Nhiều bệnh viện phối hợp để làm rõ vụ trẻ bị sùi mào ở Khoái Châu

Thứ Năm, 27/07/2017, 20:16
Hiện, cùng với việc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ gần 100 cháu bé ở Khoái Châu, Hưng Yên bị bệnh sùi mào gà, Bộ Y tế đã chỉ đạo hai bệnh viện tuyến Trung ương có trách nhiệm phối hợp để truyền thông cho người dân nhằm hạn chế sự lây truyền của bệnh sùi mào gà.


Theo đó, cùng với tiếp tục điều trị tốt cho các bệnh nhi, Bệnh viện Da liễu Trung ương phải đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân có kiến thức về bệnh sùi mào gà, cách nhận biết triệu chứng bệnh và các biện pháp phòng ngừa... 

Bên cạnh đó, Bệnh viện Nhi Trung ương phải tăng cường tuyên truyền về vấn đề chít hẹp bao quy đầu ở trẻ em, như khi nào mới cần phải đưa đến cơ sở y tế và gia đình nên phối hợp với cơ sở y tế ra sao trong điều trị bệnh…

PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho hay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ quan chuyên điều tra dịch tễ được giao làm đầu mối cho quá trình điều tra làm rõ tại sao lại có nhiều trẻ em ở Khoái Châu phải đi xử lý hẹp bao quy đầu như thời gian qua? Nguồn lây khiến trẻ nhiễm sùi mào gà từ đâu? Cơ chế lây nhiễm ra sao? 

Việc giúp đỡ, điều trị bệnh nhi bị sùi mào gà để các em không bị ảnh hưởng về sức khỏe sau này sẽ được thực hiện thế nào? Quá trình điều tra dịch tễ phụ thuộc vào diễn biến thực tế, nhưng Bộ Y tế sẽ cố gắng trong thời gian sớm nhất có kết quả để trả lời người dân và các cơ quan truyền thông, nhằm trấn an dư luận.

Điều trị cho trẻ bị sùi mào gà ở Khoái Châu

Cục trưởng Y tế dự phòng khuyến cáo người dân khi đi khám bệnh nói chung và khám bệnh sùi mào gà nói riêng, phải chọn các cơ sở y tế bảo đảm chất lượng, uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải tăng cường công tác tuyên truyền, quản lý, thanh kiểm tra các cơ sở y tế, không để tiếp tục xảy ra tình trạng như ở Khoái Châu, khi người dân đi khám, chữa bệnh theo kiểu rỉ tai nhau để rồi đến phòng khám không được cấp phép, không đủ điều kiện vệ sinh vô trùng.

Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ và các bệnh viện liên quan tổ chức đánh giá toàn diện về mặt khoa học  và các mặt cận lâm sàng để làm rõ nguyên nhân vụ gần 100 cháu bé ở Khoái Châu mắc bệnh sùi mào gà. Các chuyên gia sẽ xem xét kỹ các nguồn lây ở khu vực Khoái Châu; kiểm tra, xét nghiệm những người trong gia đình các bệnh nhi mắc bệnh; kiểm tra y sĩ Hoàng Thị Hiền cùng những dụng cụ hành nghề của bà Hiền và các yếu tố nguy cơ có thể dẫn tới trong việc lây truyền căn bệnh này.

“Cần phải có đủ chứng lý, căn  cứ khoa học mới có thể đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc hàng loạt bé trai mắc sùi mào gà tại Hưng Yên. Tuy nhiên, quan điểm của lãnh đạo Bộ Y tế là kiên quyết không dung túng cho những sai phạm, nhất là trong chuyên môn” - PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chia sẻ.

Về hướng xử lý trong thời gian tới đây đối với y sĩ Hoàng Thị Hiền, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết phải căn cứ vào Luật khám bệnh, chữa bệnh; căn cứ vào các báo cáo, lời khai của các nhân chứng, người trong cuộc; xem xét cụ thể các hoạt động tại phòng khám của y sĩ Hoàng Thị Hiền và nhất là cần có sự phối hợp làm rõ của ngành y tế, của cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan liên quan, chỉ khi có đủ căn cứ mới có thể đưa ra kết luận."

PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện Sở Y tế Hưng Yên đã mời chuyên gia xây dựng bộ câu hỏi điều tra cộng đồng. Bệnh viện Da liễu Trung ương sẽ dựa vào mẫu bệnh phẩm đang lưu để kiểm tra về virus và giá trị gen, từ đó làm căn cứ xác định nguyên nhân gây sùi mào gà xem có phải từ một nguồn lây. 


Thanh Hằng
.
.
.