Cảnh báo bệnh liên cầu lợn dịp cuối năm

Thứ Sáu, 06/01/2017, 20:33
Đang dịp chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, cũng là thời điểm nhu cầu tiêu dùng thịt tăng cao. Vì thế, các bác sĩ cảnh báo về nguy cơ mắc và tử vong do bệnh liên cầu lợn trong thời điểm này do nhiều người vẫn có thói quen ăn tiết canh lợn, ăn nem, chạo hay những sản phẩm chưa chín kỹ từ lợn.


Đây là cảnh báo không thừa khi ngày 6-1, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết vừa tiếp nhận bệnh nhân N.H.T. (nam giới, 35 tuổi) từ BV Đa khoa tỉnh Lai Châu chuyển xuống trong tình trạng nhiễm khuẩn liên cầu lợn rất nặng.

Gia đình bệnh nhân cho biết, cách đây hơn một tuần, anh T. mua một con lợn của người dân ở địa phương để liên hoan cuối năm với khoảng 20 người khác. Anh T. là người trực tiếp giết mổ, chế biến, làm tiết canh. Sau bữa ăn được 5 ngày, anh T. bị sốt cao, người mệt lả, trên da xuất hiện các vết ban hoại tử. Anh T. được gia đình đưa đi cấp cứu trong tình trạng có sốc tại BV Đa khoa tỉnh Lai Châu, nhưng vì bệnh tình quá nặng nên sau khi xử trí cấp cứu, bệnh nhân đã được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng Khoa Cấp cứu-BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện bệnh nhân đã tỉnh, nhưng vẫn phải điều trị tích cực trong tình trạng còn sốc, có ban hoại tử toàn thân, tập trung ở mặt, chân tay, bị tắc mạch nên đã hoại tử đầu ngón chân ngón tay, rối loạn đông máu nặng…

Bệnh nhân liên cầu lợn phải điều trị tích cực tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương 

Đây chỉ là một trong hàng trăm ca mắc liên cầu khuẩn ở các địa phương được chuyển về BV Bệnh nhiệt đới Trung ương thời gian qua. Điều đáng nói là hầu hết các trường hợp đều liên quan đến ăn tiết canh, hoặc giết mổ lợn. Vài tháng trước, tại BV này đã có một bệnh nhân nam 67 tuổi, ở Phú Thọ, tử vong do bị sốc nhiễm khuẩn liên cầu lợn. 

Trước đó BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cũng từng tiếp nhận 2 bệnh nhân ở Hà Nội mắc liên cầu khuẩn lợn, bị nhiễm trùng huyết nặng do ăn tiết canh lợn. Dường như năm nào cũng có nhiều người tử vong do liên cầu lợn, những người may mắn sống sót thì di chứng để lại suốt đời cũng nặng nề, trong khi việc điều trị vô cùng khó khăn và hết sức tốn kém.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thời gian vừa qua, nước ta liên tục ghi nhận các trường hợp mắc liên cầu lợn ở người, đều có liên quan đến ăn các sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín như tiết canh, thịt và nội tạng của lợn.

Bệnh liên cầu khuẩn lợn có thể lây truyền qua người khi tiếp xúc với lợn bệnh, hay lợn mang vi khuẩn qua các tổn thương nhỏ, trầy xước trên da của những người giết mổ, chế biến và ăn thịt lợn bệnh hay lợn mang vi khuẩn mà không được nấu chín. Khả năng nhiễm và gây bệnh của vi khuẩn ở lợn con cao hơn ở lợn trưởng thành.

Bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn thường có ba thể: thể viêm màng não giống như các viêm màng não mủ khác, thể nhiễm trùng huyết và thể thứ 3 là kết hợp cả hai. Bệnh nhân mắc bệnh ở thể nhiễm trùng huyết thường rất nguy hiểm vì diễn tiến nhanh thành nhiễm độc toàn thân gây suy đa phủ tạng khiến cho việc điều trị khó khăn và kéo dài. 

Người bệnh khi nhiễm liên cầu khuẩn có những triệu chứng điển hình của viêm màng não như nhức đầu, buồn nôn, nôn, sốt cao, thậm chí co giật, rối loạn tâm thần, hôn mê… Những trường hợp bị nhiễm khuẩn huyết thì sốt, rét run, da đen, xuất hiện những bang hoại tử xuất huyết dưới da … Theo các chuyên gia, hay gặp nhất là viêm màng não mủ và sốc nhiễm khuẩn. Những biểu hiện này chỉ diễn biến cấp tính trong một vài ngày.

Vì thế, nếu thấy có các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rét run, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn ý thức, mê sảng, nhất là người có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thực phẩm chưa nấu kỹ, thực phẩm tái (nem chua, nem chạo, tiết canh...) thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng

Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh. Vì vậy, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu khuẩn, người dân cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần đảm bảo vệ sinh và đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh. 

Không ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh sống. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề. Phải sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Thanh Hằng
.
.
.