Quá tải bệnh viện là nguyên nhân gây nhiễm khuẩn

Thứ Năm, 30/11/2017, 21:05
Trước vấn đề nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) đang trở nên rất nóng những ngày qua, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam – về vấn đề này.


+ Thưa ông, NKBV rất quan trọng vì tác động tới cả người bệnh và cơ sở y tế, nhưng có vẻ như sau vụ tử vong của trẻ em ở BV Sản nhi Bắc Ninh, vấn đề này mới trở nên nóng?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hoàn toàn không phải thế. NKBV đã được ngành y tế đặt ra từ lâu, ngay từ khi có BV. Nhưng gần đây nó mới trở thành vấn đề nóng là vì qua điều tra việc sử dụng kháng sinh cho thấy các vi khuẩn kháng thuốc đang tăng nhanh, dẫn đến nguy cơ tử vong cao do NKBV. NKBV luôn luôn có, nhưng trước đây, tỷ lệ thấp vì dù có xảy ra thì vẫn khống chế được do các thuốc kháng sinh còn nhạy cảm với vi khuẩn, nên mọi người không để ý. 

Nhưng càng ngày, NKBV càng khó khống chế. Con số thống kê chung cho thấy có tới 5-10% NKBV trong tổng số các nhiễm khuẩn. Tỷ lệ này ở các khoa có sự khác biệt, trong đó, cao nhất là các Khoa Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Ngoại và Sơ sinh. NKBV thường gặp ở các bệnh nhân viêm phổi sau thở máy, hay sau mổ đa chấn thương do tai nạn giao thông, sau các can thiệp đặt các ống thông vào tĩnh mạch, đặt xông tiểu, đặt ống  dẫn lưu màng bụng, màng phổi… NKBV khiến cho việc điều trị rất khó khăn và làm tăng khả năng tử vong.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính.

+ Ông có thể cho biết nguyên nhân của tình trạng NKBV ở mức báo động như hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Tôi cho rằng có một số nguyên nhân: Thứ nhất là ý thức sử dụng kháng sinh đúng của người dân không cao khi việc tự ý sử dụng kháng sinh rất phổ biến. Bên cạnh đó, việc kiểm soát bán kháng sinh theo đơn chưa chặt chẽ. Thống kê cho thấy tới 82% thuốc bán ở các nhà thuốc là kháng sinh. Việc mua kháng sinh dễ dàng cũng dẫn đến việc sử dụng thuốc không có kiểm soát.

Ngoài ra, mặc dù Bộ Y tế đã có các quy định nghiêm ngặt về chống NKBV nhưng nhiều cơ sở y tế chưa làm tốt việc kiểm soát nhiễm khuẩn, do thiếu nguồn lực, thiếu trang thiết bị; cơ sở y tế xuống cấp, hoặc quá tải BV.

Một điều cần phải lưu ý là ý thức tuân thủ qui định về chống NKBV của nhiều người dân chưa tốt. Những bệnh nhân mắc các bệnh nguy hiểm, gây dịch, cần phải cách ly, nhưng nhiều người cứ phải vào tận BV thăm hỏi, nhìn tận mắt, sờ tận tay mới yên tâm và chính đây là một nguồn gây NKBV. Ở nhiều BV, nếu không cho vào thì có thể xảy ra cãi cọ, đánh nhau, thậm chí truy sát như trường hợp ở Nghệ An.

Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nhóm vi khuẩn đa kháng thuốc: đứng thứ 7 trong các nước có tình trạng lao đa kháng thuốc trên thế giới; tụ cầu kháng Methicilline, vi khuẩn gram âm kháng lại Carbapenem nhất là vi khuẩn nhóm Acinetobacter đã kháng lại hầu hết các kháng sinh sốt rét kháng thuốc Artemisininn. Điều này là những thách thức cho ngành y tế trong điều trị NKBV và tỷ lệ tử vong cao nhất là nhiễm trùng do các vi khuẩn đa kháng thuốc, tới 60-70% thậm chí 90%.

