Sốt xuất huyết tăng chóng mặt, người dân còn chủ quan

Thứ Tư, 26/07/2017, 16:40
Hiện đã có khoảng 60.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH) ở 61/63 tỉnh thành trong cả nước, cùng với 17 người tử vong, cho thấy dịch SXH đang lan nhanh với tốc độ chóng mặt. Trong khi đó, SXH lại chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, là những thách thức trong phòng chống SXH.


Tại cuộc họp về dịch SXH do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 26-7, PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý, muỗi lây bệnh SXH là muỗi vằn cái, đốt người vào ban ngày, đốt nhiều nhất vào sáng sớm và chiều tối. Muỗi vằn thường đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. 

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản chủ yếu ở dụng cụ chứa nước sạch như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa.... Đây là loại muỗi không đẻ ở ao tù, cống rãnh có nước hôi thối. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình vượt trên 20ºC.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, một giải pháp giảm tử vong là phân tuyến kỹ thuật 

Tuy nhiên, có một vấn đề là, hiểu biết về vấn đề phòng chống dịch SXH còn cần phải bàn. Hiện nay, nhiều nơi chỉ quan tâm tới việc phun thuốc muỗi ở các khu dân cư tập trung, mà không chú trọng diệt bọ gậy, loăng quăng. Vì thế, tại cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về dịch SXH, Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh rằng, việc phun thuốc muỗi chỉ là biện pháp tình thế, còn diệt bọ gậy, lăng quăng mới là quan trọng.  

Tại cuộc họp ngày 26-7, ông Trần Như Dương –Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng khẳng định: Phun thuốc muỗi phòng chống dịch là quan trọng nhưng chỉ có tính nhất thời và cần thiết khi diệt muỗi nhanh. Còn gốc rễ của vấn đề, có tính lâu dài trong phòng SXH là diệt loăng quăng, bọ gậy. 

PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết dịch SXH vẫn gia tăng

Phun thuốc làm muỗi chết ngay, nhưng bọ gậy, loăng quăng vẫn sống, tiếp tục đẻ trứng và nở ra muỗi, khiến người dân lầm tưởng rằng do thuốc “dởm” nên muỗi vẫn sống. Vì thế, vai trò của người dân trong việc phối hợp phòng, chống dịch SXH thường xuyên, liên tục bằng chủ động diệt loăng quăng, bọ gậy tại từng gia đình là quan trọng nhất, mới giúp việc phòng chống dịch triệt để.

Trong khi dịch SXH đang hoành hành trên cả nước thì ở nhiều địa phương, kể cả 2 điểm nóng là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn có nhiều cơ sở kinh doanh để nước đọng trong hàng ngàn chiếc lốp ô tô cũ, hay các khu xây dựng để các vật dụng chứa nước–nguồn sinh ra bọ gậy, loăng quăng. Từ đầu 2017 đến nay, ngành y tế đã xử phạt 149 trường hợp tại TP Hồ Chí Minh và hai trường hợp tại Hà Nội.

Một vấn đề được ngành y tế quan tâm trong bối cảnh dịch SXH diễn biến phức tạp là không để quá tải BV. Bài học đau lòng từ dịch sởi 2014 khiến nhiều cháu bé tử vong do lây chéo trong BV vẫn còn nhãn tiền...

Hiện đã có 17 ca mắc SXH tử vong, chiếm 0,028%, thấp hơn các nước trong khu vực. Ba ca bệnh trong số 17 bệnh nhân tử vong tại Hà Nội do SXH đều do bệnh nhân có đồng thời nhiều bệnh khác như nhiễm khuẩn, cao huyết áp....

Nhiều BV tuyến Trung ương đang quá tải bệnh nhân SXH

Yêu cầu Hà Nội phân tuyến bệnh nhân sốt xuất huyết để tránh quá tải

Cũng trong ngày 26-7, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) đã có công văn chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội về việc tổ chức KCB với bệnh nhân SXH.

Theo đó, Cục Quản lý KCB đã kiểm tra về công tác KCB đối với bệnh nhân SXH tại Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương và nhận thấy, từ đầu năm 2017 đến nay BV đã điều trị nội trú 944 trường hợp mắc SXH, trong đó, 85% số ca SXH thuộc Hà Nội: Quận Đống Đa 218 ca, chiếm 27,9 %; quận Hoàng Mai 207 ca chiếm 26,3%; quận Thanh Xuân 63 ca  chiếm 7,3%; quận Bà Trưng 54 ca  chiếm 6,8%.

Việc kiểm tra hồ sơ bệnh án và thực tế cho thấy, nhiều ca bệnh thuộc tuyến điều trị tại BV tuyến quận, huyện, BV thuộc tuyến TP Hà Nội. Do đó, để tránh tình trạng quá tải không cần thiết các bệnh nhân mắc SXH nội trú tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong tình hình bệnh dịch SXH có chiều hướng gia tăng, Cục Quản lý KCB yêu cầu Sở Y tế TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế Hà Nội phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng BV trong hệ thống KCB SXH và chỉ đạo các BV này bố trí khu vực dành cho điều trị SXH, bảm đảm về nhân lực, trang thiết bị, thuốc dịch truyền theo dự báo tình hình dịch; chỉ đạo các BV xem xét, điều chỉnh lại các quy trình tiếp nhận, sàng lọc, tiêu chí phân loại cụ thể đối với từng ca bệnh SXH. Bảo đảm việc tiếp nhận, phân loại, điều trị, chuyển tuyến đúng để giảm tai biến và giảm tử vong...


Bệnh nhân sốt xuất huyết vào Bệnh viện E tăng đột biến

Ngày 26-7, BS.CKII Nguyễn Văn Hạnh – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới của BV này cho biết, số bệnh nhân SXH đang gia tăng đột biến khi mỗi ngày có tới gần 100 người đến khám và điều trị, trong đó có 25-30 người phải nhập viện điều trị.

Theo BS.CKII Nguyễn Văn Hạnh, từ 3 tháng trước đã có bệnh nhân SXH nhập viện, nhưng 2 tuần qua, trong đó cao điểm là ngày 24-7, người mắc sốt xuất huyết điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới lên đến 80 người. Để việc chăm sóc bệnh nhân được tốt, các bệnh nhân đã được điều trị ổn định đều được xuất viện. Nhưng ngay đêm hôm đó đã có thêm 25 bệnh nhân mắc mới phải nhập viện điều trị.

Hiện Khoa đang phải theo dõi và điều trị cho 66 bệnh nhân SXH. Mặc dù số lượng bệnh nhân đông nhưng do chủ động phòng chống dịch, kê thêm giường xếp cho bệnh nhân tại các phòng bệnh, nên BV đã hạn chế tình trạng bệnh nhân nằm ghép. So với những đợt dịch của các năm trước, số lượng bệnh nhân SXH năm nay tăng cao gấp 2-3 lần, nhưng tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh nặng và biến chứng lại không nhiều.

Theo các bác sĩ của BV E, bệnh nhân đến đây khám và điều trị chủ yếu ở các phường Mai Dịch, Dịch Vọng, Cầu Diễn (quận Cầu Giấy), Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm (Hà Nội)…  Trong đó, nhiều bệnh nhân bị tái phát, nhưng không biết trước đây mắc SXH type nào. Nhiều gia đình có người mắc bệnh nhưng vẫn chủ quan khi ngủ không mắc màn nên bị muỗi đốt và cùng bị nhiễm bệnh....


Thanh Hằng
.
.
.