Nguy hiểm khi chữa bệnh ngoài da bằng kiến ba khoang

Thứ Năm, 01/08/2019, 15:08
Nam sinh nhập viện trong tình trạng toàn bộ vùng da bẹn hoại tử, trợt, loét nghiêm trọng, gây đau đớn không thể mặc quần. Kinh ngạc hơn khi nam sinh cho biết, mình chữa bệnh ngoài da bằng kiến ba khoang.

Ngày 1-8, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.T.M. (Sn 1999,ở Hà Nội) vào điều trị trong tình trạng toàn bộ vùng da bẹn hoại tử, trợt, loét nghiêm trọng, gây đau đớn tới mức không thể mặc quần.

Theo bệnh nhân cho biết, anh bị nấm bẹn, vùng da rát đỏ và có nhiều mụn nước, nghe theo một bài thuốc dân gian truyền tai, anh đã tìm bắt cả mớ kiến ba khoang về giã nát rồi đắp lên vùng bị nấm ở 2 bên bẹn.

BS. Nguyễn Thị Thanh Thùy, Trưởng khoa Bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu TƯ cho biết, kiến ba khoang tiết ra chất pederin có độc tính gấp hàng chục lần so với nọc của rắn hổ. Ngay cả khi con người lỡ dính chất độc của kiến ba khoang (do giết kiến hoặc dính chất độc tiết ra) thì vẫn bị tổn thương da nghiêm trọng.

Theo cảnh báo của BS Thủy, chất độc từ kiến ba khoang gây nên sự phồng rộp, tạo máu mủ, loét, phù nề, gây sốt, thậm chí hoại tử. Do đó, việc sử dụng kiến ba khoang làm bài thuốc chữa bệnh về da rất thiếu căn cứ và nguy hiểm.

Đây không phải lần đầu có bệnh nhân mắc bệnh da liễu tự chữa bằng kiến ba khoang.

Chất Peradin tiết ra từ kiến ba khoang có độc tính cao gấp 10 lần rắn hổ mang

Trước đó, Khoa Ngoại & Chuyên khoa, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh tiếp nhận em Lý Văn H. (Sn 2005, dân tộc Dao, thường trú tại TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) trong tình trạng viêm da tấy đỏ, kèm theo đau ngứa tổn thương da dạng viêm loét, nhiễm trùng toàn bộ vùng hai bên bẹn, bìu, dương vật và hậu môn.

Qua khám sàng lọc và hội chẩn chuyên khoa, các bác sĩ chẩn đoán em bị viêm loét da vùng bẹn bìu, sinh dục nặng và chỉ định nhập viện điều trị.

Theo chia sẻ của bệnh nhân, khi thấy nốt mẩn đỏ vùng bẹn do hắc lào, cách đây 4 ngày nghe hàng xóm bày cách, gia đình tìm bắt kiến ba khoang về pha rượu đắp vào vết hắc lào.

Sau đó, bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn, xuất hiện các tổn thương dạng mụn mủ, viêm loét da, nhiễm trùng toàn bộ hai bên bẹn, bìu, dương vật và hậu môn do tiếp xúc với vết đắp.

Theo khuyến cáo của bác sĩ da liễu, khi dính phải nọc độc của kiến ba khoang, nạn nhân cần nhanh chóng lấy nước rửa sạch chỗ tiếp xúc, hạn chế tổn thương lây lan. Người dân không tin theo lời đồn thổi ấu trĩ, tuyệt đối không sử dụng kiến ba khoang để chữa bệnh. 

 Nếu bị kiến ba khoang cắn phải đến cơ sở y tế để được chăm sóc, xử lý đúng cách.


T.Hằng
.
.
.