SOS nhiễm khuẩn bệnh viện

Thứ Ba, 18/04/2017, 16:57
Khảo sát của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại 15 BV trên cả nước cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 27,3%. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% đến 75%. 


Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội ngày 18-4.

Ông Hoàng Văn Thành-Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn được thiết lập ở hầu hết các BV trong toàn quốc (92,23% BV có Hội đồng Kiểm soát nhiễm khuẩn; 88,66% BV có mạng lưới kiểm soát nhiễm khuẩn; 72,27% BV có khoa kiểm soát nhiễm khuẩn). 

Tuy nhiên, các BV chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát nhiễm khuẩn BV. Vì thế, dù hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn có ở hầu hết các BV nhưng chỉ có 35,29% BV có bộ phận giám sát chuyên trách.

Tỷ lệ BV thực hiện giám sát nhiễm khuẩn đối với các bệnh trọng điểm tăng so với năm 2015 nhưng vẫn còn thấp. Trong số 121 BV thực hiện giám sát nhiễm khuẩn vết mổ chỉ chiếm 25,42%. Những con số này còn thấp hơn trong giám sát viêm phổi thở máy (14,46%); giám sát nhiễm khuẩn huyết (12,61%) và giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (14,29%). 

Đặc biệt, chỉ có gần 41% BV giám sát vi sinh trong môi trường tại khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm. Việc triển khai giám sát nhiễm khuẩn kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.

BS thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh minh họa

Trong 93 BV thực hiện giám sát nhiễm khuẩn năm 2016, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV chung là 3,6%, ttrong đó cao nhất là tuyến tỉnh với 5,06%, tuyến trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và BV tư nhân 1,45%. Giám sát vi sinh và vi khuẩn kháng thuốc dù tăng so với năm 2015 (8,1%), ở mức 13,45%, nhưng vẫn ở mức thấp. 40,97% giám sát nhiễm khuẩn thực hiện giám sát vi sinh trong môi trường tại những khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm.

Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế trở thành gánh nặng cho người dân cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh, khi làm tăng tỷ lệ tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc vv…

Ở Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 5,8% và viêm phổi BV chiếm tới 55,4%. Một nghiên cứu gần đây ở BV Chợ Rẫy cũng cho thấy, nhiễm khuẩn BV kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày với viện phí phát sinh ước tính khoảng 2,9 triệu đồng/ca. Đây là con số không nhỏ đối với một nước có mức thu nhập GDP/người còn thấp như ở Việt Nam.

Tại hội thảo, câu chuyện đau xót của vụ gần 150 trẻ em tử vong do dịch sởi năm 2014 được nhắc lại, như một bài học xương máu cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém, khiến bệnh nhi bị lây chéo. Nguyên nhân là do tình trạng quá tải ở tuyến trên, cộng với việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém đã dẫn đến nỗi đau này.

Vì thế, nhiều đại biểu kiến nghị cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống giám sát nhiễm khuẩn quốc gia. Bộ Y tế cần hỗ trợ cho 6 BV là Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh và BV Nhi Đồng 1 hoàn thiện mô hình BV mẫu về giám sát nhiễm khuẩn. Trong đó, hoàn thiện hoạt động giám sát nhiễm khuẩn BV trước hết là giám sát nhiễm khuẩn huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu.

Biện pháp hiệu quả và ít tổn hại kinh tế nhất để có thể giảm nhiễm khuẩn BV là rửa tay được WHO khuyến cáo mạnh mẽ. Theo đó, các thầy thuốc phải vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn BV. 


Thanh Hằng
.
.
.