Nâng cao chất lượng để “hút” người dân tham gia bảo hiểm y tế

Thứ Ba, 27/10/2015, 08:34
Lâu nay, BHYT dù có nhiều tiện ích nhưng vẫn chưa nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân. Ngay tại Hà Nội, đánh giá của HĐND TP cho thấy, từ nay đến cuối năm 2015, TP Hà Nội khó có thể đạt mốc 75% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) như mục tiêu đã đề ra.

Một trong những điểm “mắc” khiến BHYT chưa “được lòng” người dân là chất lượng khám, chữa bệnh theo BHYT cũng như những thủ tục còn rườm rà.

Kết quả đợt giám sát về lĩnh vực này trên địa bàn của Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TP Hà Nội) cho thấy, vẫn còn nhiều khó khăn đang đặt ra… Qua khảo sát, tính đến tháng 6/2015, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn mới đạt 71,3% dân số, trong đó, nhóm đối tượng hộ gia đình đạt thấp (23,5%). 

Ví như, huyện Ứng Hòa đến nay mới có 61% người dân tham gia BHYT, trong đó, nhóm hộ gia đình mới đạt 16,6%. Ở huyện Gia Lâm, số người tham gia BHYT cũng mới đạt 70%. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, ngoài chất lượng khám, chữa bệnh BHYT chưa đáp ứng được yêu cầu, thủ tục khám, thanh toán phiền hà, thái độ đối xử với người bệnh có thẻ BHYT khác với khám dịch vụ, thì còn có yếu tố thủ tục mua BHYT theo hộ gia đình rườm rà. 

Thực hiện Luật BHYT sửa đổi bổ sung (từ 1/1/2015), đối tượng tự nguyện nhân dân phải tham gia bắt buộc theo hộ gia đình, phương thức mua chuyển đổi từ chỗ một người tham gia sang cả hộ gia đình tham gia. Thủ tục hành chính cũng gây khó khăn cho người dân, như nếu không phải photocopy sổ hộ khẩu thì phải kê khai biểu mẫu và xin xác nhận của thôn, xã.

Ngoài ra, đội ngũ cán bộ làm công tác đại lý BHYT tại các xã, phường, thị trấn còn kiêm nhiệm, thiếu thống nhất, không chuyên nghiệp, đa số là cán bộ làm công tác thương binh xã hội, cán bộ hội phụ nữ... Đây cũng là nguyên nhân khiến cho tỷ lệ người dân tham gia BHYT thấp ở các địa phương, nhất là khu vực ngoại thành.

Báo cáo với đoàn giám sát, nhiều quận, huyện đề xuất các giải pháp để thúc đẩy nhanh tỷ lệ người tham gia BHYT như cần có cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT cấp xã, vì hiện tại mới ở mức độ làm đại lý do UBND cấp cơ sở phân công làm, nếu như họ không tâm huyết thì không có chính sách nào ràng buộc. 

Đối với nhóm BHYT hộ gia đình, ngành bảo hiểm cần giảm nhẹ thủ tục hành chính, giảm bớt phần chủ hộ phải kê khai phụ lục, mà chỉ cần kê khai theo mẫu (hiện tại chủ hộ gia đình phải kê khai cả phụ lục và mẫu). 

Mặt khác, bỏ bớt chữ ký của UBND xã, phường, thị trấn, mà thay vào đó là chữ ký của đại lý bảo hiểm, để trong trường hợp cần thiết, cơ quan BHXH tổ chức kiểm tra được thuận lợi.

Với những bất cập, hạn chế trong thực hiện chính sách BHYT, Đoàn giám sát của HĐND TP đã đề nghị nhiều giải pháp trong đó, cơ quan BHXH TP tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác BHYT, nhất là công tác thống kê, lập danh sách, cấp và đổi thẻ; quy định đưa các TTHC về thực hiện chế độ, chính sách BHYT vào mô hình "một cửa", từ việc cấp, đổi thẻ đến các thủ tục, giấy tờ, hồ sơ thanh toán BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. 

Cùng với các giải pháp trên, ngành y tế và các bệnh viện cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Các trạm y tế cơ sở cần được quan tâm đầu tư hơn nữa nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Trong quá trình tiếp nhận bệnh nhân, cần linh hoạt xử lý tình huống và tạo điều kiện về thủ tục chuyển viện tuyến trên khi bệnh nhân yêu cầu. 

Bao giờ BHYT thực sự là “bạn” của dân, “chỗ dựa” tin cậy của bệnh nhân thì lúc đó, không cần ban hành chỉ tiêu, tuyệt đại đa số người dân sẽ tham gia BHYT một cách tự nguyện, vui vẻ!

Diệp Linh
.
.
.