Nhiều thách thức trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm mới nổi

Thứ Bảy, 09/12/2017, 15:19

Phát biểu tại Hội nghị khoa học Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8-12, PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh đã cho biết: "Khảo sát từ các Chuyên gia Y tế công cộng Thế giới đã tìm ra tới hơn 300 bệnh truyền nhiễm mới nổi, có tác động rất lớn tới An ninh mỗi quốc gia trong bối cảnh dân số toàn cầu tăng nhanh mà Việt Nam không nằm ngoại lệ. Đòi hỏi nhiều giải pháp cấp bách kịp thời từ hệ thống y tế dự phòng".


Theo PGS Phan trọng Lân, bệnh mới nổi là bệnh mới xuất hiện lần đầu hoặc có thể đã tồn tại trước đó nhưng tăng nhanh về số mắc hoặc khu vực địa lý. Trong đó một số bệnh như: HIV/AIDS, SARS, đại dịch cúm A (H5N1), cúm A (H1N1), tiêu chảy tán huyết do E.coli, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM), Zika... được xem là bệnh mới nổi. Nguyên nhân chung do việc tăng dân số, di dân, biến đổi khí hậu, đô thị hóa,...Ngoài ra còn có sự biến đổi di truyền và thích nghi của vi sinh vật khiến mầm bệnh dễ dàng xâm nhập vào con người.

 Gánh nặng do bệnh nhiễm trùng gây ra từ Bệnh mới nổi ngày càng diễn biến phức tạp. Dịch Sars - xảy ra tại Việt Nam năm 2003 và đại dịch cúm H1N1 - năm 2009 là những ví dụ rất cụ thể về tốc độ lây lan nhanh trên toàn cầu của bệnh truyền nhiễm mới nổi. Ngoài ra, tại Việt Nam còn dịch bệnh khác phải đối phó như: dịch sốt xuất huyết, TCM, cúm gia cầm, tình trạng vi khuẩn kháng kháng sinh và một số bệnh mới nổi khác.

Ông Phan Trọng Lân phân tích, nguyên nhân chính của các các bệnh truyền nhiễm mới nổi đó là các vi khuẩn và ký sinh trùng như: tụ cầu vàng kháng vancomycin, lao kháng thuốc và sốt rét kháng thuốc; và vi rút. Ngoài ra, gánh nặng của bệnh nhiễm trùng càng trở nên phức tạp khi có sự xuất hiện của các chủng vi rút mới và tình trạng kháng kháng sinh gia tăng trên toàn cầu. Các trường hợp nhiễm cúm AH7N9 tiếp tục ghi nhận ở người tại Trung Quốc với 1.562 ca mắc từ 2013- 2017;  Sự tràn lan của chủng vi rút cúm mùa như H9N2, H10N8, H5N2 và giữa các khu vực trên Thế giới; đã ảnh hưởng tới khoảng 10% dân số Thế giới với 250 .000 tới 500.000 ca tử vong hàng năm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trong đợt công tác, thăm bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM.

Trong vòng 50 năm qua. sốt suất huyết (SXH) đã tăng hơn 30 lần trên toàn thế giới. Hàng năm, thế giới có 390 triệu ca mắc SXH Dengue mới, và hơn 500.000 người mắc SXH nặng cần nhập viện điều trị. Tuy nhiên, hiện nay, kháng kháng sinh là mối đe dọa sức khỏe nguy hiểm nhất đối với con người. Bệnh truyền nhiễm mới nổi đã gây tổn thất lên đến hàng trăm tỉ USD. Trong đó riêng gánh nặng của bệnh cúm đã gây thiệt hại tới 87,1 tỉ USD cho các Quốc gia toàn cầu. 

Tại Việt Nam, tác động của bệnh truyền nhiễm mới nổi có thể ghi nhận trong dịch cúm H5N1( xảy ra năm 2003) đến nay đã có 127 ca mắc H5N1, trong đó có 64 ca tử vong ( chiếm 50%). Riêng tại phía Nam ghi nhận có 37 ca mắc, với 31 ca tử vong ( tỉ lệ chết/mắc tới 84%). Dù từ 2015 tới nay, chưa phát hiện có thêm trường hợp mắc cúm H5N1 nhưng Việt Nam luôn là quốc gia được nhận định có nguy cơ cao của bệnh dịch nguy hiểm này, vì có nhiều người dân sinh sống tại khu vực nông thôn, sống với nghề nuôi gà, vịt, tiếp xúc trực tiếp với gia cầm. Trong đó, nhiều ổ dịch cúm( trên gia cầm) vẫn tiếp tục được phát hiện tại Việt Nam do gia cầm ốm, chết. Ngoài ra, tại chợ đầu mối qua các mẫu xét nghiệm vẫn tìm thấy chủng cúm A (H5N1 và H5N6) động lực cao. Trong khi đó, nguy cơ xâm nhập của cúm A(H7N9) từ Trung Quốc vẫn rất đáng lo ngại thông qua các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu, gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là vùng biên giới.

Cũng từ năm 2003, tay chân miệng (TCM) đã trở thành bệnh lưu hành tại Việt Nam với số mắc và chết chủ yếu tập trung tại khu vực phía nam ( chiếm trên 70 % số ca mắc). Vụ dịch lớn nhất về TCM xảy ra vào năm 2011 với 113.121 ca mắc, làm 170 bệnh nhi tử vong.

Bệnh sốt xuất huyết được đánh giá là gánh nặng lớn cho hệ thống y tế tại Việt Nam với trung bình từ 50.000 tới 100.000 ca mắc/năm và kéo dài trong suốt 05 năm  từ 2010 tới 2015. Năm 2017 ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng vọt tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc. Tính tới cuối tháng 8-2017 ghi nhận có 100.417 ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước. Ngoài ra, do nằm tại vùng lưu hành của muỗi Aedes sp, bệnh do muỗi truyền khác như Zika và Chikungunya cũng là mối lo ngại đe doạ sức khoẻ cộng đồng. Từ năm 2016 tới nay, ghi nhận đã phát hiện trên 200 trường hợp mắc Zika tại Việt Nam, cho thấy, vi rút Zika đã lưu hành trong môi trường. Hội chứng đầu nhỏ cũng ghi nhận từ ca nhiễm Zika bẩm sinh.

Tình trạng kháng kháng sinh cũng rất đáng lo ngại. Thống kê cho biết, khoảng 4.800 trường hợp mắc lao đa kháng thuốc, chiếm 2,7% số ca mắc lao mới được phát hiện của cả nước. Tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ghi nhận rất cao. Trong đó, đề kháng S.pneumoniae với penicilin lên đến 95%, của N.gonorrhoeae với ciprofloxacin là 96-98%, tetracyline là 69-82%...

Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện đại và toàn cầu hóa, các mối đe dọa liên quan đến bệnh truyền nhiễm mới nổi đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và có khả năng lan rộng ra tất cả các quốc gia. Do vậy, việc giám sát nhằm phát hiện sớm và xác định được các yếu tố nguy cơ là một trong giải pháp then chốt mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần lưu ý. Đặc biệt là phối hợp giữa các quốc gia, tăng cường hệ thống y tế một cách hiệu quả...


Huyền Nga
.
.
.