còn ý nghĩa, thực tế trong phòng chống dịch cho thấy, phòng ngừa SXH giờ không thể chỉ kêu gọi, phát động phong trào nữa mà phải kết hợp tuyên truyền đi đôi với cam kết, vận động và xử phạt”, TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh. 

Huyền Nga
.
.
.