Rét đậm kéo dài, người bị đột quỵ phải cấp cứu tăng 20%

Thứ Năm, 03/01/2019, 11:19

PGS.TS. Mai Duy Tôn, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, trong những ngày thời tiết lạnh sâu hiện nay, số bệnh nhân bị đột quỵ vào Khoa cấp cứu tăng hơn trước khoảng 20%. Mỗi ngày có khoảng 30-40 người bị đột quỵ nhập viện với số có chỉ định can thiệp cấp cứu gia tăng. Đáng lưu ý là số bệnh nhân nằm trong khung giờ vàng chỉ chiếm 1,5%. Riêng ở Bệnh viện Bạch Mai tỉ lệ này cao hơn, nhưng cũng chỉ 5-7% là trong giờ vàng. 


Trong khi đó, nếu đến bệnh viện kịp thời thì có cơ hội điều trị hiệu quả, chi phí điều trị thấp hơn và ít để lại di chứng. Ngược lại, nếu đến qua giờ vàng thì hậu quả do đột quỵ rất tồi tệ vì những di chứng nặng nề, điều trị khó khăn và chi phí rất cao.

PGS.TS. Mai Duy Tôn cho biết thêm, giờ vàng là thời gian sau khi xảy ra đột quỵ 4-6h và hiện nay, với những kỹ thuật hiện đại, Bệnh viện Bạch Mai có thể cứu chữa thành công cho những bệnh nhân bị đột quỵ 24h. Vì thế, các chuyên gia của Bệnh viện nội khoa hàng đầu này đưa ra khuyến cáo: Khi bệnh nhân bị đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.

“Lâu nay nhiều người hiểu sai về việc bệnh nhân bị đột quỵ là không được vận động là không di chuyển nên cứ để nằm yên một chỗ, khiến bệnh nhân càng nặng. Cần phải hiểu đúng là không để bệnh nhân vận động nhưng có thể di chuyển bệnh nhân khi họ nằm trên cáng, trên ô tô.” - PGS.TS. Mai Duy Tôn lưu ý.

Tuy nhiên, trong khi đợi xe cấp cứu, cần sơ cứu cho bệnh nhân, xem bệnh nhân có tỉnh táo và hợp tác không nhưng tránh làm tổn tương nặng thêm cho bệnh nhân. Cho người bệnh nằm đầu cao, để nếu bị nôn không bị nuốt ngược vào trong. cho bệnh nhân bằng cách: Để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể (để khi bệnh nhân bị nôn, đờm dãi, chất nôn sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi người bệnh); mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp. Nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực và gọi trợ giúp của người xung quanh.

TS. Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng Khoa Cấp cứu – A9, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Khi bệnh nhân bị đột quỵ, tuyệt đối không được cho ăn, uống bất kỳ thuốc gì. Vì có thể gây diễn biến nặng cho bệnh nhân sau đó. Nới rộng vùng cổ, ngực bệnh nhân cho thông thoáng và đưa ngay vào cơ sở y tế. Không sơ cứu như xoa bóp, bấm huyệt, chích nặn máu vì đây là những biện pháp mà khoa học đã chứng minh không hiệu quả.  

Đặc biệt, TS. Nguyễn Văn Chi cho biết: Nhiều người Việt Nam có thói quen sai lầm là khi thấy người thân trong gia đình nghi ngờ có dấu hiệu đột quỵ thường cho uống ngay viên An Cung. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm cho người bệnh và đã có những hậu quả rất thê thảm. Bởi khi bệnh nhân bị đột quỵ thường rơi vào trạng thái bị mê man, rối loạn nuốt. Việc uống nước lúc này còn khó đối với bệnh nhân chứ chưa kể đến nuốt thuốc, nên có thể gây sặc và viên thuốc sẽ tắc đường thở cho người bệnh, đe dọa tính mạng, thậm chí thuốc rơi vào phổi và đã có những bệnh nhân chết vì sặc thuốc chứ không phải vì đột quỵ.

Các chuyên gia của BV Bạch Mai thông tin mới nhất về bệnh đột quỵ

Vì thế, TS. Chi khuyến cáo: Khi phát hiện người có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ, tuyệt đối không cho họ uống bất cứ loại thuốc nào khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Vì cho uống thuốc thời điểm đó là không phù hợp.

Có một vấn đề nữa là nhiều người chưa phân biệt được giữa đột quỵ với cảm gió, dẫn đến việc xử lý chưa đúng, có thể tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh. Về điều này, BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu) chia sẻ kinh nghiệm: Nhiều người tắm vào buổi tối, nước nóng làm cho mạch máu giãn ra. Việc giảm máu đưa lên não đột ngột dễ gây ngất nhưng sẽ tỉnh ngay. Còn đột quỵ thường xảy vào ban ngày, ít khi xảy ra vào đêm và tối. Thời điểm giao mùa hay đột ngột chuyển nóng hoặc chuyển lạnh là lúc người bệnh dễ mắc đột quỵ, đặc biệt đối với các bệnh nhân có các bệnh huyết áp, tim mạch thì nguy cơ sẽ cao hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, để xác định chính xác bệnh nhân bị đột quỵ hay không, cần có các phương tiện hiện đại xác định. Vì thế khi vào bệnh viện, các bác sĩ phải phải dùng chẩn đoán hình ảnh để xác định và vai trò hình ảnh học hiện mang tính quyết định trong điều trị.

Điều các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai lo lắng là bệnh đột quỵ thường người già mắc nhiều hơn. Nhưng hiện đang có nhiều người trẻ cũng mắc với các căn nguyên như bất thường về mạch, bệnh tăng đông, gây đột quỵ, thiếu máu. Bệnh phình mạch não chiếm 1/200% dân số. Những người có các bệnh mỡ máu, suy thận tiểu đường, tim mạch …dễ bị đột quỵ khi gặp thời tiết lạnh do bị co thắt mạch, ảnh hưởng đến hệ thống mạch máu. Đặc biệt những người đã từng bị đột quỵ rồi rất dễ tái phát nên cần phải dự phòng cả đời. Nam giới mắc đột quỵ nhiều hơn nữ vì có nhiều yếu tố nguy cơ như rượu bia, thuốc lá vv….

Để phòng bệnh đột quỵ, khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh, không nên ra đường tập luyện, mà cần tập trong điều kiện phù hợp với sức khỏe.

PGS.TS. Mai Duy Tôn chỉ ra các dấu hiệu nhận biết bệnh đột quỵ: Thứ nhất, người bệnh đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Thứ hai, bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, mồm méo.  Thứ ba, đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.

Khi có dấu hiệu trên, người nhà cần gọi 115 để được cấp cứu ban đầu và 115 sẽ giúp đưa người bệnh vào cơ sở y tế điều trị tốt nhất, chuyên sâu về đột quỵ.


Thanh Hằng
.
.
.