Trò chuyện chủ nhật

Thu bảo hiểm y tế học sinh 15 tháng liền: Lỗi do ngành giáo dục địa phương!

Chủ Nhật, 13/09/2015, 07:20
Vấn đề nóng nhất trong những ngày đầu năm học vừa qua chính là thu bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh. Nhiều người cảm thấy “sốc” khi không chỉ mức thu BHYT tăng từ 3% lên 4,5%, mà năm nay, nhiều nơi còn tổ chức thu gộp cả 3 tháng còn lại của năm 2015 cùng với 12 tháng của năm 2016 thành 15 tháng, làm cho mức đóng BHYT của mỗi học sinh lên 543.700 đồng, cao gấp đôi mức đóng mọi năm là hơn 260.000. 

Vì sao lại thế và trách nhiệm gây nên “sự kiện” này thuộc về ai? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thầy thuốc ưu tú, TS Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam.

+ Thưa ông, dư luận ồn ào những ngày qua về tăng mức đóng BHYT, đồng thời, còn thu liền 15 tháng, khiến nhiều gia đình gặp khó khăn, nhất là những gia đình đông con. Ông nghĩ sao về việc này?

TS Phạm Lương Sơn.

TS Phạm Lương Sơn: Việc điều chỉnh mức đóng lên 4,5% là thực hiện theo quy định của Luật BHYT đã được Quốc hội thông qua. Luật được Quốc hội qui định cụ thể mức trần là 6%, nhưng để phù hợp với kinh tế xã hội hiện nay mới qui định mức 4,5%. Trước đây, thực hiện 3% với học sinh chỉ là như giai đoạn quá độ, còn khi Luật đã hoàn thiện rồi thì cần có mức đóng chung cho tất cả các đối tượng tham gia BHYT. Nhưng căn cứ để xác định số tiền đóng cụ thể lại phụ thuộc từng nhóm đối tượng khác nhau: Người lao động thì thu theo mức tiền lương, còn người không có lương sẽ thu theo mức lương cơ bản. Khi xác định tỉ lệ đóng đã cân nhắc thận trọng đến thu nhập, điều kiện kinh tế xã hội theo từng nhóm đối tượng. Nhóm học sinh không có lương, phụ thuộc nên đóng theo mức lương cơ bản để đảm bảo các bậc phụ huynh hoàn toàn có khả năng chấp nhận được.

Thứ nữa, rất cần lưu ý là Nhà nước có cơ chế tháo gỡ khó khăn, đóng BHYT cho những đối tượng yếm thế bằng việc hỗ trợ đóng 100% BHYT cho một số đối tượng học sinh là con gia đình nghèo; dân tộc thiểu số; bố mẹ trong LLVT; cư trú ở các xã đảo; sống ở các vùng rất khó khăn vv... Học sinh con các hộ cận nghèo còn lại được hỗ trợ mức 70%. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương hoặc Bộ Y tế, hay Quỹ phụ nữ nghèo vv… đều trích ngân sách địa phương hoặc dự án để đóng nốt 30% còn lại cho các hộ cận nghèo. Chỉ còn lại các học sinh không phải những đối tượng trên, nhưng vẫn được Nhà nước hỗ trợ 30%. Họ không phải người nghèo, đối tượng chính sách thì cũng phải có trách nhiệm tham gia vào an sinh xã hội, thể hiện tính cộng đồng và tuân thủ pháp luật. Cơ chế chính sách pháp luật luôn làm sao để không gây khó khăn cho những người khó khăn.

+  Gây nên dư luận bức xúc thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm thuộc về BHXH Việt Nam trong khâu tổ chức thu. Ý kiến của ông về vấn đề này?

TS Phạm Lương Sơn: Trách nhiệm để dư luận bức xúc về việc thu BHYT những ngày qua là do ngành giáo dục ở những nơi tiến hành thu 15 tháng. Bởi Thông tư liên tịch 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính Hướng dẫn thực hiện BHYT cho phép thu 6 tháng hoặc một năm một lần và qui định rõ trách nhiệm của ngành giáo dục: “Cơ sở giáo dục thu tiền đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng của học sinh, sinh viên 6 tháng hoặc một năm một lần nộp vào quỹ BHYT”. Hơn nữa, từ ngày 8/6/2015, BHXH Việt Nam đã có Công văn đề nghị Bộ Y tế cho tiếp tục thực hiện thu BHYT HSSV linh hoạt nhiều hình thức: theo năm tài chính hoặc năm học, khóa học và đã được Bộ Y tế thống nhất và được Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể. Vì thế, việc tổ chức thu 15 tháng là sai, khi chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan BHYT mà không tính đến quyền lợi của người dân.

