Nâng cao chất lượng và hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở

Thứ Năm, 09/08/2018, 06:55
BHXH đã hướng dẫn người tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.


Báo cáo về thực hiện trách nhiệm trong tăng cường chất lượng hoạt động y tế cơ sở tại Phiên giải trình về chất lượng và hiệu quả của mạng lưới y tế cơ sở do bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì ngày 7- 8 vừa qua, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết: BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh và phân cấp cho các huyện tổ chức thực hiện BHYT tại các cơ sở y tế, trong đó có tuyến y tế cơ sở.

BHXH đã hướng dẫn người tham gia BHYT lựa chọn nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu, không phân biệt địa giới hành chính, phù hợp với nơi làm việc, nơi cư trú và khả năng đáp ứng của cơ sở KCB.

Theo BHXH Việt Nam, về chi phí KCB BHYT tuyến cơ sở, trong giai đoạn 2010-2014, số lượt KCB tại tuyến xã tăng qua các năm, với tỉ lệ gia tăng bình quân 4%. Chi phí bình quân/lượt tại tuyến xã, huyện tăng mạnh qua các năm, trong đó, chi phí bình quân tuyến xã của 6 tháng đầu năm 2018 gần gấp đôi so với năm 2014 và gấp rưỡi so với năm 2016.

Nâng cao chất lượng và hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở nhằm đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Chi phí bình quân tuyến huyện 6 tháng đầu năm 2018 gấp 1,8 lần so với năm 2015. Đặc biệt, cơ cấu chi phí đang có sự dịch chuyển tỉ lệ chi KCB từ tuyến Trung ương xuống tuyến huyện (năm 2015 tỉ lệ chi tại tuyến Trung ương chiếm 22,4%; năm 2017 chiếm 18% tổng chi KCB các tuyến). Trong khi đó, chi phí KCB tuyến huyện, xã gia tăng (26,3% năm 2015 tăng lên 31,3% năm 2017).

Cũng theo BHXH cho biết, năm 2017, đã có 61% số thẻ BHYT được đăng ký KCB ban đầu tại tuyến y tế cơ sở và năm 2018 là 71%. “Hệ thống y tế cơ sở phát triển, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được tăng cường; tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người dân. Người dân không phải đi lại tốn kém lên tuyến trên, gây quá tải tuyến trên và phải chờ đợi dẫn đến sự không hài lòng của người bệnh”- Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh khẳng định.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng trăn trở khi chất lượng KCB tại y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc tại nhiều trạm y tế xã còn bất cập. Tình trạng chỉ định quá mức dịch vụ kỹ thuật diễn ra khá phổ biến tại các bệnh viện (BV) tuyến huyện, đặc biệt là việc kê thêm giường, kéo dài ngày điều trị nội trú, chỉ định thuốc, vật tư y tế chưa hợp lý; không quản lý được tình trạng KCB vượt tuyến…

Báo cáo tại phiên giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Thành tựu lớn nhất của ngành Y tế trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Hiện cả nước có 11.400 trạm y tế xã, bao gồm cả mạng lưới y tế thôn bản; gần 99% xã, phường và thị trấn đã có nhà trạm; 87,5% trạm y tế có bác sĩ KCB; 97% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; gần 75% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%.

“Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản đã được triển khai rất hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em”- Bộ trưởng khẳng định.

Tại phiên giải trình, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã trả lời câu hỏi của các đại biểu về việc cơ sở y tế sử dụng nguồn tiền từ quỹ BHYT như thế nào? Theo Tổng Giám đốc, hiện nay, tiền cơ cấu tập trung cho người bệnh nhiều hơn. Cơ sở KCB cứ chi, nhưng Hệ thống giám định BHYT của cơ quan BHXH sẽ lưu lại toàn bộ dữ liệu liên quan và cơ quan BHXH sẽ có ý kiến đối với từng vấn đề sau khi việc đó diễn ra.

Theo Tổng Giám đốc, quy trình chuyên môn cần phải thực hiện nghiêm. Cơ quan BHXH sẽ căn cứ vào các quy định của ngành Y tế để giám sát những vấn đề liên quan, như chi phí gia tăng bất thường.BHXH Việt Nam xác định luôn thực hiện đúng quy định của pháp luật, trong đó có việc thanh toán chi phí KCB BHYT. Trong thời gian qua, xuất hiện tình trạng không sử dụng hết định mức vật tư, chi phí tiền giường tăng lên nhiều. Do đó, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế thống nhất giảm định mức một số dịch vụ cao so với thực tế…

Liên quan việc đẩy nhanh thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cho biết thêm: Năm 2015, người cận nghèo tham gia BHYT được 3,1 triệu người; năm 2016 giảm còn 1,7 triệu; năm 2017 là 2,6 triệu và năm 2018 là 2,5 triệu.

Số người cận nghèo tham gia BHYT giảm, là do sau khi thoát cận nghèo họ không còn được Nhà nước hỗ trợ tham gia, trong khi bản thân nhiều người cũng không đăng ký tham gia tiếp. Hiện, các địa phương đang tích cực hỗ trợ người cận nghèo tham gia BHYT, có nhiều địa phương hỗ trợ 30% mệnh giá còn lại của thẻ; có địa phương hỗ trợ 20%.

Còn với hộ gia đình làm nông- lâm- ngư nghiệp, trong những năm qua tham gia BHYT tăng nhanh, là do công tác tuyên truyền vận động cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương. “Mong muốn các địa phương tiếp tục quan tâm để những đối tượng này tham gia BHYT, nhất là những địa phương có ngân sách lớn cố gắng để đẩy tỉ lệ này lên...”- Tổng Giám đốc đề xuất.

Đề cập tới các chính sách tài chính phục vụ cho y tế cơ sở, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết: Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cùng các cơ quan của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp, BHYT giai đoạn 2016-2018 và 2019-2021.

Đồng thời, Bộ cũng chủ động phối hợp với Bộ Y tế và BHXH Việt Nam xây dựng giá dịch vụ KCB BHYT để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, cơ sở y tế và phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT…

Thu Quỳnh
.
.
.