Nỗi lo đột quỵ ngày càng trẻ hóa
- Đột quỵ não và vai trò của chụp cộng hưởng từ (MRI) trong tầm soát đột quỵ
- 200.000 người Việt Nam mắc đột quỵ /năm, 20% tử vong
- Kích hoạt báo động giờ vàng cứu người đàn ông đột quỵ tại sân bay
Theo PGS. TS. BS. Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân đột quỵ tăng cao hơn trước đây là lối sống. Ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ ngày càng giảm (giảm 40% mỗi năm), trong khi đó ở những nước kinh tế eo hẹp hơn như vùng Đông Nam Á, tỷ lệ đột quỵ mới mắc lại cao đáng kể theo từng năm.
Bởi vì, ở các nước đang phát triển, khi nền kinh tế thay đổi sinh ra thay đổi về lối sống. Đặc biệt là đối tượng trẻ hút thuốc lá nhiều hơn (chiếm 70% nguyên nhân dẫn đến đột quỵ), sử dụng bia rượu nhiều hơn, sử dụng chất gây nghiện nhiều hơn, cuộc sống bận rộn nhiều hơn, công việc nhiều hơn, quá tải nhiều hơn, stress nhiều hơn, ít vận động, chủ yếu ăn thực phẩm sẵn có chứa nhiều muối và nhiều cholesterol… Chính sự thay đổi đó đã làm thay đổi về mặt dịch tễ, về lứa tuổi bị đột quỵ.
Còn theo ThS. BS. Đặng Duy Gia, Khoa Thông tim can thiệp - Viện Tim TP Hồ Chí Minh, người tăng huyết áp sẽ có nguy cơ đột quỵ cao gấp nhiều lần so với người bình thường. Về đột quỵ có nhồi máu não và xuất huyết não. Nếu như mảng xơ vữa đến một ngày nào đó áp lực mạch máu chịu không nổi sẽ bong tróc mảng xơ vữa ra, tạo thành các cục huyết khối và trôi lên não làm đột quỵ… Tỷ lệ bệnh nhân bị nhồi máu não chiếm 80% trong đột quỵ, 20% còn lại là do xuất huyết.
Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh kịp thời cứu sống một bệnh nhân bị đột quỵ. |
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh tim mạch là kẻ gây ra cái chết cao nhất, trên thế giới mỗi năm có khoảng 17 triệu người chết do bệnh mạch máu. Trong đó, 9,8 triệu ca có liên quan đến vấn đề tăng huyết áp. Tăng huyết áp thì tỷ lệ đột quỵ tăng gấp 3 lần so với những người không tăng huyết áp. Về vấn đề hạ huyết áp, lưu lượng máu lên não không đủ nên không có máu nuôi não cũng là yếu tố nguy cơ gây nhồi máu cơ tim và dẫn đến đột quỵ.
Về vấn đề tắm đêm, theo BS Nguyễn Huy Thắng đây chưa bao giờ được cho là yếu tố gây ra đột quỵ. Chưa có bất cứ một chứng cứ nào cho chấy việc tắm đêm làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, khi tắm đêm mà tắm nước lạnh, đôi khi sự thay đổi về nhiệt độ có thể tạo ra cú sốc nhẹ trên nền một bệnh nhân bị cao huyết áp, có thể làm tăng huyết áp. Nếu bệnh nhân đó có một dị dạng mạch máu, đó là yếu tố cộng thêm thúc đẩy quá trình xảy ra đột quỵ. Do đó, không thể dựa vào một vài người bị đột quỵ trong lúc tắm đêm mà vội vàng kết luận tắm đêm làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh, khoảng 90% gánh nặng đột quỵ là do các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được, với khoảng 75% là do các yếu tố hành vi như: Hút thuốc lá, chế độ ăn uống kém và ít hoạt động thể chất. Kiểm soát được các yếu tố nguy cơ chuyển hóa và hành vi có thể ngăn chặn hơn 3/4 gánh nặng đột quỵ toàn cầu. Trong đó, tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất, dựa trên dữ liệu từ 30 nghiên cứu và đã được báo cáo có khoảng 64% bệnh nhân tăng huyết áp bị đột quỵ. Do đó, việc kiểm soát huyết áp là cần thiết để giảm nguy cơ đột quỵ và dự phòng đột quỵ tái phát.
Về cơ hội phục hồi của người bị đột quỵ, theo Hội đột quỵ Hoa Kỳ cứ 100 người bị đột quỵ thì có 70 người không thể quay trở lại những công việc trước đây người ta từng làm.
Theo các bác sĩ, để phòng ngừa tăng huyết áp, người dân cần khám sức khoẻ định kỳ, nhất là người trên 18 tuổi. Đối với người trẻ, nếu huyết áp rơi vào chỉ số tối ưu dưới 120/80 thì 5 năm sau mới cần đo lại. Còn nếu 130/80 trở xuống thì 3 năm sau mới đo lại. Người lớn tuổi thì cần đo thường xuyên để theo dõi huyết áp.
Chế độ ăn phải ít muối; ăn nhiều rau tươi, quả tươi, hạt; hạn chế ăn thịt đỏ. Tập thể dục đều đặn ít nhất mỗi ngày 30 phút, mỗi tuần ít nhất tập 5 ngày như vậy, không nên tập quá sức, phải ngủ trước 23 giờ.
Đột quỵ là có nguyên nhân, do đó phải kiểm soát được các nguyên nhân một cách chặt chẽ. Nếu bị huyết áp hay bị tiểu đường cần uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để đạt mục tiêu đường huyết trở về trạng thái bình thường và phải duy trì mục tiêu này lâu dài, chứ không nên uống được một vài lần thuốc thấy ổn là thôi uống thuốc.
Các bác sĩ khuyên đột quỵ xin đừng ở nhà, dấu hiệu của đột quỵ đó là “Méo cười, ngọng nói, suỗi tay, mau gọi cấp cứu đi ngay đừng chờ”.