Số người mắc bệnh do virus Zika tăng nhanh

Thứ Ba, 06/12/2016, 17:28
Cho đến nay, TP. Hồ Chí Minh vẫn là địa phương có số người mắc virus Zika nhiều nhất nước. Đáng lưu ý là số ca nhiễm virus Zika ở TP. Hồ Chí Minh vẫn đang tiếp tục tăng cao.

Với 4 ca vừa được phát hiện thêm vào ngày 6-12, TP. Hồ Chí Minh đã có 98 ca nhiễm Zika. Trong đó có 12 trường hợp thai phụ đang được tư vấn, theo dõi và chăm sóc thai kỳ theo quy định. TP. Hồ Chí Minh cũng là địa phương có tỉ lệ thai phụ nhiễm bệnh do virus Zika cao nhất cả nước. 

Như vậy, virus Zika đã xuất hiện tại 19/24 quận, huyện của TP. Hồ Chí Minh, trong đó, quận Bình Thạnh có số người mắc virus Zika nhiều nhất, với 20 ca, tiếp đó là quận 2 với 15 ca. Với 12 trường hợp thai phụ nhiễm vi rút Zika,

Virus Zika có liên quan đến chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh

Đến nay, sau Tây Ninh, đã có thêm địa phương công bố xuất hiện virus Zika là Đồng Nai. Vì thế, UBND tỉnh Đồng Nai đã phải tổ chức họp khẩn nhằm phòng, chống dịch Zika hiệu quả bằng việc dập ổ dịch mới phát sinh. 

Đáng lưu ý là ca mắc đầu tiên của Đồng Nai là một thai phụ 29 tuần tuổi. Tuy nhiên, đến ngày 6-12, bệnh nhân đã được ra viện và sức khỏe ổn định, các triệu chứng bệnh đã không còn. Sau khi phát hiện bệnh nhân Zika này, ngành y tế địa phương đã tiến hành kiểm tra tại khu vực ổ dịch trong bán kính 200m, nhưng chưa phát hiện thêm trường hợp nào có các dấu hiệu của bệnh. Chính quyền địa phương đã tiến hành xử lý ổ dịch.

Là địa bàn có số người mắc Zika cao nhất nước, nên TP. Hồ Chí Minh đang tăng cường công tác phòng, chống dịch, nhằm có thể khống chế được căn bệnh này. Ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quy trình thu dung điều trị thai phụ bị nhiễm virus Zika: thai phụ có các biểu hiện như hồng ban da, sốt nhẹ, đau đầu, đau mỏi cơ khớp và viêm kết mạc mắt thì cần làm các xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm Zika. 

Thai phụ nghi ngờ nhiễm virus Zika cần theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần/lần

Các bệnh viện tiếp nhận thai phụ nghi ngờ nhiễm Zika trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để thực hiện xét nghiệm theo quy trình do Bộ Y tế ban hành. Các bệnh viện có chuyên khoa phụ sản thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc thai kỳ cho các thai phụ nghi ngờ hoặc nhiễm virus Zika, nếu thấy vượt quá khả năng chuyên môn có thể chuyển thẳng đến Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương.

Các mẫu máu nghi ngờ đều phải đưa về Trung tâm Y tế dự phòng TP. Hồ Chí Minh để giám sát, phòng dịch. UBND TP. Hồ Chí Minh thanh toán chi phí 700.000 đồng/người để tầm soát bệnh do virus Zika cho thai phụ.

Từ trước đến nay nước ta chỉ áp dụng kỹ thuật phun sương lạnh để diệt muỗi, nhưng kỹ thuật này đã bộc lộ một số hạn chế. Để ứng phó với dịch bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết, ngành y tế TP. Hồ Chí Minh đã cho thử nghiệm phun thuốc diệt muỗi bằng kỹ thuật phun mù nhiệt theo công nghệ Singapore. 

Khu vực phun thuốc thí điểm là tại ký túc xá, trường Đại học ở quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 là những nơi có nguy cơ cao, dễ phát sinh dịch bệnh và là những khu vực có khả năng lây truyền bệnh do virus Zika cao trên địa bàn. Kỹ thuật phun mù nhiệt có kích thước hạt thuốc siêu nhỏ, phát tán nhanh ra một khu vực rộng, hạt thuốc nhẹ, lơ lửng trong không khí lâu hơn, có thể diệt cả muỗi đang bay. 

Ưu điểm của biện pháp kỹ thuật này là hóa chất phun ra tạo thành luồng sương khá dày đặc, mắt thường có thể nhìn thấy được. Người phun có thể kiểm soát được lượng hóa chất được phun ra môi trường.

Bên cạnh đó, luồng sương của hóa chất này tồn lưu lâu hơn trong không khí, có thể len lỏi được trong các bụi rậm, đồng thời duy trì thời gian diệt côn trùng đang bay trong không khí cũng lâu hơn. Đây là biện pháp đã được một số nước trên thế giới như Brazil, Singapore áp dụng diệt muỗi trong phòng, chống bệnh do virus Zika.

Tuy nhiên, việc phun khói nóng chỉ thực hiện ở nơi không gian rộng. Bởi nếu phun thuốc diệt muỗi bằng kỹ thuật này ở ven đường sẽ che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông. Cũng không thể áp dụng kỹ thuật khói nóng để phun trong nhà do sử dụng dầu diesel nên hạt dầu sẽ bám vào vật dụng trong nhà.

Các chuyên gia cho rằng, ngoài những con số về người mắc bệnh do virus Zika đã có, rất có thể còn nhiều người nhiễm virus Zika trong cộng đồng chưa được phát hiện. Mặc dù đến nay vẫn chưa có khuyến cáo hạn chế đi đến những nơi có dịch bệnh, nhưng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) vẫn khuyến cáo người dân, đặc biệt là thai phụ, cần chủ động phòng tránh muỗi đốt. 

Phụ nữ có thai nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm virus Zika cần được theo dõi siêu âm thai mỗi 3-4 tuần một lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi. Phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus Zika bằng cách  tự diệt muỗi, diệt lăng quăng vẫn là biện pháp quan trọng vào thời điểm hiện nay.  

Thanh Hằng
.
.
.