Ngộ độc thực phẩm trong trường học có dấu hiệu gia tăng

Thứ Năm, 05/05/2016, 17:48
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2016, TP HCM đã có 98 học sinh (HS) ngộ độc thực phẩm (NĐTP), gần bằng số HS mắc trong cả 02 năm (2014 – 2015). Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATTP – TP HCM cho biết như trên tại hội nghị “công tác đảm bảo ATTP trong trường học năm 2016”, được tổ chức ngày 5-5 tại TP HCM.

 

Theo bà Mai, hiện trên địa bàn thành phố, hàng ngày có khoảng 500.000 trẻ ở tuổi Mầm non và một bộ phận không nhỏ HS cấp 1, 2 bán trú đang sử dụng suất ăn hàng ngày, đặt ra thách thức rất lớn cho các cơ quan quản lý trong việc giám sát chất lượng, đảm bảo ATVSTP. Trên địa bàn thành phố có khoảng 2.821 cơ sở dịch vụ ăn uống ở các cấp học, trong đó có 1.620 bếp ăn tập thể, 883 căng tin và 318 cơ sở nhận nấu, cung ứng suất ăn sẵn (SĂS).

Tính riêng trong khối trường học, năm 2014 và 2015 mỗi năm có 1 vụ NĐTP; 02 vụ NĐTP xảy ra từ đầu năm 2016 tới nay là tại trường THCS Lê Quý Đôn (quận Thủ Đức) và Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1) với 98 HS mắc. Mới đây nhất, Chi cục ATTP thành phố cũng đã tiếp nhận thông tin có thêm một vụ NĐTP trong trường học nhưng đang trong quá trình xác minh.
Qui trình chế biến thực phẩm phải đảm bảo một chiều trong mọi khâu mới đảm bảo đảm ATVSTP trong bữa ăn cho học sinh.

Ngoài các vụ NĐTP đã được xác minh chính xác trên, năm 2013 còn xảy ra 2 sự cố liên quan đến thực phẩm với 32 người mắc (tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Bình Tân và Trường Tiểu học Thạnh Mỹ Lợi, quận 2); năm 2015 cũng xảy ra 2 sự cố liên quan đến thực phẩm tại Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến, quận 12 và Trường THCS Trần Hưng Đạo, quận 12. Và theo bà Bà Huỳnh Mai, sở dĩ gọi là sự cố liên quan đến thực phẩm bởi các vụ việc này không xác định rõ nguyên nhân từ thực phẩm hoặc do dịch bệnh, chùm ca bệnh gây nên.

Bà Huỳnh Mai cảnh báo, tình hình NĐTP trong trường học đang có chiều hướng gia tăng, trong đó nguyên nhân vi sinh vật chiếm 52%, chủ yếu là vi khuẩn gây bệnh Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) thường có trong móng tay, bàn tay của người chế biến thực phẩm. Vi khuẩn này không chết trong điều kiện nấu nướng bình thường, khiến người ăn phải bị nhiễm vi khuẩn này, gây ngộ độc đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng NĐTP là việc bảo quản thực phẩm không đảm bảo, nhiều trường học ỷ lại các cơ sở cung cấp SĂS, không thực hiện tốt quy trình tiếp nhận thức ăn an toàn.

Vì thế, Chi cục ATTP khuyến cáo các trường học có từ 1.000 HS trở lên nên tự tổ chức bếp ăn tập thể tại trường nhằm kịp thời giám sát các điều kiện bảo quản, chế biến nhằm giảm thiểu các nguy cơ gây ra NĐTP. Ngoài ra, các cơ sở chế biến SĂS phải tuân thủ thời gian bảo quản, vận chuyển suất ăn sẵn; thực phẩm ngay từ khi chế biến xong đến khi ăn không quá 4 giờ (nếu thực phẩm không thể bảo quản nóng, lạnh hoặc đông lạnh); thời gian từ khi vận chuyển SĂS đến khi ăn không quá 2 giờ (trong trường hợp không có trang thiết bị bảo quản chuyên dụng như ủ nóng, tủ đông lạnh)…

Bàn tay nhân viên chế biến thực phẩm tại một bếp ăn tập thể không đạt yêu cầu về qui định ATTP. 

Ghi nhận của Phòng NĐTP - Chi cục ATTP khi kiểm tra việc mua, bán nguyên liệu thực phẩm tại các chợ khu vực TP Hồ Chí Minh cho thấy, cùng một loại là cá Ngừ, cá Cờ, cá Thu…nhưng trước 12 h trưa, tiểu thương bán ra với giá khác hoàn toàn. Tới 13 h trưa, giá bán thường được hạ xuống khoảng 30% so với giá lúc sáng, và tới chiều 15h thì giá bán chỉ bằng 1 nửa so với lúc mới đưa hàng ra chợ. 

Và thực phẩm lúc này đã trở nên ôi, thiu như cá ngừ thì thường đã bị bể bụng, nước đá bảo quản đã tan hết, cá có mùi hôi nhưng khách hàng “thân thiết” của các loại hàng này vẫn là người bán cơm, người kinh doanh SĂS… đi thu gom với giá rẻ hơn hẳn để kiếm lời. Đây là nguyên nhân lý giải vì sao trên thị trường, mức giá nguyên liệu thực phẩm ngày càng tăng trong khi giá suất ăn một số nơi chỉ có từ 10.000đ – 13.000đ/suất.

Nguyên liệu chế biến thực phẩm rẻ tiền, chất lượng kém, không an toàn cộng với việc gặp khi vào những mùa nắng, nóng như hiện nay ( thời điểm các tháng 4,5) nhiệt độ lên cao hay các tháng 6,7 cũng là thời điểm giao mùa với nhiệt độ nắng-mưa thất thường, là nguyên nhân gây NĐTP. 

Bà Huỳnh Mai cũng khẳng định, việc sử dụng chất cấm, kháng sinh không phép được sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, chất kích thích tăng trưởng trong một số sản phẩm nông nghiệp hay chất thúc đẩy nhanh quá trình chín của trái cây trong thời gian gần đây đã góp phần làm gia tăng NĐTP, trong đó có NĐTP tại trường học.

Theo báo cáo của Phòng Thanh tra Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2015, Thanh tra Sở y tế TP cũng đã kiểm tra, xử lý và xử phạt 44 cơ sở Bếp ăn tập thể, và 49 cơ sở nấu SĂS vi phạm qui định ATTP; với tổng số tiền phạt là trên 1 tỉ đồng. Trong giai đoạn từ 2012 tới 2016 trên địa bàn thành phố cũng xảy ra 25 vụ NĐTP làm 1.743 người mắc phải nhập viện.

Huyền Nga
.
.
.