Bảo hiểm xã hội Việt Nam họp báo về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên:

Khi Bảo hiểm xã hội đặt quyền lợi của mình cao hơn "thượng đế"!?

Thứ Năm, 17/09/2015, 10:38
Người dân ở nhiều tỉnh, thành đang bức xúc trước việc thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) trong năm học 2015-2016, khi số tiền BHYT của mỗi học sinh đã tăng khoảng 150.000 đồng/năm, do tăng thu từ 3% lên 4,5%, và thu liền 15 tháng khiến số tiền thu BHYT tăng gấp đôi so với mọi năm, gây khó khăn cho rất nhiều gia đình lao động. 

Trước sự ồn ào của dư luận về việc thu BHYT HSSV, ngày 16/9, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) đã tổ chức buổi họp cung cấp thông tin về vấn đề trên cho báo chí.

Theo TS Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, trước những ý kiến của người dân, BHXHVN đã đề nghị liên Bộ Y tế-Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 41 theo hướng năm tài chính hoặc năm học, khóa học, đồng thời tăng mức hỗ trợ của Nhà nước, đảm bảo không có sự chênh lệch giữa các nhóm đối tượng; cho phép gia đình có 2 HSSV tham gia BHYT được giảm mức đóng như đối tượng tham gia theo hộ gia đình. Đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp, chỉ đạo Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp cùng ngành BHXH tăng cường thực hiện BHYT cho HSSV; nhà trường khắc phục khó khăn để thu BHYT làm nhiều đợt, giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh HSSV vào đầu năm học mới.

Ngành GD-ĐT cũng phải có trách nhiệm chứ không phải là “thu hộ” vì Luật BHYT đã qui định trách nhiệm của ngành GD-ĐT, hơn nữa, tiến hành thu BHYT HSSV, các trường được hưởng 7% tổng số thu để dành cho chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Nên tạo điều kiện để thu hút BHYT cho HSSV.

Ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, việc triển khai Thông tư 41 cho thấy có vướng mắc: Do thời hạn sử dụng thẻ BHYT của học sinh theo năm và phương thức đóng BHYT của học sinh là 6 tháng hoặc 1 năm, dẫn đến trong giai đoạn chuyển tiếp là thời gian còn lại của năm học 2015-2016 còn 3 tháng năm 2015 và cả năm 2016 chưa đóng, gây khó khăn cho học sinh tham gia BHYT. Vì vậy, để linh hoạt trong việc đóng BHYT HSSV, đề nghị liên Bộ Y tế và Bộ Tài chính bổ sung Thông tư 41 qui định thời gian đóng là 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng.

Về điều kiện trích chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ), theo Thông tư 41, cán bộ làm công tác y tế trường học phải có trình độ tối thiểu là trung cấp y để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV trong thời gian học tập tại trường, có phòng y tế hoặc làm việc riêng. Tuy nhiên, trước thực trạng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của y tế trường học chưa đủ, để đảm bảo việc sử dụng nguồn kinh phí CSSKBĐ hiệu quả, đúng mục đích, kịp thời CSSKBĐ cho HSSV, BHXHVN đề nghị Bộ Y tế - Bộ Tài chính sửa đổi Thông tư 41 theo hướng: đối với trường học không đủ điều kiện trích chuyển kinh phí CSSKBĐ thì được ký hợp đồng với cơ sở y tế đủ điều kiện KCB BHYT để thực hiện KCB trong CSSKBĐ của HSSV.

Mặc dù gây nên sự xáo trộn dư luận thời gian qua về việc thu BHYT HSSV, khi các bậc phụ huynh cho biết không được tuyên truyền và chính BHXHVN đã phải chỉ đạo các địa phương dừng thu 15 tháng BHYT, nhưng tại cuộc họp, đại diện BHXHVN khẳng định: “Riêng việc triển khai thu BHYT HSSV, BHXHVN cho rằng đã chỉ đạo BHXH tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện BHYT và tổ chức thực hiện thu và phát hành thẻ BHYT thành nhiều đợt (3 tháng, 12 tháng, hoặc 6 tháng, 9 tháng hoặc 15 tháng…), đảm bảo từ 2016 trở đi thực hiện theo năm như quy định tại Thông tư 41”. Và trách nhiệm tổ chức thu sai thuộc về địa phương khi không linh hoạt để phân kỳ làm nhiều lần. 

PV Báo CAND đã đặt câu hỏi với người đứng đầu BHXHVN: Nếu nói như vậy thì việc tổ chức thu BHYT HSSV trái Thông tư 41 vừa qua là không thuộc trách nhiệm của BHXHVN? Đề nghị BHXH cung cấp văn bản hướng dẫn đã gửi các địa phương, cũng như văn bản chỉ đạo dừng thu trái qui định sau khi báo chí phản ánh việc thu 15 tháng. Tuy nhiên, BHXHVN đã không đưa ra được một văn bản nào để chứng minh đã chỉ đạo các địa phương thu phân kỳ theo Thông tư 41 hướng dẫn.

Chính sự thiếu chỉ đạo cần thiết của BHXHVN trước vấn đề có tác động xã hội lớn như BHYT HSSV năm học này đã khiến các tỉnh, thành không thống nhất cách thức thu và dẫn tới gần 10 địa phương thu trái Thông tư 41. Việc ông Trần Đình Liệu, Trưởng ban Thu (BHXHVN) thanh minh rằng, “các tỉnh đều có hướng dẫn liên ngành ở 63 tỉnh, thành và đó là tuyên truyền, phổ biến nên mọi người phải biết”, chỉ là “chữa cháy”! Chỉ đến khi không còn “bao biện” được nữa, phía BHXHVN mới lên tiếng nhận trách nhiệm.

Lại nữa, mức thu 15 tháng được triển khai là 543.700 đồng/HSSV, nhưng từ đầu đến cuối cuộc họp, Tổng Giám đốc BHXHVH Nguyễn Thị Minh đều cho rằng, “mức thu 15 tháng chỉ hơn 400.000 đồng” và đó không phải là cao. Con số đưa ra đã sai. Phía thu chỉ muốn gọn, nhanh, không cần biết mức sống của người dân còn thấp, là đặt quyền lợi của mình cao hơn “thượng đế”. Tổng Giám đốc BHXHVH khẳng định “đây là vấn đề nóng”, nên BHXHVN phải tổ chức họp để cung cấp thông tin, nhưng vẫn cho rằng, đó “không phải là xáo trộn”, không phải là “dư luận nhân dân” mà chỉ do… báo chí!

Trước một vấn đề gây tác động xã hội, nhiều người chịu ảnh hưởng, làm ảnh hưởng mục tiêu đạt 75% dân số có BHYT trong năm 2015 mà Chính phủ chỉ đạo, nếu không nghiêm khắc nhìn nhận trách nhiệm để rút ra bài học cần thiết về công tác tổ chức thu BHYT thì sẽ khó vận động người dân tham gia BHYT. Việc tổ chức thu BHYT trái qui định thêm một lần cho thấy, tư duy làm chính sách của BHXHVN chưa coi trọng quyền lợi của người dân. Vì thế, rất cần thay đổi.

Thanh Hằng
.
.
.