Cảnh giác 2 thể điển hình của bệnh viêm não mô cầu

Chủ Nhật, 26/03/2006, 07:59

Khi bệnh nhân bị nhiễm vi trùng não mô cầu thường dẫn tới 2 bệnh cảnh điển hình: Viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Độc tính của loại vi trùng này rất cao, nếu điều trị kháng sinh thích hợp, tích cực, ít di chứng nhưng ngược lại điều trị không đúng cách có thể dẫn tới tử vong.

Chiều 22/3, bác sĩ Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng II, TPHCM cho biết: Sau 48 giờ được điều trị tích cực bằng kháng sinh liều cao nhưng bé H.T.T.M. (3 tuổi, ngụ Bình Triệu, Thủ Đức) vẫn trong tình trạng rất nặng, sốt li bì. Bé được người nhà đưa vào viện ngày 20/3 trong tình trạng sốt cao, nhức đầu, ói mửa. Xét nghiệm máu dương tính với trùng "não mô cầu". Trường hợp này đã nâng tổng số bệnh nhân mắc bệnh não mô cầu lên 6 ca trên địa bàn TP HCM.

Trùng não mô cầu sống trong vùng mũi, họng ở người lành (tỉ lệ trong dân số là 10%) và lây truyền qua đường hô hấp. Đặc biệt, nó có cơ hội phát triển khi cơ thể bị suy yếu hoặc bị nhiễm cảm cúm, môi trường ô nhiễm. Do đó, trong tất cả các loại vi khuẩn gây nên bệnh viêm màng não thì vi trùng não mô cầu là loại lây truyền dữ dội nhất.

Theo bác sĩ Việt, khi bệnh nhân bị nhiễm vi trùng não mô cầu thường dẫn tới 2 bệnh cảnh điển hình: Viêm màng não mủ và nhiễm trùng huyết. Những mẫu bệnh phẩm của các ca viêm não mô cầu đã được gửi tới Viện Pasteur xét nghiệm cho thấy 2/4 ca ngụ tại địa bàn phường Tam Bình - Thủ Đức có kết quả phân lập thuộc type B, 2 ca (đã tử vong) cũng thuộc phường Tam Bình, Thủ Đức thuộc bệnh cảnh nhiễm trùng huyết thể tối cấp, nhưng không phân lập được virus thuộc type nào.

Nhiễm trùng huyết ở thể tối cấp sẽ gây tử vong rất nhanh, chỉ trong vòng 24 tới 48 giờ đồng hồ nếu không được cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng đầu tiên thường là sốt cao 39-40 độ, ho, đau bụng, rét run, đau cơ, hôn mê, sau đó thường là sốc nặng, choáng. Đặc biệt, khi tình trạng nặng, trên da bệnh nhân sẽ xuất hiện các nốt "tử ban" có màu thâm tím hoặc có nốt đỏ ở nhiều kích thước khác nhau.

Cũng theo bác sĩ Việt, bệnh bộc phát đợt này phải được hết sức chú ý vì dễ gây thành dịch. Độc tính của loại vi trùng này rất cao, nếu điều trị kháng sinh thích hợp, tích cực, ít di chứng nhưng ngược lại điều trị không đúng cách có thể dẫn tới tử vong. Các trường hợp nhiễm trùng huyết tối cấp lại thường xảy ra trên bệnh nhân khỏe mạnh hoặc những đứa trẻ bụ bẫm. Phụ huynh nếu thấy con có các triệu chứng ho, đau họng, sốt cao nhanh, ói mửa, có chấm đỏ trên da, đặc biệt là có xung huyết kết mạc mắt là dấu hiệu chỉ điểm. Tuyệt đối không được tự động chữa, phải đi bệnh viện ngay.

Riêng về bệnh cảnh của bé M. thuộc dạng viêm não mô cầu type C. Đây là type đã có chủng ngừa tại Việt Nam, nhưng cũng chính là chủng hay gây nên dịch trong cộng đồng. Thời điểm dễ lây nhiễm nhất là vào 24 đến 48 giờ đầu tiên khi có mầm bệnh. Do đó, bệnh viện cùng với Trung tâm Y tế dự phòng TP đã tới địa chỉ nơi cháu bé cư ngụ để tiến hành phun thuốc khử trùng; cho cô bảo mẫu cùng toàn bộ trẻ trong lớp mẫu giáo của bé M. uống thuốc dự phòng

H.Nga
.
.
.