Loại bỏ nỗi ám ảnh bà bầu “dính” virus Zika

Chủ Nhật, 25/12/2016, 09:25
Dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus Zika là có phát ban và ít nhất 2 trong 4 triệu chứng gồm: sốt dưới 38 độ, viêm kết mạc, đau khớp hoặc phù quanh khớp, đau cơ. Nhưng, mối quan ngại nhất là virus Zika gây nên dị tật đầu nhỏ cho thai nhi, chứ không phải là ở việc gia tăng số ca mắc trong cộng đồng.

Thế nhưng, tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua, nhiều bà bầu vẫn hốt hoảng chạy tới các trung tâm tự nguyện xin lấy mẫu máu xét nghiệm truy tìm virus Zika. Ông Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP Hồ Chí Minh khẳng định: Điều này là không cần thiết, kết quả xét nghiệm chỉ có ý nghĩa tại thời điểm mà thôi!

Virus Zika lưu hành trong môi trường và kẻ “gieo rắc” truyền bệnh

Tính đến ngày 21-12, TP Hồ Chí Minh đã có 145 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 19 thai phụ, và đây chỉ mới là số ca phát hiện được qua hệ thống giám sát trọng điểm bệnh sốt xuất huyết Dengue - bệnh Chikungunya - bệnh do virus Zika vì bệnh nhân có biểu hiện bệnh và đến các cơ sở y tế để làm xét nghiệm, con số thực tế có thể còn cao hơn.

Đâu là nguyên nhân chính khiến gia tăng số ca mắc Zika tại địa bàn TP Hồ Chí Minh? Theo ông Dũng, qua nghiên cứu của thế giới về những vùng có người nhiễm Zika, điều tra dịch tễ tại Việt Nam, nhất là khu vực TP Hồ Chí Minh, thì nguyên nhân, cơ chế lây bệnh Zika cần phải hiểu rằng, TP Hồ Chí Minh với khí hậu nhiệt đới, là nơi lưu hành của muỗi vằn, vật trung gian truyền bệnh (vector) chủ yếu của virus Zika. Cơ chế lây truyền chủ yếu là qua đường muỗi vằn chích.

Chủ động chăm sóc, theo dõi sản phụ nghi ngờ nhiễm virus Zika để kịp thời  có hướng xử trí.

Bên cạnh 2 đường truyền phụ khác là đường máu và đường quan hệ tình dục, tương tự như sự lây lan của virus HIV. Do đó, tại những nơi có sự lưu hành của muỗi vằn thì sự lây lan của virus Zika sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Hiện, TP Hồ Chí Minh đang tiến hành tầm soát virus Zika tại 30 bệnh viện công lập và tại các phòng phám, tại các nhà thuốc tư nhân, nên liên tục phát hiện và ghi nhận các ca bệnh dương tính với virus Zika.

Trong điều kiện khí hậu nóng, ẩm cùng với môi trường có nhiều vật chứa nước trong và ngoài nhà chưa kiểm soát được là điều kiện lý tưởng để muỗi vằn sinh sản và phát triển. Điều kiện thuận lợi để virus Zika lây lan dễ dàng trong cộng đồng.

Theo BS Dũng, ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh, số trường hợp mắc bệnh tăng nhiều vào các thời điểm từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12-2016, nhưng từ cuối tháng 12 tới nay đã giảm nhiều cùng với giảm số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH). Tuy nhiên, đã có 23/24 quận, huyện đã có trường hợp mắc bệnh. Điều này càng khẳng định virus Zika đã lưu hành tại TP Hồ Chí Minh.

Đặc biệt cần quan tâm đến các đối tượng nguy cơ, đó là những phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai, do những ảnh hưởng của Zika trên trẻ sơ sinh nếu phụ nữ mang thai bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng, để chỉ ra những việc cần ưu tiên để giải quyết, các chương trình phòng chống phù hợp, nhằm giảm đến mức tối thiểu do virus Zika gây ra.

