Một số bệnh nhân COVID-19 trở nặng, phải thở máy không xâm nhập

Chủ Nhật, 07/02/2021, 17:09
Tại buổi Hội chẩn trực tuyến bệnh nhân COVID-19 nặng vào sáng 7/2, có một số bệnh nhân trở nặng, phải thở máy không xâm nhập, trong đó nặng và nguy kịch nhất là ca bệnh 79 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng .   

Tại buổi hội chẩn, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng cho biết, trong đợt dịch COVID-19 lần này, tỷ lệ bệnh nhân nặng không cao nhưng các thầy thuốc không được chủ quan. GS Bình đặc biệt nhấn mạnh với các thầy thuốc: “Bệnh nhân khó thở phải được coi là bệnh nhân nặng để phòng ngừa những diễn biến xấu”. 

Ông cũng lưu ý các bác sỹ điều trị bệnh nhân COVID-19 phải bám sát Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế và đề nghị các Sở Y tế bố trí thuốc đầy đủ trong danh mục thuốc theo Hướng dẫn này.

GS Nguyễn Gia Bình cùng các chuyên gia hàng đầu đang hội chẩn trực tuyến ca bệnh nặng với các đầu cầu (Ảnh: Lê Hảo)

Hiện nay, tại nhiều cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19, có một số trường hợp trở nặng nhanh, phải thở máy không xâm nhập. Tại Bệnh viện dã chiến số 2 đặt tại Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương đang điều trị 116 bệnh nhân. Trong đó có 2 bệnh nhân nặng, 2 bệnh nhân còn sốt. 

Bệnh viện dã chiến số 2 xin hội chẩn 2 ca bệnh chuyển nặng. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân 1.965, 52 tuổi, nhập viện ngày 4/2. Hai ngày sau bệnh nhân này có biểu hiện khó thở, trở nặng nhanh, được đưa vào Hồi sức tích cực. Hiện tại bệnh nhân tỉnh, không đau ngực, không phù, bạch cầu có xu hướng tăng dần lên. Bệnh nhân đang được thở oxy kính. 

Các bệnh viện tham gia hội chẩn trực tuyến (Lê Hảo)

Theo ý kiến của Hội đồng chuyên môn, do biễn biến nhanh, bệnh nhân đã có tổn thương phổi, nên cần xem xét có thêm một số xét nghiệm, bổ sung máy máy thở oxy dòng cao - một dạng thở máy không xâm nhập, xem xét tăng thêm liều thuốc, vỗ rung, nằm sấp, thay đổi tư thế cho bệnh nhân và xem xét tình trạng hô hấp xâm lấn. 

Cùng đó, cần tăng sử dụng thuốc kháng virus, nếu thiếu bất kỳ loại thuốc nào phải báo cáo lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương ngay. Trong trường hợp không được, các thầy thuốc có thể xem xét đặt nội khí quản cho bệnh nhân này.

Trường hợp thứ 2 là nam bệnh nhân 1.863, 58 tuổi, có tiền sử viêm gan B, đã được chuyển vào Hồi sức tích cực do khó thở tăng lên vào ngày 6/2. Hình ảnh chụp CT phổi cho thấy tổn thương phổi tăng lên nhiều hơn, bạch cầu tăng. Theo Hội đồng chuyên môn, nam bệnh nhân có diễn biến nhanh, song các thầy thuốc tại đang đi đúng hướng trong phác đồ điều trị nên tiếp tục theo dõi sát diễn biến của người bệnh để có xử trí kịp thời.

Tại Bệnh viện dã chiến số 1 đặt tại Trung tâm Y tế Chí Linh hiện có 30 bệnh nhân có tổn thương phổi. Các bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân ổn định và được các chuyên gia tăng cường từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương theo dõi sát.

Tại Bệnh viện dã chiến số 2 Quảng Ninh hiện có 24 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1 bệnh nhân nặng là bệnh nhân 1.562, nữ, 55 tuổi, đã điều trị ngày thứ 9. Bệnh nhân hiện đã đỡ mệt, cắt sốt, thở máy không xâm nhập. Hội đồng chuyên môn đề nghị Bệnh viện duy trì điều trị, thay đổi tư thế nằm sấp cho bệnh nhân.

Ca bệnh nặng nhất hiện nay là bệnh nhân 1.536 đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bệnh nhân đã qua 25 ngày điều trị, đã được áp dụng tất cả các biện pháp điều trị, kể cả ECMO ngày thứ 5. Đây là cụ bà 79 tuổi nhập cảnh từ Mỹ, có bệnh nền tăng huyết áp. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã có chiến lược điều trị theo đúng phác đồ. Hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng rất nặng, nguy kịch.


Tr.Hằng
.
.
.