+ Thưa ông, trong khi các BV tuyến Trung ương được đầu tư tốt hơn tuyến dưới thì thực tế cho thấy NKBV tuyến trên lại chiếm tỷ lệ cao hơn?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: BV các tuyến đều có nguy cơ NKBV như nhau, nhưng nơi nào quá tải BV, đông bệnh nhân nặng, bệnh nhân được xử lý can thiệp nhiều, sẽ có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. BV tuyến Trung ương là nơi phải tiếp nhận các bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển về, trong đó có nhiều bệnh nhân đã bị NKBV ở tuyến dưới, nên có tỷ lệ NKBV cao hơn. NKBV ở các BV tuyến Trung ương có 2 nguồn: do từ BV tuyến dưới chuyển lên; cũng có thể nhiễm khuẩn tại chính BV.

Bên cạnh đó, BV của chúng ta quá tải. Ở các nước, bệnh nhân bị kháng thuốc phải cách ly phòng riêng, nhưng ở ta vẫn nằm chung 5-6 người/phòng vì thiếu phòng bệnh. Chính sự quá tải BV là nguy cơ lây chéo cho bệnh nhân.

BV Bạch Mai là một trong số các BV coi trọng công tác chống nhiễm khuẩn

Các BV đều có Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, nhưng không đủ nhân lực và kinh phí để bảo đảm được các tiêu chuẩn về giám sát nhiễm khuẩn theo qui định như làm quan trắc nhiễm trùng BV định kỳ, phải lấy mẫu định kỳ từ môi trường buồng bệnh, từ thành giường, nắm tay mở cửa đến sàn nhà … Vì việc nuôi cấy rất tốn kém và các BV phải tự chi trả.

+ Thưa ông, khó khăn lớn nhất trong công tác chống NKBV là gì?

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: Hiện nay, các BV tuyến dưới không có trang thiết bị tìm ra vi khuẩn kháng thuốc, nên không thể lựa chọn được kháng sinh điều trị phù hợp. Thậm chí Khoa  vi sinh ở một số BV tuyến tỉnh cũng thiếu trang thiết bị, thiếu cả cán bộ vi sinh lâm sàng. Có BV, Khoa Truyền nhiễm bị thu nhỏ hoặc lồng ghép vào khoa nội-nhi vì không có bác sĩ chuyên khoa. Nhiều BV không có labo nên bác sĩ chữa bệnh theo kinh nghiệm, dẫn đến việc sử dụng thuốc đã bị kháng nên không hiệu quả.

Việc áp dụng các kỹ thuật cao trong hồi sức cấp cứu giúp cứu được nhiều ca bệnh nặng, song các can thiệp y tế cũng là nguồn gây NKBV. Do đó, đòi hỏi các BV phải có quy trình sử dụng nghiêm ngặt và thực hiện đúng quy định về chống nhiễm khuẩn của Bộ Y tế. Các BV cần đầu tư cho công tác chống nhiễm khuẩn. Nguồn nhân lực cũng phải được chú trọng đào tạo. Bên cạnh đó, phải thực hiện nghiêm ngặt quy định bán kháng sinh theo đơn; sử dụng kháng sinh đúng, an toàn, hiệu quả.

BV Nhiệt đới áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát nhiễm khuẩn 

+ BV Nhiệt đới Trung ương là nơi điều trị nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi nên càng đòi hỏi cao về việc chống NKBV, nếu không hậu họa là khôn lường. Ông có thể chia sẻ về mô hình ở BV mà Bộ Y tế đang muốn nhân rộng? 

PGS.TS Nguyễn Văn Kính: BV chúng tôi có labo tham chiếu quốc tế nên có thể xác định mầm bệnh rất nhanh, dễ dàng tìm ra loại thuốc phù hợp để điều trị, giảm tỷ lệ tử vong. BV cũng thực hiện nghiêm quy định chống NKBV của Bộ Y tế và hỗ trợ các BV tuyến dưới. BV qui định nhân viên phải tắm trước khi về; trang bị khẩu trang, mũ áo đầy đủ; vào phòng bệnh phải thay dép.

 Để hạn chế người nhà bệnh nhân vào BV, chúng tôi sử dụng công nghệ thông tin để quản lý như lắp camera, sử dụng thẻ quẹt vào cầu thang máy; khử khuẩn cầu thang 3h/lần; quan trắc vi khuẩn hàng tháng dù rất tốn kém vv…

Chúng tôi thực hiện qui định kiểm soát NKBV rất bài bản, nhưng việc phòng chống NKBV vẫn đầy thách thức, vì chỉ BV và các nhân viên y tế thực hiện là chưa đủ, mà phải cả bệnh nhân và người nhà họ cùng có ý thức chấp hành mới hiệu quả.

+ Cám ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)
.
.
.