Khi nào thì đi xét nghiệm truy tìm virus Zika?

 Trước tình hình số ca Zika gia tăng trên địa bàn, BS Dũng cho rằng, thai phụ cũng không nên lo quá vì nghiên cứu cho thấy, tỉ  lệ biến chứng thần kinh của trẻ sơ sinh (có mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ) vào khoảng 1-10%. Tuy nhiên, vấn đề là hiện vẫn chưa có biện pháp giúp cải thiện tỷ lệ này. Biện pháp chủ yếu hiện giờ đối với các thai phụ nhiễm Zika (cho tất cả thai phụ, chứ không chỉ thai phụ nhiễm trong 3 tháng đầu thai kỳ) là theo dõi chặt chẽ sự phát triển của bào thai để kịp thời phát hiện những bất thường để có hướng xử trí thích hợp. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã có 2 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika (đều sau 3 tháng đầu thai kỳ) đã sinh con, chưa phát hiện bất thường.

Sở Y tế cũng đã có hướng dẫn và tập huấn cho cán bộ y tế 24 quận, huyện về “Xử trí thai kỳ đối với thai phụ nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm Zika”. Theo đó, các bệnh viện có chuyên khoa phụ sản thực hiện tư vấn, theo dõi, chăm sóc thai kỳ đối với thai phụ hoặc có thể chuyển tuyến đến các bệnh viện như Từ Dũ, Hùng Vương nếu vượt quá khả năng. Trong thời gian tới, cũng giống như SXH hay bệnh tay chân miệng, sẽ không xét nghiệm cho tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Zika. Thay vào đó, dành các test xét nghiệm cho các phụ nữ mang thai nghi ngờ nhiễm virus Zika.

Tuy nhiên, theo BS Dũng, tất cả xét nghiệm xác định nhiễm virus Zika chỉ mang giá trị thời điểm. Việc phụ nữ mang thai đồng loạt đi làm xét nghiệm để xác định có nhiễm virus hay không là không cần thiết. Vì một thai phụ xét nghiệm âm tính với Zika lúc này, không ai dám chắc là sẽ không bị nhiễm trong thời gian tới nếu không thực hiện các biện pháp phòng bệnh đúng cách.

Ngoài ra, xét nghiệm âm tính còn dễ dẫn đến tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng bệnh. Do đó, thay vì lo lắng, đổ xô đi làm xét nghiệm, thai phụ và gia đình nên có những hành động cụ thể giúp cho việc phòng lây nhiễm Zika hiệu quả cho mình, cho gia đình mình, thậm chí ngay từ những lúc người phụ nữ chưa có ý định mang thai.

Trường hợp thai phụ nghi ngờ nhiễm virus Zika và xét nghiệm Zika âm tính:

Theo dõi thai kỳ và siêu âm định kỳ; Tư vấn thêm cho thai phụ về những vấn đề liên quan đến nhiễm virus Zika trong thai kỳ.

Thai phụ được chẩn đoán xác định nhiễm Zika: áp dụng biện pháp siêu âm tiền sản mỗi 2-4 tuần (khoảng cách giữa các lần siêu âm tùy thuộc tuổi thai) để đánh giá cấu trúc giải phẫu và tăng trưởng thai; tư vấn thêm cho thai phụ về những vấn đề liên quan đến nhiễm Zika trong thai kỳ.

Trường hợp siêu âm thai phát hiện hội chứng Zika bẩm sinh: bệnh viện chuyển tuyến người bệnh đến Bệnh viện Từ Dũ hoặc Bệnh viện Hùng Vương để thực hiện các xét nghiệm thăm dò, chẩn đoán trước sinh khác và xử trí tiếp theo.

Đối với các thai phụ khác (chưa bị nghi ngờ nhiễm virus Zika): thực hiện tư vấn, khám tầm soát, sàng lọc theo chuyên khoa phù hợp để phát hiện sớm các bất thường, dị tật bẩm sinh và can thiệp kịp thời.

Huyền Nga
.
.
.