Lỗ hổng quản lý bếp ăn là nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm trường học

Thứ Tư, 09/12/2015, 18:52
Ngày 9-12, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo “Bảo đảm An toàn thực phẩm (ATTP) bếp ăn tập thể tại trường học” với sự tham dự của đại diện quản lý Cục ATTP - Bộ Y tế.

Theo Cục ATTP, từ năm 2010 đến 2015, trên cả nước đã có trên 38 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) tại bếp ăn tập thể trường học khiến trên 1.400 người phải nhập viện. Tính trung bình mỗi năm có khoảng 6,3 vụ NĐTP tại trường học. Số vụ NĐTP trường học tập trung nhiều nhất tại khu vực miền núi phía Bắc với 12 vụ và ở vùng Đông Nam Bộ với 10 vụ. Nguyên nhân NĐTP tại trường học chủ yếu do vi sinh vật (E.coli, Salmonella, tụ cầu vàng…). Chiếm tới 47,4% (18/38 vụ).

ThS - BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết : Dù đã có những quy định về nguồn thực phẩm, nơi cung cấp thức ăn cho các trường học, nhưng quy định về tiếp nhận và phân chia thức ăn cho học sinh còn chưa được quan tâm. Qua điều tra dịch tễ các vụ NĐTP tại các trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã phát hiện ra lỗ hổng trong vấn đề quản lý bếp ăn. 

Xảy ra ngộ độc thực phẩm tại trường học, Hiệu trưởng sẽ là người phải chịu trách nhiệm cao nhất.

Nhiều trường học nhận thức ăn từ các Công ty chuyên cung cấp suất ăn sẵn. Tuy nhiên, có nhiều trường thiếu cơ sở để tiếp nhận thức ăn. Suất ăn được giao nhận ngoài sân trường, trong môi trường bụi bẩn hoặc xếp suất ăn dọc hành lang và tổ chức cho học sinh ăn ngay tại hành lang. Đây cũng là tình trạng chung về việc không tuân thủ đúng qui trình về tổ chức bữa ăn đảm bảo ATTP cho học sinh tại trường học trên địa bàn. Nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn tập thể tại trường học cũng vẫn rất khó kiểm soát. Khi xảy ra NĐTP, bên đơn vị cung cấp đổ lỗi cho trường học, còn trường học lại không nhận trách nhiệm, do chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.

Do vậy, theo kiến nghị của Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh, cần phải có thêm các quy định về điều kiện tiếp nhận thực phẩm tại các trường học nếu thuê các Công ty cung cấp suất ăn bên ngoài.

TS Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP- Bộ Y tế cho rằng, ngoài việc tăng cường kiểm tra của cơ quan chức năng, hiệu trưởng nhà trường phải là người kiểm soát và chịu trách nhiệm về nguồn thực phẩm cung cấp cho học sinh. Nếu xảy ra NĐTP, thì hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm cao nhất.

H.Nga
.
.
.