Ngoài 43 trẻ, còn có 71 người lớn ở Hưng Yên bị bệnh sùi mào gà

Thứ Tư, 19/07/2017, 16:00
• Bộ Y tế yêu cầu hỗ trợ tối đa đối các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn

Sự việc hàng chục cháu bé bị bệnh sùi mào gà- một bệnh xã hội thường lây qua quan hệ tình dục ở người lớn- ở huyện Khoái Châu được điều trị tại Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương đang làm rung động dư luận. Vì thế, BV này đã tiến hành thống kê để có số liệu chính xác về số cháu bé bị bệnh.


Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Da liễu Trung ương, trong thời gian từ ngày 1-5-2017 đến ngày 15-7-2017, tỉnh Hưng Yên có 110 ca được chẩn đoán bệnh sùi mào gà nhập viện, trong đó có 39 ca trẻ dưới 15 tuổi. Riêng huyện Khoái Châu là 51 ca, trong đó có 37 ca trẻ em dưới 15 tuổi, đều là bé trai. 

Trong hai ngày 17 và 18-7, BV tiếp tục đón nhận thêm 4 bệnh nhi mắc sùi mào gà từ huyện Khoái Châu chuyển đến. Trong đó, một cháu mới 6 tháng tuổi, 3 bé còn lại đều dưới 3 tuổi. Như vậy, đến nay Hưng Yên đã có 43 bé bị bệnh được điều trị tại BV Da liễu Trung ương, trong đó có 41 cháu ở huyện Khoái Châu.

PGS.TS Nguyễn Văn Thường cho biết, các bệnh nhi bị nốt nhỏ chỉ cần bôi thuốc tại chỗ, hoặc gây tê để đốt laze, nhưng những trường hợp nặng phải gây mê toàn thân để xử lý, mà các bệnh nhi còn quá nhỏ sẽ rất khó xử lý. Vì nhiều cháu bé còn quá nhỏ, tình trạng bệnh lại nặng, phải phẫu thuật và gây mê nên BV đang đề nghị BV Nhi Trung ương hỗ trợ, tiếp nhận các bệnh nhi này, để đảm bảo an toàn nhất cho các cháu.

Đại diện Sở Y tế Hưng Yên trao đổi về vụ việc với báo chí

Ngày 19-7, đoàn công tác của BV Da liễu Trung ương đã cùng các bác sĩ của BV Nhi Trung ương về Khoái Châu, Hưng Yên điều tra dịch tễ và bàn phương án điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi.

 Ngày 19-7, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (KCB) - Bộ Y tế cho biết, thông qua đường dây nóng, Cục quản lý KCB đã chỉ đạo Sở Y tế Hưng Yên khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ việc nhiều bé trai bị sùi mào gà ở Khoái Châu. Lãnh đạo Cục Quản lý KCB cũng yêu cầu Sở Y tế Hưng Yên đình chỉ công tác của bà Hoàng Thị Hiền tại Trạm Y tế xã Mỗ Sở, huyện Văn Giang; yêu cầu bà Hiền kiểm điểm và báo cáo trung thực về hoạt động KCB tại cơ sở.

Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo BV Da liễu Trung ương thực hiện tốt công tác chỉ đạo tuyến; Sở Y tế Hưng Yên phối hợp chặt chẽ với BV Da liễu Trung ương tổ chức thăm khám, điều trị cho các trường hợp mắc bệnh. Trường hợp vượt quá khả năng điều trị của địa phương cần chuyển lên BV Da liễu Trung ương để điều trị, nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cháu; đồng thời hỗ trợ tối đa đối với các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Sở Y tế Hưng Yên cần phối hợp với Phòng Y tế huyện Khoái Châu tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ việc và lý nghiêm đối với bà Hoàng Thị Hiền.

Đã phát hiện hơn 40 cháu bé ở Khoái Châu bị sùi mào gà 

Bà Nguyễn Thị Anh - Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên cho biết, để xác định nguyên nhân gây bệnh, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với BV Da liễu Trung ương điều tra nguyên nhân để có giải pháp ngăn chặn các trường hợp tương tự trong cộng đồng.

 Sở Y tế Hưng Yên đã thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc từ ngày 17 đến ngày 26-7 và bước đầu xác định, bà Hoàng Thị Hiền công tác tại Trạm Y tế xã Mỗ Sở, huyện Văn Giang và hành nghề ngoài giờ tại nhà riêng nhưng không có giấy phép hoạt động. Bà Hiền có chứng chỉ hành nghề là Y sĩ đa khoa với phạm vi hoạt động chuyên môn là kỹ thuật của điều dưỡng. Cơ sở khám chữa bệnh của bà Hiền không có biển hiệu, trong cơ sở có 1 giường khám, 1 tủ thuốc, 1 bộ panh kéo, bông, cồn, 1 bộ huyết áp kế, 1 ống nghe tim phổi.

Theo bà Hiền, bà thực hiện việc khám, nong và rửa vệ sinh bao quy đầu, sau đó cho các cháu dùng thuốc và hẹn bệnh nhân 2 ngày đến làm vệ sinh một lần. Trong khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật, bà Hiền dùng găng tay thông thường và chỉ nong dính cho các cháu viêm dính bao quy đầu, không làm chích rạch bằng dụng cụ.

Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hưng Yên đã lập biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị mức xử phạt các hành vi không có giấy phép hoạt dộng; hành vi bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở KCB; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn dược phép. Bà Hiện bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6 đến 12 tháng.

Đặc biệt, cần lưu ý ở đây là, cùng thời gian trên, ngoài gần 40 cháu bé, còn có tới 71 người lớn ở Hưng Yên phải nhập viện vì bệnh sùi mào gà, trong đó, có 14 ca ở huyện Khoái Châu. Con số này cũng có thể giúp các chuyên gia quan tâm trong việc giải thích về nguồn lây, bên cạnh việc làm rõ mối liên hệ giữa các cháu bé với cơ sở y tế tư nhân của y sĩ Hoàng Thị Hiền đang được cho là nguyên nhân chính.

Có một câu hỏi rất cần được trả lời là tại sao số trẻ phải cắt bao quy đầu ở Khoái Châu lại nhiều đến thế? Có phải do các cháu đến cơ sở của bà Hiền rồi mới bị bệnh, hay các cháu bị bệnh rồi mới được đưa đến cơ sở của bà Hiền để điều trị? Mà, theo bà Hiền, trước đây chỉ có một vài gia đình đưa trẻ đến nhờ bà xem hộ vì cháu bị bí đái, sưng tấy đỏ đau, có mủ ở đầu quy đầu.


Theo PGS.TS Nguyễn Văn Thường, đường lây bệnh sùi mào gà ở người lớn đa phần là do lây truyền qua con đường tình dục, còn trẻ thường mắc bệnh khi lây từ người chăm sóc trực tiếp, nhiều trường hợp được phát hiện lây trực tiếp từ bố mẹ. Đặc biệt, trẻ có thể mắc sùi mào gà do lây nhiễm từ đồ dùng như khăn, đồ lót bị nhiễm HPV, hoặc can thiệp y tế (như nong, phẫu thuật chít hẹp bao quy đầu) không đảm bảo điều kiện vô trùng. Trẻ mắc bệnh sùi mào gà nếu được chữa trị dứt điểm sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản cũng như tình dục sau này. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị đúng phác đồ, bệnh sẽ tái phát, đặc biệt có thể tiến triển sang ung thư và khả năng sinh sản về sau.


Thanh Hằng
.
.
.