Nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh sau mưa lũ tại Sơn La

Thứ Hai, 07/08/2017, 09:28
Sau khi cơn lũ dữ đi qua địa bàn huyện Mường La với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ đang được các cơ quan chức năng gấp rút thực hiện.

Trận lũ lịch sử đêm 2-8, rạng sáng 3-8 vừa qua xảy ra tại địa bàn huyện Mường La đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Lũ dữ đi qua, nỗi đau, mất mát để lại. Bà con nơi đây đang gồng mình vượt lũ dữ. Công tác phòng, chống dịch bệnh sau lũ đang được các cơ quan chức năng gấp rút thực hiện.

Trong những ngày qua, cùng với thiệt hại về người và tài sản, vùng lũ Mường La đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch bệnh, bởi trận lũ lịch sử đêm 2-8, rạng sáng 3-8 đã cuốn trôi 23 con trâu – bò, 170 con lợn, trên 800 con gia cầm cùng 20ha diện tích mặt nước nuôi cá bị nhấn chìm trong lũ. Thêm vào đó, sau khi lũ dữ đi qua, mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện trên địa bàn khiến nhiều điểm bị ngập cục bộ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, phát triển.

Thị trấn Ít Ong là một trong những địa bàn bị thiệt hại nặng nề bởi trận lũ. Công tác phun thuốc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh đang được đội ngũ nhân viên y tế - Trạm Y tế thị trấn và Trung tâm Y tế dự phòng huyện Mường La chú trọng triển khai từ nhiều ngày qua.

Ông Võ Trọng Yên, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Ít Ong cho biết, thị trấn có 16 bản và 5 tiểu khu với hơn 10 ngàn dân. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh kịp thời sau mưa lũ, ngay trong sáng 3-8, Trạm đã cắt cử cán bộ xuống các bản Hua Nà, Long Heo, Ten… để tuyên truyền, hướng dẫn bà con cách phòng ngừa dịch bệnh. Đồng thời, phun tiêu độc, khử trùng bằng thuốc Cloramin B.

Sau mưa lũ, bà con Mường La cần cẩn trọng trước nguy cơ dịch bệnh phát sinh.

Cùng với đó, cán bộ y tế của Trạm không ngừng tuyên truyền, khuyến cáo bà con không được sử dụng nguồn nước có xác chết động vật, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với những địa bàn, nguồn nước sinh hoạt được dẫn về từ các mó nước trên đỉnh đồi không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc bị thiếu, cán bộ y tế của Trạm sẽ tiến hành khử nguồn nước bằng phèn chua và Cloramin B. Qua đó, tạo điều kiện cho cuộc sống, sinh hoạt của bà con. Tính đến nay, Trạm Y tế thị trấn Ít Ong đã sử dụng hết hơn 50kg thuốc Cloramin B vào công tác khử trùng, tiêu độc tại các bản bị ảnh hưởng bởi mưa lũ.

Cùng với việc phun, khử trùng tiêu độc, đối với một số bản Nà Lo, Chiềng Tè và Nong Heo, giao thông vẫn bị chia cắt, Trạm đã cắt cử các cán bộ, nhân viên y tế túc trực ở đây, nhằm chủ động hướng dẫn, phòng ngừa dịch bệnh kịp thời cho bà con. Cũng theo ông Võ Trọng Yên, mấy ngày tới, công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường ở một số trường tiểu học, mầm non trên địa bàn hoàn tất, Trạm sẽ tiến hành công tác khử trùng, tiêu độc ở những nơi này, qua đó đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường học tập cho các em học sinh.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Trung Khải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho rằng, sau mưa lũ, công tác phòng, chống dịch bệnh phát sinh phải luôn được chú trọng. Đặc biệt là việc phòng ngừa các bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa (tả, lị, tiêu chảy…), viêm đường hô hấp, đau mắt đỏ, bệnh ngoài da... Để chủ động với mọi tình huống, sáng 3-8, lãnh đạo Sở Y tế cùng các phòng, ban, đơn vị chức năng đến tâm lũ Mường La kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và hỗ trợ các đơn vị y tế trong huyện ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.

Bên cạnh đó, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Mường La huy động lực lượng cùng tham gia khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, hỗ trợ nạo vét bùn đất cho các hộ bị ảnh hưởng; tổ chức phun khử trùng toàn bộ các vùng bị ngập lụt và hướng dẫn xử lý nước uống, nước sinh hoạt cho người dân.

Mặt khác, trong thời gian này, Sở cũng đã cử một tổ công tác gồm các cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện thực hiện truyền thông, hướng dẫn về công tác vệ sinh môi trường; xử lý xác gia cầm - gia súc, nhà tiêu…; bố trí cán bộ y tế cắm chốt tại các bản để xử lý sơ cứu, cấp cứu ban đầu, khám chữa bệnh, giám sát và hướng dẫn người dân triển khai các hoạt động phòng, chống các loại bệnh, dịch truyền nhiễm có thể xảy ra sau mưa lũ.

Cũng theo đại diện Sở Y tế tỉnh Sơn La, trong mấy ngày qua, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã cử 2 tổ công tác cùng cơ sơ thuốc khử trùng trực tiếp xuống “rốn lũ” Mường La phun khử trùng, khử khuẩn cho nguồn nước sinh hoạt và trên 10.000m² môi trường.

Liên quan đến việc phòng tránh các dịch, bệnh nguy hiểm sau mùa mưa lũ, theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần thực hiện một số việc như sau:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

- Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

- Bảo đảm vệ sinh môi trường: thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, tổ chức thu gom, xử lý, chôn xác động vật. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý khi chôn cất. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.

- Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…

Trần Huy – Trần Ngọc
.
.
.