“Ngân hàng máu sống” của các bác sĩ sau Tết
Giữa lúc câu chuyện báo động thiếu nguồn cung cấp máu đang khiến người bệnh lo lắng, chúng tôi thực sự cảm động khi được biết, “Ngân hàng máu sống” là nguồn máu thu nhận được từ các y, bác sĩ của Viện HH&TMTƯ đã tình nguyện hiến máu, hiến tiểu cầu ngay ngày đầu tiên đi làm.
Theo Viện HH&TMTƯ, đến ngày 10-2, viện còn 1.324 đơn vị máu, trong đó chủ yếu là nhóm B và nhóm AB, cơ số dự trữ máu nhóm O và A đã giảm tới mức báo động.
Bác sĩ của Viện HH&TMTƯ hiến máu và hiến tiểu cầu trong ca trực đầu tiên sau Tết. |
Nghỉ Tết dài ngày, lượng máu hiến từ lực lượng chính là sinh viên không có, nhu cầu cần máu tại các bệnh viện ở Hà Nội lại tăng so với năm trước, dẫn tới tình trạng khan hiếm máu, đặc biệt là khan hiếm tiểu cầu tăng rất nhanh.
Trung bình mỗi ngày tại Viện HH&TMTƯ cần từ 700 -900 đơn vị máu để điều trị cho bệnh nhân đang điều trị tại Viện, trong khi lượng máu tiếp nhận được chỉ bằng 10% so với ngày bình thường.
Tại Khoa Huyết học - Truyền máu của Bệnh viện Bạch Mai, trong một tuần sau Tết, số lượng bệnh nhân nhập viện tăng cao, hầu hết lượng máu dự trữ đã được sử dụng. Dù nhận thêm 1.200 đơn vị máu từ Viện HH&TMTƯ nhưng còn rất nhiều bệnh nhân phải chờ máu để điều trị.
Trước việc bệnh nhân nhập viện điều trị sau Tết gia tăng, để bảo đảm cung ứng đủ máu cho cấp cứu và điều trị bệnh, theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện HH&TMTƯ thì ngay ngày đầu tiên đi làm sau Tết, hơn 700 y, bác sĩ của viện đã hiến máu.
Tự hào về “Ngân hàng máu sống” được thành lập ngay tại viện, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói: “Hiến máu sau Tết đã trở thành truyền thống của viện chúng tôi, có bác sĩ ngay ngày mùng 1 Tết đi trực đã hiến máu, hiến tiểu cầu; có người đã hiến máu tới 70 lần”.
Câu chuyện về bác sĩ, y tá của Viện HH&TMTƯ hiến tiểu cầu, hiến máu giữa thời điểm “cơn bão” thiếu máu trầm trọng sau Tết đặc biệt đáng để chúng ta suy ngẫm.
Được biệt, trong ngày mùng 1 Tết, rất nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên của viện đã hiến máu, hiến tiểu cầu đầu tiên trong năm mới. Điển hình là kịp trực của các bác sĩ gồm: Th.S Nguyễn Hải Yến, Th.S Hoàng Chí Cương và BS Nguyễn Ngọc Ban, Nguyễn Thị Huế, họ đã lặng lẽ hiến máu và tiểu cầu cho người bệnh.
Bác sĩ Lê Quang Chiêm trong ca trực ngày mùng 4 Tết đã hiến tiểu cầu gạn tách bằng máy tự động. Tiểu cầu là một chế phẩm máu có thời hạn sử dụng rất ngắn (chỉ từ 3-5 ngày), trong kỳ nghỉ Tết kéo dài từ 7-9 ngày để dữ trữ được là điều không tưởng.
Do vậy, Viện HH&TMTƯ phải thường xuyên huy động lực lượng hiến máu dự bị để kêu gọi, vận động họ hiến tiểu cầu. Tuy nhiên, vào lúc cấp thiết, khó khăn nhất thì lực lượng hiến máu dự bị giống như “Ngân hàng máu sống” khả thi nhất lại chính là các y, bác sĩ của viện.
Được biết, tới đây sẽ có 2 bệnh viện phát động y bác sĩ hiến máu, nhưng để có đủ máu cho cấp cứu và điều trị bệnh, rất cần những tấm lòng nhân đạo tham gia hiến máu của cả cộng đồng, các cơ quan, đơn vị, trường học.
Ngày 18-2 tới đây, Lễ hội xuân hồng 2017 sẽ được tổ chức, là cơ hội tiếp nhận hàng nghìn đơn vị máu cho điều trị, hy vọng tình trạng thiếu máu sẽ chấm dứt.