200.000 người Việt Nam mắc đột quỵ /năm, 20% tử vong

Thứ Năm, 17/12/2020, 19:00
Toạ đàm “Đột quỵ gia tăng ở người trẻ - Giải pháp nào để phòng ngừa” được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 17/12, đã thu hút được đông đảo các nhà chuyên môn, bác sĩ tham gia.

Thống kê cho biết, dân số thế giới mắc bệnh đột quỵ hơn 10 triệu người mỗi năm, tỉ lệ tử vong cao hơn cả căn bệnh ung thư. Hiện nay ở Việt Nam có gần 200.000 người mắc đột quỵ mỗi năm, tỷ lệ tử vong chiếm 20% trong số này. 

PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ Tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP Hồ Chí Minh Giám đốc Bệnh viện Quốc tế Minh Anh cho biết, ngày nay sự phát triển của y học, đột quỵ được can thiệp điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa, can thiệp động mạch… thay cho phương pháp mổ truyền thống. 

Toạ đàm thu hút sự quan tâm của nhiều sinh viên TP HCM
Hiện nay trong y học đã có loại thuốc tiêm không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới đang sử dụng đó là thuốc dạng tiêm: Tiêu sợ huyết (hơn 10 triệu đồng một liều tiêm.
Các Chuyên gia giải đáp thắc mắc

BS CK2 Huỳnh Thanh Ân, Viện Y dược học Dân tộc TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, điều trị đột quỵ TP Hồ Chí Minh cần nhất là “giờ vàng”, qua “giờ vàng” sẽ để lại di chứng rất nặng nề. TP Hồ Chí Minh có 2 bệnh viện điều trị hậu đột quỵ là Viện Y dược học Dân tộc và Bệnh viện Y học Cổ truyền TP Hồ Chí Minh. 

BS CKI Lê Công Trí, Bệnh viện Quận Thủ Đức cho biết, bệnh viện đã triển khai điều trị đột quỵ hoàn chỉnh được 4 năm. Quá trình xây dựng được một đơn vị điều trị đột quỵ cấp cần rất nhiều điều kiện như máy móc, đào tạo bác sĩ, bộ máy vận hành, các đơn vị trong bệnh viện phải phối hợp nhịp nhàng. 

Các biểu hiện của đột quỵ là nói chuyện khó khăn, bị méo mặt, bị yếu tay chân cùng 1 bên, đau đầu nôn ói nhiều. Hiện tại, bệnh viện có 1 số chương trình như là CLB bệnh nhân đột quỵ, tờ rơi tại phòng khám, các kênh truyền thông của bệnh viện như website, facebook…thông tin cho người dân.

TS. BS Trần Chí Cường, Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP Hồ Chí Minh, Thành viên Hội Can thiệp thần kinh Thế giới, Giám đốc Bệnh viện Đột quỵ Tim mạch Cần Thơ cho biết, bệnh viện có 2 khóa đào tạo về đột quỵ. Tuy nhiên, theo TS. BS Trần Chí Cường lo lắng, kinh phí trang bị máy móc điều trị đột quỵ là vấn đề nan giải. 

 TS Nguyễn Văn Tuấn Bộ môn Thần kinh học, khoa Y Đại học Nguyễn Tất Thành tư vấn, nếu bệnh nhân hôn mê thì cứ đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Điều trị đột quỵ là cả một quá trình lâu dài, ban đầu là điều trị can thiệp, sau đó phải kiểm soát các yếu tố nguy cơ để phòng ngừa. Đồng thời điều trị cả các di chứng do đột quỵ như động kinh, liệt nửa người, trầm cảm, rối loạn lo âu…

BS Trần Chí Cường lưu ý thêm, bệnh nhân đột quỵ lần đầu thì nguy cơ tái phát sẽ cao hơn lần trước. Do đó việc tìm ra nguyên nhân thủ phạm rất quan trọng, có những bệnh nhân bị đột quỵ 3-4 lần mới tìm được nguyên nhân.

TS Nguyễn Văn Tuấn, Bộ môn Thần kinh học, Khoa Y ĐH Nguyễn Tất Thành cũng cho biết, đột quỵ có nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên chúng ta vẫn phòng ngừa được. Những yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa được ở người trẻ, theo TS Tuấn, là nên có lối sống lành mạnh, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, ăn uống và sinh hoạt điều độ… là cách phòng ngừa đột quỵ tích cực nhất. 

 Người trẻ muốn kiểm tra đột quỵ thì cần phải chụp MRI. Triệu chứng đột quỵ của người trẻ chỉ là thoáng qua nên nhiều người không để ý. Còn suy nghĩ sai lầm hiện nay là căn bệnh này chỉ xảy ra ở người lớn tuổi.  Phần lớn liên quan đến rất nhiều yếu tố như cách sống, thói quen sinh hoạt…


H.Nga
.
.
.