Không thể bắt người mua thẻ bảo hiểm y tế xuất trình đủ loại giấy tờ

Thứ Tư, 29/06/2016, 19:30
Muốn nhiều người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) phải coi người mua BHYT như khách hàng đặc biệt chứ không phải đến thuyết phục họ mua BHYT mà còn bắt họ phải xuất trình đủ loại giấy tờ. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.


Tại hội nghị triển khai công tác phát triển bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2016-2020 tổ chức tại Hà Nội ngày 29-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tỷ lệ tham gia BHYT năm 2015 là 76,5% dân số, vượt chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ giao. Trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng đã có khoảng 78,3% dân số tham gia BHYT, vượt 0,3% so với chỉ tiêu đề ra.

Ngay trong tháng 6-2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo và quyết định điều chỉnh  chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 đạt tỷ lệ bao phủ BHYT trên 90% dân số, cao hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là 80%. Đây cũng là quyết tâm chính trị vì dân rất lớn của Chính phủ, đòi hỏi có sự tham gia, vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị mới thực hiện được.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bên cạnh các giải pháp về nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), điều chỉnh giá dịch vụ y tế, ngành y tế đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý KCB và thanh toán BHYT, thực hiện kết nối, liên thông dữ liệu giám định và thanh toán BHYT trước 30-6-2016 theo chỉ đạo của Chính phủ.

Để đảm bảo quyền lợi của 150 triệu lượt người KCB BHYT hàng năm, đồng thời quản lý chặt chẽ, hiệu quả quỹ BHYT, vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm trong giám định, thanh toán chi phí BHYT hết sức quan trọng. Điều này được Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết. 

Vì thế, từ năm 2015, BHXH Việt Nam đã phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin thí điểm hệ thống kết nối, liên thông dữ liệu giữa các cơ sở KCB ở cả 4 tuyến: Trung ương, tỉnh, huyện và xã tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh và Hải Phòng. Thực tế cho thấy việc tin học hóa trong quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT đem lại hiệu quả rất lớn, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời; người bệnh giảm thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí...

Từ đó, BHXH Việt Nam trình Thủ tướng phương án để cho phép mở rộng kết nối liên thông trên phạm vi toàn quốc. Trong tháng 5 và tháng 6-2016, BHXH Việt Nam đã triển khai yêu cầu kết nối, tập trung dữ liệu tại Trung ương; cấp tài khoản và tập huấn kết nối, liên thông dữ liệu cho cán bộ của gần 13.000 cơ sở y tế; cung cấp phần mềm cho trên 3.000 trạm y tế để nhập dữ liệu, kê đơn thuốc và gửi dữ liệu trực tuyến lên hệ thống. 

Hiện các cơ sở KCB BHYT tại 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã thử nghiệm kết nối vào hệ thống thông tin giám định BHYT.  Đặc biệt, từ ngày 25-6, cổng tiếp nhận của BHXH Việt Nam đã chính thức tiếp nhận hồ sơ đề nghị thanh toán BHYT từ các cơ sở KCB BHYT trên cả nước.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng sẽ thực hiện thành công chỉ tiêu đến năm 2020 có ít nhất 90% dân số tham gia BHYT, song để đạt được cần cả hệ thống cần phải tăng tốc hơn nữa trong 5 năm tới. Mỗi tỉnh, thành có đặc thù, khó khăn khác nhau, vì thế, chính quyền địa phương phải có các biện pháp hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tham gia BHYT, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động, mở rộng đối tượng tham gia, nhất là tập trung tuyên truyền vào các đối tượng tham gia BHYT tự nguyện. 

Bởi, một đất nước tiến bộ cần có hệ thống an sinh xã hội vững chắc, trước hết là hệ thống BHXH vững chắc và muốn BHXH vững chắc thì toàn dân phải tham gia BHYT.

Phải coi người mua BHYT như khách hàng đặc biệt chứ không phải đến thuyết phục họ mua BHYT. Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng chỉ đạo phải phân định trách nhiệm trong thực hiện chính sách BHYT. Trong đó, trách nhiệm phát triển BHYT chủ yếu là thuộc về BHXH, cần phải sử dụng hết các cơ chế để phát triển, mở rộng người mua BHYT. Muốn vậy, phải coi người mua BHYT như khách hàng đặc biệt chứ không phải đến thuyết phục họ mua BHYT mà còn bắt họ phải xuất trình đủ loại giấy tờ. Bên cạnh đó, phải xóa bỏ ngay tình trạng phân biệt giữa bệnh nhân BHYT với bệnh nhân tự nguyện. 

Thực tế trực tiếp đi khảo sát ở nhiều bệnh viện, Phó Thủ tướng nhận thấy dù đã có tiến bộ song các bệnh viện vẫn còn sự phân biệt giữa khám BHYT và khám tự nguyện, người bệnh khám BHYT vẫn phải chờ đợi nhiều hơn.

Để triển khai tốt hệ thống thông tin giám định BHYT, khi lần đầu tiên có 1 dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin kết nối toàn bộ hệ thống BHYT, dữ liệu về BHYT từ tất cả các cơ sở KCB một cách đồng bộ, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với BHXH Việt Nam trong xây dựng, cập nhật danh mục dùng chung; đảm bảo các điều kiện về đường truyền và hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin để hệ thống thông tin giám định BHYT hoạt động liên tục, thông suốt. 

Riêng Bộ Y tế cần khẩn trương cập nhật, phê duyệt đồng bộ, đầy đủ bộ mã dịch vụ y tế dùng chung về thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, mã bệnh tật và thông tin phục vụ công tác quản lý, KCB  BHYT...

Việc đưa hệ thống thông tin giám định BHYT vào hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, vừa góp phần rất lớn trong việc giảm áp lực đối với cán bộ ngành BHXH, vừa đảm bảo tính chính xác trong công tác giám định và hiệu quả trong công tác quản lý, ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT, vừa giúp giải quyết nhanh chóng, kịp thời cho người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý, đây mới chỉ là bước đầu. Bước tiếp theo là toàn bộ hệ thống các bệnh viện phải tin học hóa, phải quản lý bệnh viện như một doanh nghiệp để phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Y tế. 


Thanh Hằng
.
.
.