Sau những ngày mưa, cần đề phòng rắn độc cắn

Chủ Nhật, 30/07/2017, 19:32
Không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, năm trước, mỗi tháng Bệnh viện Chợ Rẫy có gần 90 trường hợp bị rắn cắn nhập viện và cả năm, Bệnh viện đã phải điều trị tới 800 người bị rắn cắn.


Ngày 28-7, ông N.Đ.C. (62 tuổi, ở Bình Phước) vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng suy hô hấp do bị rắn cạp nia cắn. Cùng thời điểm này, bệnh nhân N.V.B. (45 tuổi, ở Đắk Lắk) cũng vào đây cấp cứu trong tình trạng khó thở, không cử động được, sau khi dẫm phải một con rắn và bị cắn vào chân. Còn ở Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai, sau những ngày mưa nhiều như hiện nay, cũng liên tiếp phải đón nhận các bệnh nhân bị rắn cắn vào điều trị.

Theo BS. Đàm Chính (Trung tâm Chống độc-Bệnh viện Bạch Mai), từ đầu mùa hè năm nay, ngày nào Trung tâm cũng phải tiếp nhận người bị rắn độc cắn vào nhập viện. 

Thời điểm hiện nay sau những ngày mưa nhiều cũng đang là điều kiện thuận lợi để rắn độc hoạt động, do đó nhiều nên người dân dễ bị rắn cắn. Không chỉ ở Bệnh viện Bạch Mai, năm trước, mỗi tháng Bệnh viện Chợ Rẫy có gần 90 trường hợp bị rắn cắn nhập viện và cả năm, Bệnh viện đã phải điều trị tới 800 người bị rắn cắn.

Các trường hợp bị rắn cắn xảy ra khi người bệnh đi lao động, đi du lịch, thậm chí, nhiều người chuyên nghề bắt rắn cũng bị rắn độc cắn. Hầu hết là nạn nhân của các loài rắn lục, rắn hổ mang, rắn cạp nia...cắn. 

Theo các bác sĩ, vào dịp hè, các điểm du lịch trên núi, đảo, những nơi rừng rú, nhiều cây cối thường được mọi người yêu thích tìm đến khám phá lại cũng là nơi có nhiều rắn lục mà mọi người không biết nên chủ quan, dễ bị chúng cắn khi vô tình dẫm phải, hoặc xuất hiện đúng nơi chúng nằm.

Chăm sóc một bệnh nhân bị rắn độc cắn

Việc chữa trị rắn độc cắn rất tốn kém khi phải sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn. Những người bị nặng còn phải cắt cụt chi hoặc hoặc cắt bỏ gân, cơ, chi phí rất lớn. Thế nhưng, điều đáng nói là nhiều người bệnh thường đến bệnh viện muộn do còn mải chữa theo kinh nghiệm dân gian, hoặc thuốc nam, chỉ đến khi bị ngộ độc quá nặng mới chịu đến bệnh viện. Lúc đó, tổ chức gân cơ đã bị hoại tử và trở nên vô phương cứu chữa, khiến nhiều người tử vong. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo ngay khi phát hiện bị rắn cắn, cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

PGS.TS. Phạm Duệ -nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc –Bệnh viện Bạch Mai lưu ý: Khi bị rắn cắn, không nên đi tìm thầy lang, hay chữa bằng các bài thuốc lá vì sẽ làm lãng phí “thời gian vàng”. 

Thay vào đó phải khẩn trương đi đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời. Nếu là rắn độc cắn, bệnh nhân được sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu càng sớm càng tốt. Ngược lại, để chậm trễ dễ dẫn đến tử vong hoặc biến chứng nặng, điều trị lâu dài, vừa tốn kém lại vừa để lại di chứng như phải tháo khớp nơi bị rắn cắn.

Người nhà bệnh nhân khi đưa bệnh nhân đến bệnh viện, nếu có thể, nên mang theo con rắn đã cắn, giúp bác sĩ sớm xác định loại độc nào để điều trị phù hợp; hoặc ít nhất cũng cung cấp thông tin về nơi bị rắn cắn, đặc điểm của rắn và các biện pháp sơ cứu đã áp dụng để các bác sĩ biết, sẽ giúp việc cấp cứu nhanh chóng và hiệu quả.

Khi sơ cứu người bị rắn cắn thì không để bệnh nhân tự đi lại, vì việc vận động nhiều sẽ làm nọc độc càng di chuyển vào cơ thể. Có thể bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp. Vì rắn hổ mang cắn có thể gây liệt cho nên cần dùng kỹ thuật băng ép bất động và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ chuyên khoa điều trị. Trong khi vận chuyển nên để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.

Đặc biệt, các bác sĩ lưu ý người bệnh không nên tự đi thẳng lên các bệnh viện tuyến trên, vì đường xa và bệnh nhân có thể bị nguy hiểm trên đường đi mà không được nhân viên y tế hỗ trợ.

Từ kinh nghiệm của các bệnh nhân bị rắn cắn, các bác sĩ khuyến cáo cách phòng tránh bị rắn cắn: cần cảnh giác đặc biệt với các loài rắn sau mưa, trong mùa lũ lụt, mùa gặt hái và ban đêm. Không nên ngồi cạnh gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối. Không dùng tay bẻ cành cây, lấy củi trong đêm, cũng không đi chân không vào rừng, nương, rẫy, nhất vào ban đêm.

Thanh Hằng
.
.
.