Thực phẩm bẩn “bủa vây” nhiều trường học ở Hà Nội

Thứ Sáu, 19/05/2017, 09:33
Thức ăn, đồ uống bắt mắt, không nhãn mác, có ký hiệu lạ… được bày bán tràn lan, lôi cuốn nhiều em học sinh mua và sử dụng. Đó là thực tế đã và đang tồn tại ở nhiều cổng trường học đóng trên địa bàn thành phố hiện nay. Câu hỏi đặt ra, liệu cơ quan chức năng có bất lực với tình trạng kinh doanh thực phẩm bẩn đang đe dọa sức khỏe của các em?

Chỉ cần khảo sát qua một số cổng trường học đóng trên địa bàn thành phố như: Tiểu học Thành Công B, Trung học cơ sở Thành Công, Trung học cơ sở Cát Linh v.v… dễ dàng bắt gặp hình ảnh các điểm kinh doanh thực phẩm “di động” thu hút các em. 11h15 ngày 18-5, vừa ra khỏi cổng trường, 5-7 em học sinh Trường Tiểu học Thành Công B liền sà vào sạp bán bánh kẹo, thực phẩm bên ngoài cổng trường. Các em không ai bảo ai, nhanh nhảu tìm mua cho mình những món quà vặt (bim bim, bánh, kẹo…).

Lại gần sạp bán quà vặt trên, chúng tôi thấy, bên trong tủ kính sạp hàng này chứa khá nhiều bánh, kẹo, ô mai với bao bì lòe loẹt. Hỏi giá một gói “thịt nướng” được đóng gói trong bao ni lông có in hình “que thịt nướng”, chúng tôi giật mình khi ông chủ sạp nói, giá của nó là 3 ngàn. Cũng chính vì nhãn mác có in hình thịt xiên nướng và mẫu mã của loại thực phẩm này bắt mắt nên nhiều em học sinh đã tìm mua.

Trưa cùng ngày, tìm đến cổng trường Trung học cơ sở Cát Linh (quận Đống Đa), chúng tôi ghi nhận hai em học sinh đang ăn những xiên thực phẩm đã được chiên qua dầu. Anh chủ sạp, tuổi khoảng 40, tay thoăn thoắt đưa những xiên thực phẩm mà theo anh đó là “chả cá”, là “pho mai tôm”… lướt qua chảo dầu. Xung quay, la liệt các chai lavie đựng dầu ăn, tương ớt đã cáu bẩn.

Điểm kinh doanh của anh được hình thành khá cơ động. Số dụng cụ dùng cho việc chế biến số thực phẩm trên được đựng trong hai chiếc thùng tôn đã buộc chặt phía sau yên chiếc xe máy. Theo anh chủ, giá của xiên “chả cá”, “pho mai tôm” mà anh bán rất rẻ, chỉ với 2 ngàn đồng/xiên.

Cẩn trọng với những hệ lụy đi kèm với “sạp” kinh doanh quà vặt trước cổng trường.

Anh chủ cứ vô tư dùng tay không bốc thứ thực phẩm được cho là “chả cá”, “pho mai tôm” cho vào túi rồi gói lại cho thực khách. Với công đoạn chế biến cũng như sự mập mờ nguồn gốc xuất xứ của số thực phẩm “chả cá”, “pho mai tôm” trên đã và đang cảnh báo về nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm đi kèm.

Để hiểu rõ hơn về nơi cung cấp và các vấn đề liên quan đến số thực phẩm đang được bày bán tràn lan ở nhiều cổng trường học hiện nay, PV Báo CAND đã tiếp cận với P.Đ. (34 tuổi, nhà ở quận Ba Đình, Hà Nội) – một trong những đầu mối đổ buôn cho nhiều cơ sở kinh doanh quà vặt trước cổng trường học. P.Đ. cho biết, nắm được tâm lý của nhiều em học sinh thích ăn quà vặt khi tan học, P.Đ. đã chắp mối và cung cấp các loại thực phẩm đang được nhiều em học sinh ưa chuộng như:  “thịt Hổ Ka Ka”, “thịt bò tẩm ướp”, “cá cay Ben To” v.v..

Để chứng minh cho chúng tôi, P.Đ. mở chiếc túi ni lông màu đen mang theo bên mình. Bên trong chiếc túi này là hàng chục gói “thịt Hổ Ka Ka”, “cá cay Ben To”. P.Đ. cho biết, trước đó, số thực phẩm này được anh mua lại từ một cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Giá của một dải “Hổ Ka Ka” (khoảng 20 gói) là 26 ngàn đồng và 35 ngàn đồng cho một dải “cá cay Ben To” (khoảng 10 gói). Sau khi chuyển cho các sạp quà vặt, chủ các sạp này sẽ bán cho các em học sinh với mức lãi từ 1,5-2 lần.

Vừa bóc gói “cá cay Be To” có dòng chữ loằng ngoằng không rõ nơi sản xuất, P.Đ. tiết lộ: “Vì hương vị thơm được tẩm ướp nên nhiều em học sinh khó “cưỡng” món ăn này!”.

Đâu là nguyên nhân khiến các sạp kinh doanh thực phẩm bẩn vẫn tồn tại như hiện nay? Trao đổi với PV Báo CAND, cô Lê Thị Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho hay, các em học sinh nhất là lứa tuổi học sinh tiểu học thường có trí tò mò, thích mua và sử dụng những món ăn có màu sắc sặc sỡ như: “que bim bim”, “bột chiên”, “thịt Hổ Ka Ka” v.v… Thế nên, số sạp kinh doanh các thực phẩm dạng này mới có chỗ tồn tại.

Để đẩy lùi hoạt động kinh doanh các loại thực phẩm – quà vặt mập mờ về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, các bậc phụ huynh cần thường xuyên nhắc nhở con em mình không nên ăn quà vặt tại các quán, sạp hàng rong, sử dụng các loại thực phẩm không có nhãn mác, hạn sử dụng. Đồng thời, bản thân các thầy cô cũng nên bố trí nhiều hơn nữa các buổi tập huấn, trang bị kỹ năng tránh xa thực phẩm bẩn cho các em học sinh.

Cũng theo cô giáo Lê Thị Thanh Thủy, cùng với đó, nhà trường khi phát hiện hiện tượng kinh doanh thực phẩm bẩn cho các em học sinh nên báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý một cách kịp thời. Có như vậy mới tránh được tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng tới sức khỏe con em mình.

Trần Huy
.
.
.