Nữ sinh lớp 12 tử vong do viêm não, theo dõi 50 người tiếp xúc

Thứ Năm, 25/02/2016, 18:42
Một nữ sinh lớp 12 ở Hải Dương đã tử vong do bị viêm não mô cầu, có khoảng 50 người cùng hộ gia đình tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân được lập danh sách để theo dõi sức khỏe.

Sau hơn 10 năm không có bệnh nhân bị viêm não mô cầu, mới đây, Hải Dương đã có một bệnh nhân mắc bệnh này và tử vong rất nhanh sau khi được phát hiện.

Đó là em Đỗ Thị X. trú tại khu Thượng Đạt, phường Tứ Minh, TP Hải Dương và là học sinh lớp 12, Trường THPT Lương Thế Vinh. Thông tin này gây sự lo ngại cho nhiều người, bởi bệnh viêm não mô cầu rất dễ lây truyền.

Trước đó em X. có biểu hiện sốt, đau đầu và được gia đình đưa bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương. Khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết, các bác sĩ đã hội chẩn và chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Quân y 108.

Trẻ em là đối tượng dễ mắc viêm não mô cầu

Khoảng 1h ngày 21-2, Bệnh viện Quân y 108 tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, rối loạn đông máu và đã cấp cứu khẩn trương. Tuy nhiên, do tình trạng bệnh nặng, em X. đã tử vong vào 10h ngày 22-2 vì nhiễm khuẩn huyết/viêm màng não mủ do não mô cầu. Bệnh viện Quân Y 108 đã khuyến cáo gia đình hỏa thiêu bệnh nhân để không lây lan dịch bệnh.

Ngày 25-2, PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết đã chỉ đạo Sở Y tế Hải Dương khẩn trương xử lý, khoanh vùng ổ dịch và bằng mọi biện pháp ngăn chặn, để bệnh không lây lan ra cộng đồng.

Ông Bùi Huy Nhanh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hải Dương cho biết, vì bệnh có thể lây qua việc dùng chung ly, tách uống nước, sống trong khu tập thể, nhà trường, nhà trẻ, sinh hoạt cộng đồng… nên Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng thành phố Hải Dương tiến hành điều tra, giám sát tại gia đình bệnh nhân và trường nơi bệnh nhân đang theo học.

Có khoảng 50 người cùng hộ gia đình tiếp xúc trực tiếp, chăm sóc bệnh nhân được lập danh sách theo dõi sức khỏe của họ trong vòng 10 ngày, nhằm phát hiện và cách ly kịp thời nếu có trường hợp mắc bệnh.

The bác sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng Tư vấn tiêm chủng vaccine (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) bệnh viêm màng não do não mô cầu tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm, Hiện nay, biện pháp tốt nhất để phòng bệnh viêm màng não mô cầu là tiêm phòng vaccine khi trẻ được 2 tuổi và người lớn sau đó cứ 3 năm tiêm nhắc lại một lần.

PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết thêm về căn bệnh nguy hiểm này: Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A,B,C và D, não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh.

Tại Việt Nam, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu nhóm A lưu hành ở nhiều nơi, trước kia có thể gây thành dịch, tuy nhiên hiện nay bệnh mới xuất hiện rải rác.

Yêu cầu các tỉnh tăng cường phòng chống bệnh não mô cầu

Chiều 25-2, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi các Sở Y tế yêu cầu tăng cường phòng, chống bệnh viêm não mô cầu.

Theo PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, gần đây đã xuất hiện một số trường hợp viêm não mô cầu ở TP. Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn và đã có bệnh nhân tử vong.

Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị; vận động người dân đi tiêm phòng. Các Sở Y tế cũng điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và các cơ sở y tế, để báo cáo về Bộ Y tế.

Thanh Hằng
.
.
.