Nguy cơ lây dịch bạch hầu từ Lào sang Việt Nam
- Gần 900 người dân vùng dịch bạch hầu được tiêm vaccine
- Khống chế ổ dịch bạch hầu ở Quảng Nam
- Phước Lộc, Quảng Nam: Đừng để bệnh bạch hầu tái phát
- Thêm 1 ca bệnh dương tính với virus bạch hầu
Thông tin này được PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết vào ngày 31/10.
Từ tháng 6 đến nay, ổ dịch bạch hầu ở Lào đã xuất hiện tại 6/17 tỉnh, thành phố. Bộ Y tế Lào đã tổ chức điều tra mở rộng tình hình dịch bạch hầu và tính đến nay, đã có 588 trường hợp mắc trên tổng số 6,7 triệu dân số của Lào, chiếm tỷ lệ 8,7/100.000 dân. Các trường hợp mắc chủ yếu là ở trẻ dưới 15 tuổi (chiếm 61%). Số người mắc ở cả các đô thị lẫn các khu vực vùng sâu, vùng xa và đa số các trường hợp mắc đều không điều tra được tiền sử tiêm vaccine.
Tiêm vaccine vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh bạch hầu. |
Tại Việt Nam, trong những năm trước khi triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh bạch hầu có ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi vaccine phòng bệnh bạch hầu được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh bạch hầu đã cơ bản được khống chế.
Vaccine bạch hầu dùng trong tiêm chủng mở rộng từ năm 2010 đến nay là vaccine Quinvaxem (bạch hầu – ho gà – uốn ván – viêm gan B – Hib).
Năm 2015, mới chỉ ghi nhận một số ít trường hợp mắc tại một số thôn, bản vùng sâu, vùng xa của huyện KBang thuộc tỉnh Gia Lai và 2 thôn thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam do người dân không tiêm chủng vaccine.
Tuy nhiên dịch bạch hầu bùng phát tại Lào là nguy cơ rất lớn dịch lây truyền sang các thôn bản vùng biên giới, sau đó lan sang các nơi khác trong nước. Thực tế, tháng 7/2015, tỉnh Quảng Nam từng xuất hiện ổ dịch bệnh bạch hầu và đã có 6 người tử vong.
PGS.TS. Trần Đắc Phu cho biết, Bộ Y tế Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu của Lào, đồng thời thường xuyên trao đổi thông tin với nước bạn để triển khai các biện pháp phòng chống phù hợp.
Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu và các bệnh có vaccine phòng bệnh khác tại Việt Nam, Bộ Y tế vẫn tiếp tục triển khai việc tiêm các vaccine thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có vaccine Quinvaxem phòng bệnh bạch hầu.
Vì thế, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo các gia đình đưa trẻ trong độ tuổi tiêm chủng đến các trạm y tế và cơ sở y tế tại địa phương để được tiêm vaccine đúng lịch và đủ mũi để phòng tránh các bệnh dịch nguy hiểm thường xảy ra ở trẻ em.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên; bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ cũng có thể gặp ở người lớn nếu chưa có miễn dịch. Bệnh qua đường hô hấp, hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt ở nơi đông người, hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không bảo đảm.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có giả mạc màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Bạch hầu thể họng thông thường có triệu chứng sốt nhẹ (38-38,5 độ C), sổ mũi 1 hoặc 2 lần, niêm mạc họng đỏ, xuất hiện những chấm trắng mờ và mỏng, hạch dưới hàm sưng to và đau. 2-3 ngày sau sẽ cảm thấy khó nuốt, nuốt vướng, đau cổ họng, người mệt mỏi xanh xao. Trong họng xuất hiện màng trắng ngà, dính chặt vào lớp thượng bì bên dưới, khi bong tróc rất dễ chảy máu. Màng giả này lan tràn rất nhanh ở 1 hoặc 2 bên amiđan.
Còn bạch hầu ác tính xuất hiện ngày đầu hoặc ngày thứ 2 của bệnh, với những dấu hiệu đột ngột như sốt cao (39-40 độ C) mệt lả, da xanh tái, nôn, nuốt đau, màng giả lan nhanh 2 bên amiđan, hơi thở hôi, hạch cổ sưng to, xuất huyết nhiều nơi, mạch nhanh, bệnh nhân có thể bị tử vong.
Biến chứng viêm cơ tim là biến chứng thường gặp nhất của bạch hầu, ngoài ra còn có các biến chứng về tim mạch, biến chứng về thần kinh, về thận và hô hấp.
Vì thế, các bệnh nhân có dấu hiệu bệnh bạch hầu cần được đưa ngay tới cơ sở y tế để được chăm sóc và tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng.