Cấp nhà đất, nhưng bác sĩ vẫn dửng dưng bệnh viện công địa phương
- Bệnh viện công đầu tiên ở miền Bắc sẽ khám bệnh tại nhà
- Siết hoạt động dịch vụ thuê, khoán ngoài vào bệnh viện: Có ngăn được "ông kẹ"?
- Xã hội hóa kiểu “ăn xổi” tại bệnh viện công Hà Nội
Cuối tháng 8 vừa qua, Đại học Y Hà Nội đã tổ chức “Ngày hội việc làm Y Hà Nội - 2017" để làm cầu nối giúp các tân bác sĩ, cử nhân, học viên sau đại học các khoá có cơ hội tìm kiếm việc làm tại các bệnh viện (BV), đồng thời, cung cấp nguồn nhân lực y tế chất lượng cao cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, chỉ BV Việt Đức có nhiều hồ sơ đăng ký nhất với hơn 300 người, trong khi có địa phương “trải thảm đỏ” để mời gọi, như bác sĩ tốt nghiệp loại giỏi về công tác sẽ được hỗ trợ ngay 100 triệu đồng, hoặc cấp đất làm nhà, nhưng vẫn không có ai đăng ký.
Đây là một thực tế về vấn đề nhân lực trong ngành y tế. Không chỉ tuyển dụng khó, mà ở nhiều nơi, tình trạng bác sĩ –nhất là bác sĩ có thâm niên - bỏ BV công ra làm BV tư cũng đang phổ biến. Đầu tháng 9-2017, Sở Y tế Đồng Nai cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 45 bác sĩ rời các cơ sở y tế công lập chuyển sang các BV, phòng khám tư nhân, đồng thời dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng.
BV đa khoa Thống Nhất là một trong những BV có nhiều bác sĩ nghỉ việc nhất từ đầu năm đến nay: 35 bác sĩ, trong đó, nhiều bác sĩ có thâm niên từ 10-12 năm, có kinh nghiệm và được BV cử đi đào tạo về chuyên khoa. Trước đó, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cũng cho biết đã có gần 50 cán bộ y tế bỏ việc ở BV công để làm cho BV tư.
Khác với trước, các bác sĩ ra trường đều mong muốn vào các BV công làm việc, thì nay, nhiều người đang làm ở BV công lại rời đi. Đương nhiên, việc bác sĩ nghỉ việc hàng loạt cũng ảnh hưởng đến hoạt động của BV công. Trong khi đó, nhiều địa phương có chính sách ưu đãi rất hấp dẫn nhưng vẫn không thu hút đủ bác sĩ, nhất là bác sĩ giỏi.
BV công ở nhiều nơi thiếu bác sĩ trầm trọng |
Sở Y tế Hà Tĩnh có mức đãi ngộ dành cho giáo sư, tiến sỹ về địa phương công tác là 300 triệu đồng. Còn ở Quảng Ngãi cũng hỗ trợ kinh phí một lần khi nhận nhiệm vụ ở các huyện đồng bằng, thành phố cho giáo sư là 350 triệu đồng/người; phó giáo sư, tiến sĩ: 300 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa II, thạc sĩ y khoa, bác sĩ nội trú: 250 triệu đồng/người; bác sĩ chuyên khoa I: 230 triệu đồng/người; bác sĩ đa khoa (tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc): 200 triệu đồng/người; bác sĩ đa khoa (tốt nghiệp loại khá): 150 triệu đồng/người vv…
Ở Quảng Nam, bác sĩ trong diện thu hút không qua thi tuyển và tùy theo trình độ được hỗ trợ một lần từ 200 đến 500 triệu đồng. Bác sĩ diện thu hút còn được hỗ trợ 100 triệu đồng khi được giao đất hoặc nhận chuyển nhượng đất để làm nhà ở tại nơi công tác. Bà Rịa –Vũng Tàu cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ nhằm thu hút, giữ chân đội ngũ bác sĩ có tay nghề, chuyên môn cao.
Thế nhưng số người về công tác ở các địa phương hầu như không đạt kế hoạch. Tình trạng thiếu bác sĩ vẫn diễn ra tại nhiều cơ sở y tế công lập.
TP. Hồ Chí Minh là địa bàn tưởng chừng các bác sĩ sẽ phải “chen chân” để về các BV công, nhưng đã vừa phải thay đổi quy định tuyển dụng để giải “cơn khát” bác sĩ bằng việc cho các BV công lập tuyển dụng bác sĩ, nhân viên y tế mà không cần có hộ khẩu thường trú tại TP. HCM như trước. Quy định mới này bắt đầu từ ngày 1-11-2017 mở cửa cho các BV công trên địa bàn lại đặt ngành y tế các tỉnh lân cận vốn luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực càng lo lắng vì sợ bị chảy máu chất xám.
Làm gì để giữ chân bác sĩ ở BV công là câu hỏi được đặt ra trong bài toán quản lý nhân lực của ngành y tế. Hầu hết các bác sĩ bỏ ra làm ở các đơn vị tư nhân vì lý do thu nhập. Mà các cơ sở y tế tư nhân luôn có lợi thế về mức thu nhập để thu hút bác sĩ giỏi ở BV công lập về làm việc. Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng, bên cạnh mức thu nhập thì môi trường làm việc là yếu tố quan trọng để bác sĩ rời BV công.
Trước “làn sóng” bác sĩ bỏ BV công ra BV tư, ông Phạm Văn Tác –Vụ trưởng Vụ Tổ chức –Cán bộ (Bộ Y tế) cho biết, người đứng đầu các cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm về mọi vấn đề trong đơn vị. Để giữ được người tài, không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà là phải bằng cách quản lý, bằng sự lo lắng, quan tâm chân thành từ cái tâm của người lãnh đạo.
Và ông kể câu chuyện ở BV Sản Nhi Quảng Ninh: Có bác sĩ của BV đi học chuyên sâu ở TP. Hồ Chí Minh, học xong, được mời ở lại. Giám đốc BV biết chuyện đã để tùy cho bác sĩ quyết định. Ai cũng đinh ninh vị bác sĩ sẽ ở lại TP. Hồ Chí Minh. Nhưng thật bất ngờ, sau những đắn đo, cân nhắc, bác sĩ nọ đã trở lại BV chỉ vì không nỡ “dứt áo ra đi” trước sự quan tâm, lo lắng, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho cả anh lẫn gia đình suốt những năm qua của Giám đốc BV, mặc dù nếu công tác ở TP. Hồ Chí Minh, anh sẽ có nhiều quyền lợi cả về thu nhập lẫn điều kiện học hành cho con cái, gia đình.
“Muốn các bác sĩ yên tâm công tác, BV phải tạo được thu nhập tốt bằng việc phát triển các dịch vụ trong BV, đặc biệt là phải tạo ra môi trường làm việc thân thiện, bình đẳng, lãnh đạo biết lắng nghe và có định hướng phát triển tài năng, nâng cao tay nghề của các bác sĩ” - ông Phạm Văn Tác nhấn mạnh.