Nhiều bệnh viện giữ bệnh nhân lại điều trị dù không đủ khả năng

Thứ Ba, 15/12/2015, 17:20
Theo Thông tư 14 của Bộ Y tế, người bệnh muốn được Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán chi phí khám chữa bệnh (KCB) thì phải điều trị đúng tuyến, tức là có giấy chuyển viện từ tuyến xã đến tuyến huyện, tuyến tỉnh rồi tuyến Trung ương. 

Vì thế, việc xin giấy chuyển viện KCB đúng tuyến là điều không dễ dàng khi nhiều bệnh viện (BV) muốn giữ bệnh nhân lại điều trị, do BV tỉnh và Bảo hiểm xã hội địa phương phải chi trả cao hơn nếu bệnh nhân chuyển về BV tuyến trên. Như vậy, sẽ rất thiệt thòi cho người dân nếu không được chuyển hoặc chuyển tuyến chậm, vì ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.

Nhân Bộ Y tế tổ chức hội nghị đánh giá bước đầu thực hiện qui định chuyển tuyến tại Hà Nội ngày 15-12, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ths. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý KCB về vấn đề này.

+ Sau khi thực hiện Thông tư 14, tình hình chuyển tuyến bệnh nhân ở các BV ra sao thưa ông?

Ths. Cao Hưng Thái: Trong 6 tháng đầu năm 2015, ở 19 BV tuyến Trung ương đã có 22.232 bệnh nhân chuyển đi. Trong đó, chuyển người bệnh từ tuyến trên về tuyến dưới là 57%. Số người bệnh được chuyển đi các tuyến khi đủ điều kiện chiếm hơn 62%. Có hơn 80.000 trường hợp được chuyển đến các BV tuyến Trung ương, trong đó, khoảng 70% trường hợp được chuyển theo trình tự cà 4,4% chuyển không theo trình tự. Số người bệnh chuyển tuyến khi đủ điều kiện chiếm 66% và có 1,38% là chuyển theo yêu cầu của bệnh nhân hoặc đại diện hợp pháp của họ. Ở các BV tuyến tỉnh thì trên 97% là chuyển tuyến đi khi đủ điều kiện, chỉ có 2,91% là chuyển theo yêu cầu.

Những trường hợp người bệnh yêu cầu chuyển tuyến thì các BV vẫn cho chuyển, nhưng đánh dấu là “chuyển theo yêu cầu” và không được hưởng BHYT.

Ths. Cao Hưng Thái.

+ Việc BV tuyến dưới giữ bệnh nhân lại điều trị dù có những bệnh vượt quá khả năng của BV khiến người bệnh rất thiệt thòi là một thực tế. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này?

Ths. Cao Hưng Thái: Mục tiêu của việc chuyển tuyến là tạo thuận lợi nhất cho người dân trong KCB. Nếu mắc những bệnh thông thường thì được KCB ở tuyến dưới, còn khi bệnh nặng, vượt quá khả năng đáp ứng chuyên môn kỹ thuật thì cơ sở y tế tuyến dưới phải chuyển lên. Nhưng trong thực tế lại xuất hiện 2 vấn đề: Bệnh vượt khả năng chuyên môn kỹ thuật chữa trị của tuyến dưới, nhưng tuyến dưới vẫn giữ người bệnh lại, hoặc chậm trễ chuyển tuyến trên. Giữ người bệnh lại nhưng không xác định được năng lực có chữa được không, để khi người bệnh nặng mới chuyển tuyến thì là bất cập cả về chuyên môn kỹ thuật và thanh toán BHYT. Tình trạng thứ hai là BV tuyến trên sau khi cấp cứu, xử trí ổn định, hoặc thấy không có vấn đề nghiêm trọng, nhưng vẫn không chuyển bệnh nhân về tuyến dưới mà giữ lại để điều trị. Như vậy, cả 2 trường hợp trên đều không tạo thuận lợi cho người bệnh vì phải chi phí thời gian, sức lực, tiền bạc không cần thiết.

Bộ Y tế đánh giá một năm thực hiện qui định mới về chuyển tuyến.

