Siết chặt an toàn thực phẩm trong trường học

Thứ Sáu, 29/09/2017, 09:45
Dự kiến, trong tháng 10-2017, Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đợt diễn tập xử lý, điều tra NĐTP trong trường học, từ đó xây dựng quy trình xử lý NĐTP tại các trường học.

Siết chặt vấn đề an toàn cho suất ăn trong trường học; rà soát qui trình sản xuất, chế biến thực phẩm tại trường học, các cơ sở cung ứng suất ăn cho trường học, thực phẩm bán trong căng tin trường học cần phải được đưa vào "khuôn phép" nhằm giảm thiểu ngộ độc thực phẩm cho học sinh; là những vấn đề vừa được bàn bạc tại cuộc họp giao ban giữa Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP) TP Hồ Chí Minh với lãnh đạo các trường học trên địa bàn.

Theo Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 2.821 cơ sở có dịch vụ ăn uống trong trường học, trong đó 1.620 bếp ăn tập thể; 883 căng tin và 318 cơ sở cung ứng suất ăn sẵn. Dù có nhiều giải pháp đã thực hiện, nhưng tình hình ngộ độc thực phẩm (NĐTP) vẫn xảy ra. 

Cụ thể, năm 2014 xảy ra 1 vụ làm 97 học sinh (HS) nhập viện; năm 2015 có 1 vụ làm 65 HS nhập viện; năm 2016 xảy ra 2 vụ làm 127 HS nhập viện. Từ đầu năm tới nay, tính tới tháng 9-2017, cũng đã xảy ra 1 vụ làm 16 HS ngộ độc thực phẩm. 

Theo ông Nguyễn Đại Ngọc, Ban quản lý ATTP TP.HCM, hơn 60% các vụ ngộ độc xảy ra trong trường học qua phân tích kiểm nghiệm là do thức ăn nhiễm vi sinh vật, 25% là do thực phẩm bị biến chất, gần 4% là do có hoá chất tồn dư trong thực phẩm.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm vẫn luôn tiềm ẩn khi học sinh hàng ngày vẫn mua, dùng phải những thức ăn trước cổng trường.

Nguyên nhân để xảy ra NĐTP là do nhân viên chưa nắm vững kiến thức về ATTP (về bảo quản, chế biến thực phẩm chưa hợp vệ sinh,...); các bếp ăn, cơ sở chế biến suất ăn sẵn chưa có sự giám sát thường xuyên; thời gian thực phẩm từ lúc chế biến đến khi sử dụng còn dài (sau 2 giờ) mà không có thiết bị bảo quản, hâm nóng. 

Đáng lưu ý là tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh, hóa chất không được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, chất kích thích tăng trưởng trong một số sản phẩm nông nghiệp cũng góp phần làm tăng nguy cơ NĐTP. Bên cạnh đó, một số bếp ăn, căng tin trong trường học còn sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, chưa có sự giám sát chặt chẽ chất lượng thực phẩm trước khi đưa vào sử dụng.

Trong thời gian tới, Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung vào công tác truyền thông, tập huấn kiến thức ATTP cho người quản lý, bếp trưởng, nhân viên trực tiếp chế biến thực phẩm; tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên, đội ngũ cán bộ phụ trách căng tin, bếp ăn trong trường học thực hiện công tác tự kiểm tra ATTP. 

Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cũng khuyến cáo các trường học có số lượng học sinh từ 500 em trở lên, nên tự tổ chức bếp ăn tập thể tại trường để kịp thời giám sát các điều kiện bảo quản, chế biến thực phẩm. 

Các bếp ăn, cơ sở chế biến nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ các cơ sở đủ điều kiện ATTP, các cơ sở trong chuỗi thực phẩm an toàn được công nhận của thành phố, các cơ sở đạt chứng nhận HACCP, ISO 22000, VietGap, GlobalGap,...

Ban quản lý ATTP sẽ cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời phải cam kết: Đảm bảo 100% các bếp ăn, căng tin trong trường học được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP hoặc ký cam kết đảm bảo ATTP. 

Ban quản lý ATTP sẽ đi kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất, hoặc phối hợp liên ngành đi kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các điều kiện ATTP tại các cơ sở này. Kiên quyết xử lý các cơ sở không đảm bảo ATTP trong trường học, nhằm phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Dự kiến, trong tháng 10-2017, Ban quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh sẽ tổ chức đợt diễn tập xử lý, điều tra NĐTP trong trường học, từ đó xây dựng quy trình xử lý NĐTP tại các trường học.

PGS TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh cũng chia sẻ, HS-SV trong trường học là những đối tượng dễ có nguy cơ bị ngộ độc khi sử dụng thực phẩm không an toàn. Ban quản lý ATTP sẽ ký kết phối hợp với Sở GD&ĐT để đảm bảo ATTP trong trường học. 

Cụ thể, sẽ rà soát lại để đảm bảo không có sơ sở nào không có giấy phép mà được hoạt động. Trong quá trình rà soát, sẽ thẩm định lại, nếu đáp ứng tất cả các điều kiện qui định thì mới được cấp phép. Ngoài ra, sẽ thiết lập hệ thống tự kiểm tra giữa các cơ sở.

Cũng theo bà Phong Lan, đảm bảo ATP trong trường học là vấn đề được rất được quan tâm. Nhiệm vụ của Ban quản lý ATTP là xây dựng quản lý nguồn thực phẩm sạch, an toàn và ngăn chặn nguồn thực phẩm bẩn không để tới tay người dân. Nhưng, nếu một mình Ban thì không thể kham  nổi mà cần sự chung tay của cả hệ thống. 

Trước hết là cần sự hỗ trợ từ Sở GD&ĐT trong kiểm tra, giám sát các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học, nơi cung cấp suất ăn sẵn cho học sinh.

Đến nay, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã chọn quận 3 và quận 5 làm thí điểm trong việc đảm bảo ATTP từ nguồn, tức là bắt buộc phải mua thực phẩm từ các cơ sở chuỗi thực phẩm an toàn được công nhận của thành phố, của các cơ sở đạt chứng nhận VietGap, GlobalGap.

Huyền Nga
.
.
.