Nỗi lo virus Zika của thai phụ: Không nên quá hoang mang
- TP Hồ Chí Minh ban hành quy trình tiếp nhận điều trị thai phụ nhiễm virus Zika
- Chủ quan phòng dịch sốt xuất huyết, là cơ hội cho lây lan Zika
- Virus Zika liệu có gây vô sinh ở nam giới?
- Zika khiến WHO họp trực tuyến lần thứ 5
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã có 79 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất hiện virus Zika.
Tính đến ngày 25-11, riêng TP. Hồ Chí Minh đã có 69 trường hợp nhiễm virus Zika rải rác ở 17 quận, huyện. Đặc biệt, mới phát hiện thêm 5 phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, nâng tổng số phụ nữ mang thai bị nhiễm Zika được phát hiện lên 9 người. Trong số các thai phụ nhiễm virus Zika được theo dõi sức khỏe, có 1 phụ nữ bị thai lưu, 1 trường hợp đã sinh con.
Nhiều phụ nữ mang thai chủ động kiểm tra, xét nghiệm về Zika |
Tuy nhiên, trường hợp thai phụ bị nhiễm virus Zika đã sinh con phát hiện bị nhiễm bệnh khi đã mang thai ở sau tuần thứ 30. Sau khi sinh, các bác sĩ đã tiến hành đo vòng đầu, kiểm tra sự phát triển của xương sọ và lấy mẫu máu của em bé để xét nghiệm. Kết quả cho thấy, em bé không bị dị tật đầu nhỏ, không nhiễm virus Zika từ mẹ.
Nỗi lo virus Zika đang khiến các thai phụ hết sức hoang mang, bởi sự nguy hiểm của chúng với thai nhi là điều đã được WHO xác nhận. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các thai phụ không nên quá lo lắng bởi các nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ ảnh hưởng đến thai khi nhiễm virus Zika chỉ khoảng 1%-10%. Ảnh hưởng thường nặng nhất trong 12 tuần đầu vì hệ thần kinh bé mới được hình thành và phát triển, giai đoạn sau có thể ảnh hưởng nhưng không nhiều.
PGS.TS. Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay, các nghiên cứu gần đây cho thấy với các ca nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thì nguy cơ gây bệnh đầu nhỏ ở em bé có tỷ lệ không cao. Với thai nhi 6 tháng thì có thể không gây ảnh hưởng gì. Bởi vậy, những người sống trong vùng lưu hành virus Zika mà có thai hoặc có các triệu chứng nhiễm virus Zika mới cần làm xét nghiệm cho thai nhi.
Theo BS. Nguyễn Đức Khoa (Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế), các thai phụ nên đăng ký khám thai định kỳ ít nhất vào các thời điểm 12, 22, 32 tuần ở các cơ sở y tế chuyên khoa. Hội chứng não nhỏ của thai nhi có thể phát hiện ở quý 2 (sau 18 tuần) bằng siêu âm thai.
BS. Ngũ Duy Nghĩa, Phó trưởng Khoa Dịch tễ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết bệnh do virus Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do muỗi truyền, có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con.
Do đó, phụ nữ nhiễm Zika nên chờ sau 8 tuần kể từ khi nhiễm virus, hoặc khởi phát bệnh mới có thai. Các báo cáo gần đây chỉ ra virus Zika tồn tại trong tinh dịch 188 ngày, trong nước bọt và nước tiểu 91 ngày, nên nếu người chồng mắc bệnh thì các cặp đôi cần chú ý đến điều này nếu có ý định sinh con.
Việc phòng tránh virus Zika là vô cùng cần thiết, đặc biệt là 3 tháng đầu có thai. Bệnh SXH và Zika chưa có vaccine phòng bệnh, do đó thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt và hạn chế đi lại vùng có dịch bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ đang quản lý thai để được tư vấn, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong khi dịch do virus Zika bùng phát ở phía Nam với số ca mắc bệnh tăng mạnh trong tháng qua, thì tại các tỉnh phía Bắc, số bệnh nhân mắc SXH phải nhập viện để điều trị cũng có xu hướng tăng.
Với kinh nghiệm nhiều năm điều trị các bệnh nhân SXH, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay đang là thời kỳ đỉnh dịch SXH. Từ tháng 7-2016 đến nay, Khoa Nhi đã tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân SXH có diễn biến nặng phải nhập viện. Trong đó, 2 tháng gần đây, số bệnh nhi đến nhiều hơn cả. Tuy nhiên, SXH thường sốt cao, có thể diễn biến nặng và tử vong, nên còn nguy hiểm hơn Zika.
Trước dự báo về dịch Zika có thể sẽ “Bắc tiến”, Hà Nội đang tăng cường các biện pháp phòng chống virus Zika và SXH. Theo TS. Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, 109 điểm giám sát dịch bệnh truyền nhiễm của Hà Nội dã được triển khai đồng bộ, từ tuyến thành phố đến cơ sở, nhằm phát hiện sớm ca bệnh, chủ động khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời, không để dịch bùng phát.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã thành lập 65 đội phòng chống dịch cơ động sẵn sàng chống dịch, đồng thời, tăng cường đầu tư trang thiết bị y tế phục vụ xét nghiệm, chẩn đoán sớm bệnh.