Các cơ sở KCB cũng phản ánh rằng điều kiện chuyển tuyến hơi khắt khe, người bệnh đến phòng khám BV thì phải hội chẩn, dẫn đến người bệnh cần chuyển tuyến trên ngay lại không kịp. Điều này cũng có 2 quan điểm: Bệnh nhân đến khám thì bác sĩ phải làm các xét nghiệm, thăm khám, khi thấy cần thì bác sĩ phải cho chuyển lên tuyến trên, nhưng qui định phải hội chẩn, thì rõ ràng khó khăn cho cả BV và người bệnh. Ngược lại, bệnh nhân chưa đến mức phải chuyển, nhưng vẫn muốn chuyển lên tuyến trên và bác sĩ cũng đáp ứng cho chuyển, sẽ dẫn đến không quản lý được việc chuyển tuyến và gây quá tải các BV tuyến trên.

+ Có cách nào để  xác định rõ, đảm bảo việc chuyển tuyến chính xác cũng như qui trách nhiệm nếu xảy ra chuyển tuyến muộn, thưa ông?

Ths. Cao Hưng Thái: Các cơ sở y tế phải căn cứ vào công bố danh mục kỹ thuật và phân tuyến chuyên môn của từng BV. Ngoài ra, với những chuyên khoa quá tải trầm trọng như ung bướu, tim mạch, sản nhi, ngoại chấn thương…thì các BV cần có chuyên gia hoặc bộ phận phân loại người bệnh, hội chẩn xem xét cụ thể để quyết định cho người bệnh chuyển lên tuyến trên cho phù hợp, tránh tình trạng chẩn đoán không phù hợp thực tế người bệnh, như chưa cần thiết đã chuyển hoặc nặng quá lại không chuyển ngay. Dựa vào danh mục chuyên môn kỹ thuật được công bố, các BV tuyến huyện có thể chuyển thẳng bệnh nhân ung thư lên tuyến Trung ương nếu BV tuyến tỉnh không có khoa ung bướu.

Khi hoàn chỉnh Thông tư 14, Bộ Y tế có thể sẽ bổ sung khuyến cáo việc chuyển tuyến cho phù hợp. Nhưng cũng không thể nới 100% với các khoa khám bệnh là bác sĩ quyết định việc chuyển tuyến, mà sẽ qui định bác sĩ được quyền quyết chuyển tuyến những bệnh dễ xác định, dễ chẩn đoán, còn những bệnh khó như nội khoa (tim mạch, tiểu đường vv…) thì phải hội chẩn hoặc có chuyên gia sâu xác định.

Trong qui định về chỉ đạo tuyến có nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở KCB trong trường hợp bệnh nhân vượt quá năng lực của đơn vị mà không chuyển hoặc chuyển chậm, thì sau khi xử lý các BV tuyến trên sẽ phản hồi và bị quy trách nhiệm. Các buổi giao ban trực tuyến hàng tháng của 6 BV Tây Bắc đều đưa ra các trường hợp chuyển tuyến chậm hoặc xử trí không đúng chuyên môn kỹ thuật để rút kinh nghiệm; số ca chuyển tuyến, vượt tuyến, 10 bệnh có tủ lệ tử vong cao, số ca sai sít chuyên môn vv... Nếu các BV đều làm như thế sẽ kiểm soát và giảm được những ca bệnh chuyển không đúng. Tuy nhiên, việc giao ban chuyển tuyến của các cơ sở chưa hầu hết thực hiện đúng qui định, hiện mới có 6 tỉnh Tây Bắc làm tốt vì nằm trong dự án Jica và một số chuyên khoa sâu tổ chức giao ban 6 tháng, một năm/lần.

Chuyển tuyến đúng sẽ có lợi cho người bệnh.

+ Việc phản hồi thông tin trước hoặc sau khi chuyển người bệnh lên tuyến trên hoặc chuyển về tuyến dưới có được cho là cần thiết không, thưa ông?

Ths. Cao Hưng Thái: Đó cũng là một hoạt động chuyên môn trong chỉ đạo tuyến. Những ca khó hay cần tham khảo ý kiến của tuyến trên, thì việc các cơ sở điện thoại hoặc trao đổi với các chuyên gia ở khu vực khác để tham khảo hoặc đưa ra quyết định được Bộ Y tế khuyến khích.

+ Cám ơn ông!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.