Nhiều bệnh viện ở Hà Nội đông nghịt bệnh nhân vì sốt xuất huyết

Thứ Bảy, 05/08/2017, 18:28
Con số khoảng 9.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH) ở Hà Nội cho thấy dịch SXH tiếp tục diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại là số ca mắc tăng mạnh trong 2 tuần gần đây. Có tuần, số người mắc lên tới hơn 2.000 người khiến nhiều bệnh viện (BV) trên địa bàn Hà Nội đang quá tải. 


Các BV có điều trị SXH đều đã phải kê thêm giường ở hành lang, phòng của nhân viên y tế, hoặc bố trí thêm khu điều trị vốn dành để điều trị bệnh khác, mà vẫn không đủ. Vì thế, các giường bệnh đều phải nằm ghép 2-3 và các bác sỹ cũng đều quá tải công việc.

Ở Khoa Truyền nhiễm của BV Bạch Mai, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh SXH vẫn tiếp tục tăng. Đáng lưu ý là có nhiều người là sản phụ nên phải theo dõi liên khoa và hội chẩn liên tục. Theo BS Đỗ Duy Cường – Trưởng khoa Truyền nhiễm, hiện số bệnh nhân SXH ở đây chiếm khoảng 30% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ có thai mắc SXH chiếm khoảng 15 - 20% tổng số bệnh nhân SXH tại Khoa này.

BS Đoàn Thu Trà - Phó Khoa Truyền nhiễm cũng cho biết, nhờ sự phối hợp chặt chẽ của các bác sĩ Khoa truyền nhiễm và Khoa Sản mà có hai sản phụ mắc SXH đã sinh con an toàn. Đó là sản phụ NTX, có thai 37 tuần tuổi thì bị sốt cao, khám ở rất nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện ra SXH. 

Khi đến Khoa Truyền nhiễm, bệnh nhân đã được cấp cứu, theo dõi đặc biệt. Các bác sĩ của Khoa Truyền nhiễm đã kết hợp cùng các bác sĩ của Khoa Sản và Khoa Huyết học để vừa điều trị vừa đỡ đẻ cho sản phụ . Cuối cùng sản phụ đã sinh một bé gái nặng 2,8kg và người mẹ tiếp tục được đưa về Khoa Truyền nhiễm điều trị trước khi xuất viện. 

Một bệnh nhân khác có thai 39 tuần tuổi cũng bị nhiễm SXH nhập viện. Sau ba ngày điều trị, bệnh nhân đã sinh con và tiếp tục được điều trị SXH.

Nhiều thai phụ bị SXH phải vào BV Bạch Mai điều trị

Hiện mỗi ngày, BV Thanh Nhàn cũng phải tiếp nhận khoảng 300 bệnh nhân SXH đến khám, chưa kể khoảng 500 ca đang điều trị nội trú. 

Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Giám đốc BV Thanh Nhàn, BV chỉ có 600 giường nhưng hiện đã phải kê lên tới hơn 1.000 giường để phục vụ nhu cầu điều trị của người bệnh, nhưng vẫn quá tải, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép, bởi số lượng bệnh nhân SXH năm nay tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu là người bệnh tại hai quận Hai Bà Trưng và Hoàng Mai – 2 địa bàn đang là điểm nóng về SXH trên địa bàn Hà Nội.

Từ đầu mùa dịch, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã phải tiếp nhận số người mắc SXH đến khám và điều trị rất đông. Những ngày này, BV phải dành riêng năm phòng chuyên khám cho bệnh nhân SXH, tăng giờ làm việc của các bác sĩ, tổ chức khám cho bệnh nhân từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều; làm việc cả ngày nghỉ cuối tuần; các nhân viên y tế của Khoa khám bệnh không được nghỉ phép... để tập trung phòng chống dịch. 

BV đã áp dụng biện pháp sàng lọc bệnh nhân, những người  bệnh nhẹ chuyển về cơ sở 2 tại Đông Anh, Hà Nội hoặc chuyển đến các BV tuyến dưới để điều trị, chỉ giữ lại những bệnh nhân có dấu hiệu bệnh nặng hoặc bệnh đã nặng, để giảm tải.

Năm nay, số bệnh nhân biến chứng nhiều hơn. Theo BS. Nguyễn Trung Cấp-Phó Trưởng khoa Cấp cứu, hiện đang có nhiều bệnh nhân SXH đe dọa bị sốc, đòi hỏi các bác sĩ phải tăng cường theo dõi và chăm sóc.

Mỗi ngày, Khoa Nhi -BV Bạch Mai có khoảng 20-30 bệnh nhi SXH tới khám, nhưng có hôm tăng tới 50 trường hợp, trong đó, 2-3 cháu bị nặng phải nhập viện. 

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam –Phụ trách Khoa Nhi cho hay, các ca mắc SXH nhập viện chủ yếu do sốt cao liên tục, cho uống thuốc hạ sốt paracetamo cũng không tác dụng. Đặc biệt, nhiều trường hợp bố mẹ không biết cách điều trị cho con vẫn tự điều trị tại nhà, khi liên tục sử dụng thuốc hạ sốt phối hợp như Ibuprofen, thuốc hạ sốt chứa aspirin, mà không biết những thuốc này sẽ gây nguy hiểm cho các cháu bé vì nó sẽ gây ra tình trạng xuất huyết.

Điều đáng chú ý trong mùa dịch năm nay là có nhiều thai phụ bị SXH nên việc sinh nở và điều trị khó khăn hơn bình thường. Tuy nhiên, theo BS Đỗ Duy Cường, không nên quá lo lắng việc đó vì các em bé sinh ra sẽ không bị ảnh hưởng gì. 

Chỉ có điều, diễn biến SXH ở phụ nữ có thai rất khó lường. Vì thế, những “bà bầu” mắc SXH nên nhập viện điều trị, để được bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng của thai nhi, đảm bảo sinh nở an toàn.

Các chuyên gia y tế dự báo thời gian tới, dịch SXH còn tiếp tục gia tăng, vì thế, cùng với công tác ngăn chặn dịch, thì việc làm sao để giảm tải bệnh nhân SXH ở các BV, giảm tử vong cũng đang là một vấn đề “đau đầu” của ngành y tế. 

Thanh Hằng
.
.
.