Nhiều loại kháng sinh "bất lực" với nhiễm khuẩn bệnh viện

Thứ Sáu, 15/10/2010, 11:20
Th.S-BS Bùi Nghĩa Thịnh, phụ trách nhóm khảo sát về "mô hình vi khuẩn kháng kháng sinh tại Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc" (HSCCCĐ) thuộc Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương TP HCM đã cho biết như trên tại cuộc hội thảo khoa học kỹ thuật ngày 14/10.

Khảo sát cho thấy, trong 476 mẫu bệnh phẩm gồm (đàm, máu và nước tiểu) lấy từ 184 bệnh nhân đang nằm tại khoa HSCCCĐ của BV này từ tháng 1 tới tháng 6/2010  đã phát hiện 40% trường hợp bệnh nhân trên "dương tính" với nhiều loại vi khuẩn nguy hiểm.

Đặc biệt có 16 mẫu bị nhiễm một lúc nhiều vi khuẩn  như: Acinetobacter baumannii (vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi); Staphylococcus aureus (gây nhiễm trùng huyết); Pseudomonas aeruginosa (gây nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng) và vi khuẩn gây nhiễm trùng tiểu hàng đầu là Enterococcus spp (chiếm 35% số bệnh nhân được khảo sát). Ngoài ra còn có sự hiện diện của vi khuẩn Klebsiella spp và E. coli. 

Điều chú ý nữa là các vi khuẩn trên đã có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh thế hệ mới. Kháng sinh bị đề kháng cao nhất là Imipenem (chiếm tỉ lệ tới 79,3%); và Meropenem (77,4%). Các vi khuẩn chỉ còn nhậy với loại kháng sinh Cefoperazol/Sulbactam nhưng cũng đã kháng tới 43,4% trong các trường hợp được khảo sát.

Bệnh nhân bị nhiễm khuẩn bệnh viện vẫn là thách thức hàng đầu trên toàn cầu với tỉ lệ mắc ngày càng cao.

Chỉ có vi khuẩn Klebsiella spp vẫn còn khá nhạy với hầu hết kháng sinh. Riêng với vi khuẩn E. coli đã kháng với hầu hết các kháng sinh mà các BS đang sử dụng. Một phát hiện quan trọng từ khảo sát trên là các loại vi khuẩn đề kháng kháng sinh thay đổi theo từng bệnh viện, theo từng khoa lâm sàng, cũng như theo thói quen sử dụng kháng sinh của các bác sỹ và nó cũng thay đổi theo thời gian.

Do vậy, theo BS Thịnh, cần kiểm soát và khống chế nhiễm khuẩn bệnh viện và tăng cường hơn nữa công tác chống nhiễm khuẩn BV. Trong đó cần thực hiện ngay các biện pháp cách ly có hiệu quả với bệnh nhân, nếu cần có thể rút bỏ các biện pháp can thiệp xâm lấn ngay khi có thể cũng như xây dựng một chiến lược sử dụng kháng sinh hợp lý. Các BV cần tiến hành khảo sát thường xuyên tỷ lệ vi khuẩn kháng kháng sinh theo 6 tháng/lần và chương trình rửa tay của các BS, điều dưỡng khi chăm sóc bệnh nhân có ý nghĩa rất quan trọng.

Được biết, tại Hoa Kỳ mỗi năm có khoảng 2 triệu trường hợp NKBV/năm, gây tử vong cho 99.000 trường hợp. Tại Anh, NKBV đã gây tử vong cho 5.000 ca/năm. Chi phí phát sinh cho NKBV đã lên tới 1 tỷ đô la/năm tại Anh và tại Hoa Kỳ từ 28-45 tỷ đôla/năm

Huyền Nga
.
.
.