+ Nhưng không thể phủ nhận trách nhiệm của BHXH Việt Nam trong hướng dẫn tổ chức thu, nhất là khi hiện nay, việc thu BHYT đã triển khai trên cả nước, vẫn chưa có văn bản chính thức nào của BHXH Việt Nam hướng dẫn các địa phương thực hiện theo đúng Thông tư 41?

TS Phạm Lương Sơn: Sau khi báo chí phản ánh ý kiến người dân, chúng tôi đã trực tiếp gọi điện chỉ đạo BHXH các tỉnh triển khai thu 15 tháng (có 8/63 tỉnh, thành đã thu gộp) phải sửa đổi bằng việc chỉ thu 3 tháng còn lại của năm 2015 và phân kỳ đóng BHYT của năm 2016 theo 6 tháng thu một lần, hoặc thu 9 tháng, sau đó thu 3 tháng còn lại của năm 2016.

Cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, mặc dù cơ quan BHXH Việt Nam đã nỗ lực trong tuyên truyền cũng như tập trung kinh phí, tập huấn cho báo chí, cộng tác viên, nhưng vào thời điểm đầu năm học, chuyên đề về BHYT học sinh sinh viên gồm cả các nhóm đối tượng là giáo viên, học sinh còn chưa đúng với yêu cầu đổi mới của năm nay. Do công tác tuyên truyền chưa tốt nên ngành giáo dục cũng chưa hiểu đúng trách nhiệm của mình là một trong những bên phải thực thi pháp luật về BHYT, nên có tư duy làm hộ, chứ chưa phải là làm cho mình.

+ Theo ông, bài học mà BHXH cần rút ra từ vụ việc này là gì?

TS Phạm Lương Sơn: Đó là việc hướng dẫn cần kịp thời vào trước năm học, đủ thời gian để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực hiện ở các địa phương. Công tác tuyên truyền cần có nội dung đúng với đối tượng là phụ huỵnh, giáo viên và học sinh để tạo sự đồng thuận. Ngay từ bây giờ, để việc thu những năm sau được thuận lợi, BHXH Việt Nam sẽ phải tiến hành khảo sát, sửa đổi và bổ sung các qui định cho phù hợp, như việc thu BHYT với đối tượng học sinh theo năm tài chính là không phù hợp, mà cần thu theo năm học. Về khâu tổ chức thu cần hiểu đúng, thực hiện đúng văn bản pháp luật bằng việc tổ chức các phân kỳ thu phù hợp với các đặc điểm của đối tượng.

+ Trên mạng xã hội, chị Hứa Thu Huyền, Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội, đăng một bức thư ngỏ, trong đó, kể chuyện chị có 4 đứa con (một lần sinh ba) đang độ tuổi đi học, riêng tiền BHYT đã hết 2.173.500 đồng, trong khi đầu năm còn phải lo bao nhiêu thứ cho các con. Chị thắc mắc tại sao Luật BHYT không có chế độ miễn, giảm cho các cháu thuộc hoàn cảnh đặc biệt như vậy và đề nghị: Những nhà làm luật cần nghiên cứu lại và điều chỉnh cho phù hợp. Quan điểm của ông trước ý kiến này?

TS Phạm Lương Sơn: Trong những trường hợp như của chị Huyền, đúng là trách nhiệm của cha mẹ rất nặng nề. Với tư cách cá nhân, tôi xin ghi nhận là chính sách chưa bao quát hết những đặc thù nên còn khó khăn cho người dân, để thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ cùng với Bộ Y tế, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, ví như miễn giảm cho các cháu từ thứ ba trở đi. Ngoài ra, các phụ huynh cũng có thể đăng ký tham gia BHYT cho con em theo hộ gia đình để được giảm trừ theo Luật (người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất) cũng được chấp nhận. Các gia đình có thể tự cân đối, tính toán hình thức tham gia BHYT hợp lệ nào có lợi nhất cho mình.

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.