Phát huy Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình

Thứ Hai, 04/11/2019, 20:43
Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình là một trong những nội dung mà Bộ Y tế và các địa phương đang triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo QĐ 1348/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.


Mô hình điểm

Theo chia sẻ của BS Vương Văn Quang, công tác tại Trạm Y tế (TYT) xã Tân Tiến, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang, năm 2019 Trạm Y tế xã Tân Tiến được lựa chọn là trạm áp dụng mô hình bác sĩ gia đình. Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng trước đó Trạm đã có sự chuẩn bị về nhân lực, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất, nên khi triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân các dân tộc trong xã đã không gặp nhiều khó khăn.

Hoàng Su Phì có 12 dân tộc sinh sống, trong đó đông nhất là dân tộc Nùng, chiếm hơn 38%, dân tộc Dao 22%, Mông 13%, còn lại là các dân tộc khác. Năm 2016, Trạm Y tế xã Tân tiến là ½ xã được sự viện trợ của Quỹ EU cho khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2017. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi kiểm tra tại Trạm Y tế thuộc mô hình điểm ở huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh

Trạm Y tế có 22 phòng chức năng, trong đó có 1 phòng khám, 1 phòng chụp Xquang, 1 phòng siêu âm, 1 phòng sử dụng cho công tác phòng chống dịch bệnh, 1 kho dược, 1 phòng xét nghiệm, 1 phòng đẻ, 1 phòng chờ đẻ, 4 phòng lưu trú cho bệnh nhân…

TYT xã Tân Tiến có 1 bác sĩ, 1 y sỹ, 1 điều dưỡng trung học, 1 nữ hộ sinh trung học, 1 dược sỹ trung học và 12 nhân viên y tế thôn bản. Do được đầu tư nên cơ sở vật chất khang trang, sạch sẽ.

Theo BS Vương Văn Quang, TYT luôn xác định làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu ở tuyến cơ sở là quan trọng, góp phần giảm tải bệnh nhân lên tuyến trên. Vì thế, hàng năm, Trạm đều làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho nhân dân về tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe.

Từ năm 2017 đến nay, công tác khám, chữa bệnh tại TYT xã Tân Tiến chó nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên rõ rệt. Năm 2018, 100% số thôn trong xã thực hiện khám, chữa bệnh BHYT. TYT có bác sĩ, được trang bị đầu đủ trang thiết bị y tế thiết yếu phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân. Tổng số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị năm 2018 tại Trạm là trên 4.800 lượt; quản lý khám, chữa bệnh cho trên 90% người cao tuổi và khuyết tật…

BS Quang cho biết, song song với công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, các chương trình Mục tiêu y tế - dân số được triển khai có hiệu quả. Điển hình là công tác giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên, không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. 

Công tác tiêm chủng định kỳ được triển khai hàng tháng, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng được đặc biệt quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình, biết áp dụng các biện pháp phòng tránh thai.

Tăng tỷ lệ người dân khám bệnh tại cơ sở

Ngày 5-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo Quyết định số 2348/QÐ-TTg. Hiện, Bộ Y tế và các địa phương đang nỗ lực thực hiện dự án, xây dựng và triển khai mô hình điểm, nhân rộng mô hình TYT tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại các thành phố lớn. Thực hiện lập hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý và điều trị một số bệnh không lây nhiễm như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường tại TYT xã.

Người dân cần được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay từ cơ sở

Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển và được quốc tế đánh giá là một trong số ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo.

Sau một thời gian triển khai, khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân ở tuyến cơ sở tăng. Số trạm y tế có bác sĩ làm việc (trong biên chế hoặc làm việc định kỳ 2-3 ngày/tuần) tăng. Số lượng người dân đến khám, chữa bệnh ở tuyến xã tăng.

Các cơ quan chức năng cũng ban hành cơ chế, chính sách tài chính phù hợp như: Cung cấp phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân; kết nối thanh toán BHYT và quản lý; báo cáo thống kê hoạt động của trạm… Nhờ đó, các nhiệm vụ của TYT bước đầu được triển khai trên diện rộng theo nguyên lý y học gia đình.

Bộ Y tế cũng đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ trong cả cơ chế và phương thức hoạt động để y tế cơ sở là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Bởi y tế cơ sở không chỉ là tuyến đầu trong phòng bệnh, mà còn chăm sóc sức khỏe liên tục, toàn diện…

Trong những năm qua, đã có 395 TYT tế xã được đầu tư, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp TYT tại các vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, với trên 1,4 nghìn tỷ đồng. Các TYT này đã nâng cấp để đủ tiêu chuẩn, trang thiết bị, đào tạo năng lực cán bộ y tế xã để đáp ứng việc cung cấp dịch vụ thiết yếu cho người dân. Hiện, Bộ Y tế đang chỉ đạo các tỉnh tập trung chỉ đạo để tất cả các TYT xã này đều phải thực hiện đầy đủ các hoạt động của TYT tế theo nguyên lý y học gia đình theo mô hình điểm, đảm bảo cung cấp hiệu quả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến y tế cơ sở, thực hiện chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ chuyên môn từ các cơ sở y tế tuyến trên để nâng cao năng lực.

Nhiều Trạm đã thu hút được số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh ngày càng tăng, không chỉ ở trong xã mà cả ở khu vực xung quanh, bệnh nhân tin tưởng hợp về chuyên môn của TYT. Một số Trạm đã lập và quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, quản lý và điều trị bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tiểu đường, giúp giảm chi phí và tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau. Phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị và phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe từ cơ sở.

Do vậy, ngành y tế tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng. Trước hết cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh BHYT cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân.

Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của TYT xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ TYT xã làm những việc theo “Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở” bắt buộc phải thực hiện. Quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại TYT xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về.

Minh Thư
.
.
.