Quỹ bảo hiểm y tế đang bị lạm dụng

Thứ Sáu, 19/08/2016, 07:44
Chỉ 6 tháng đầu năm 2016, quỹ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) đã bội chi gần 2.200 tỷ đồng. Đây là thông tin được Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đưa ra về tình hình hoạt động của BHXH và BHYT.

Theo BHXH Việt Nam, một trong các nguyên nhân chính của việc này là do quy định thông tuyến huyện có hiệu lực, người dân được tự do đến KCB ban đầu ngay tại các bệnh viện (BV) tuyến huyện trên địa bàn tỉnh, làm cho mức chi bình quân tại nhiều địa phương tăng cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện tượng lạm dụng quỹ BHYT, gây nên những khoản chi bất hợp lý cũng tác động đến quỹ BHYT, trong khi đây không phải là vô hạn, mà là tiền đóng góp của người dân.

Quỹ BHYT sử dụng đúng, quyền lợi của người bệnh sẽ được đảm bảo.

Theo ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chỉ riêng việc thay đổi hình thức đóng gói từ ống thủy tinh sang ống nhựa, đã khiến cho chi phí nước cất ở 30 tỉnh, thành phố và BV tuyến Trung ương lên tới gần 51 tỷ đồng trong năm 2014- 2015, tăng khoảng 15 tỷ đồng, tức là đội giá cao gần gấp 2 lần so với giá nước cất ống thủy tinh đang sử dụng phổ biến.

Đây là điều vô lý, bởi cùng dung tích, chất lượng chế phẩm không thay đổi, chỉ thay đổi dạng đóng gói từ thủy tinh sang nhựa, nhưng lại khiến người bệnh phải chi trả thêm khoản phí chênh lệch tới 15 tỷ đồng. Đáng lưu ý là nhà cung cấp nước cất ống nhựa nhập khẩu và sản xuất trong nước lại chỉ do một công ty đấu thầu! Điều này cho thấy sự bất hợp lý trong đấu thầu, cung ứng thuốc, vật tư y tế đang diễn ra.

Nếu tiết kiệm được những chi phí không cần thiết để dành tiền cho những bệnh nhân thật sự cần như các bệnh ung thư, tim mạch, bệnh mãn tính vv… thường phải chi phí nhiều vì thuốc rất đắt thì việc sử dụng quỹ BHYT sẽ hiệu quả và thiết thực hơn.

Chúng ta đều thấy, 15 tỷ đồng tiền chênh lệch chỉ để thay đổi bao bì rõ ràng là không cần thiết. Đặc biệt khi số tiền này có thể dành để điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, đặt trên 300 ca stent tim mạch, 3.000 lần chạy thận nhân tạo, để cứu sống hàng nghìn người, hay số tiền trên cũng có thể hỗ trợ được hơn 24.000 tấm thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, những vấn đề khác tác động xấu tới sử dụng quỹ BHYT, ảnh hưởng đến chất lượng KCB cho người dân, cũng được ông Phạm Lương Sơn cho biết: Nhiều cơ sở y tế đã thực hiện dịch vụ kỹ thuật không đúng quy trình chuyên môn, hay người thực hiện không đủ điều kiện để thực hiện, nhằm trục lợi từ quỹ BHYT.

Theo đó, có BV đa khoa tỉnh thực hiện dịch vụ kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt toàn thân nhưng không đủ 60 phút/lần theo đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế. Một số BV đa khoa tỉnh, BV đa khoa tư nhân còn có trường hợp kết quả chụp X-quang, chụp CT-Scanner không phải do bác sĩ đọc và kết luận, mà là do… cử nhân hoặc kỹ thuật viên đọc và kết luận. Không có chuyên môn nghề nghiệp, đủ hiểu kết luận của họ có tác động xấu thế nào với sức khỏe người bệnh, tới chất lượng KCB! Dĩ nhiên, việc này không đúng với quy chế BV của Bộ Y tế.

 Cũng theo BHXH Việt Nam cho biết, nhiều cơ sở y tế còn chỉ định sử dụng quá mức cần thiết, không phù hợp với chẩn đoán bệnh khi chỉ định nhiều xét nghiệm lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh cho người bệnh có thẻ BHYT đăng ký tại cơ sở KCB khác, nhằm thu hút người có thẻ BHYT đăng ký KCB nơi khác đến để thu được nhiều lợi nhuận.

Một số cơ sở KCB còn sử dụng những thuốc có hàm lượng không phổ biến, ít cạnh tranh trong đấu thầu nhưng trúng thầu với giá cao hơn nhiều loại có hàm lượng phổ biến; hoặc sử dụng những thuốc không có trong danh mục thuốc của Bộ Y tế, không có trong kết quả thầu ở địa phương. Thậm chí, không tổ chức đấu thầu thuốc theo quy định mà tiếp tục sử dụng kết quả đấu thầu đã hết hạn của năm trước.

Đặc biệt, ông Phạm Lương Sơn cũng cho biết, trong vấn đề lắp đặt máy móc xã hội hóa, một số cơ sở ký hợp đồng mượn máy của các công ty trúng thầu hóa chất, vật tư y tế, nhưng lại có nhiều ràng buộc vô lý như cam kết sử dụng tối thiểu số lượng vật tư y tế, hóa chất.

 Ví như, năm 2014-2015, có BV lắp đặt nhiều máy xét nghiệm do các công ty trúng thầu hóa chất ký hợp đồng cho mượn máy, trong đó một số hợp đồng có điều khoản ràng buộc về số lượng hóa chất tối thiểu BV phải sử dụng trong năm, như cam kết sử dụng 1.500 que thử nước tiểu/tháng/2 máy xét nghiệm nước tiểu 10 thông số; hoặc cam kết sử dụng 400 phản ánh  HBV/tháng (tương ứng 66 triệu đồng) đối với máy xét nghiệm Real-time PCR…

Đó là lý do khiến các BV này rất “chú ý” cho bệnh nhân làm các xét nghiệm. Bởi thế, tổng chi phí các xét nghiệm thực hiện bằng các máy xét nghiệm nêu trên tới hơn 20 tỷ đồng trong một năm. Có BV còn lắp đặt nhiều máy xét nghiệm do ký hợp đồng với các công ty trúng thầu hóa chất lắp đặt, có BV không xây dựng Đề án, hoặc cũng có hợp đồng ràng buộc về số lượng tối thiểu hóa chất mà BV phải sử dụng trong một giai đoạn nhất định.

BHXH Việt Nam cho biết, với tình trạng bội chi quỹ BHYT đang diễn ra, nếu vượt quá 30%, quỹ BHYT sẽ không đủ nguồn để bổ sung. Do đó, minh bạch chi phí đa tuyến khi thực hiện thông tuyến BHYT là vấn đề quan trọng nhất, mới có thể đảm bảo an toàn quỹ BHYT, cũng là đảm bảo quyền lợi của người bệnh.

Thanh Hằng
.
.
.