Tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân ở Việt Nam

Thứ Ba, 07/03/2017, 20:26
Ngày 7-3, GS. Shigeyaki Ozaki cùng GS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E đã kiểm tra lại sức khỏe cho bệnh nhân B.V.N (35 tuổi, Hòa Bình) – người Việt Nam đầu tiên được phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân. Các bác sĩ đã đánh giá kết quả để từ đó, tiếp tục triển khai kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim theo phương pháp Ozaki.


Theo GS.TS. Lê Ngọc Thành, đây là kỹ thuật lần đầu tiên có ở Việt Nam, được các bác sĩ Bệnh viện E thực hiện với sự hỗ trợ của GS. Ozaki - Trưởng khoa Phẫu thuật tim – Bệnh viện Đại học Toho (Nhật Bản), một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về phẫu thuật tái tạo van động mạch chủ.

Khoảng 4 năm trước, GS. Ozaki cùng các bác sĩ của Bệnh viện E đã thực hiện kỹ thuật tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân cho bệnh nhân B.V.H bị hở van động mạch chủ, là tình trạng van không đóng kín, dẫn đến máu bị dồn ngược trở lại từ động mạch chủ về tim, lâu dài sẽ làm suy tim. Nguyên nhân phổ biến là do di chứng của thấp tim hay viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn; bệnh van động mạch chủ bẩm sinh vv…

Theo GS. Thành, trên thế giới phần lớn vẫn thay van tim nhân tạo bằng van sinh học và cơ học. Vật liệu van nhân tạo này có tuổi thọ từ 15 - 20 năm, trong trường hợp van bị hỏng, người bệnh cần được thay van mới. Nhưng với phương pháp Ozaki, các bác sĩ tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân của chính bệnh nhân nên khắc phục được hoàn toàn những bất lợi trên. Đây là kỹ thuật hiện đại, phù hợp để ứng dụng can thiệp cho những bệnh nhân bị hỏng van tim ở người lớn tuổi trong trường hợp khẩn nguy. 

GS. Shigeyaki Ozaki cùng GS.TS. Lê Ngọc Thành kiểm tra lại sức khỏe cho bệnh nhân tái tạo van động mạch chủ bằng màng tim tự thân

Trong 7 năm, GS. Ozaki đã mổ thành công trên 1.000 trường hợp, chủ yếu từ 60 - 80 tuổi, bằng kỹ thuật tiến tiến này nhưng chưa có bệnh nhân nào phải mổ lại. Ưu điểm tiếp theo là vấn đề huyết động học trong bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch được giải quyết triệt để. 

Luồng máu qua van động mạch chủ không bị cản trở, chênh áp qua van thấp (dưới 10), không hở van tim sau mổ. Bệnh nhân không dùng thuốc chống đông sau mổ, hạn chế được những biến chứng khi dùng thuốc chống đông. Do các bác sĩ dùng chính màng tim tự thân của bệnh nhân thay van động mạch chủ sẽ hạn chế được nguy cơ nhiễm trùng cho bệnh nhân.

Đặc biệt, khi áp dụng phương pháp này, chi phí điều trị cho bệnh nhân giảm đáng kể. Chi phí thay van nhân tạo khoảng 40 triệu đồng, nhưng áp dụng phương pháp này, bệnh nhân không mất chi phí mua van tim nhân tạo. Điều này rất quan trọng khi BHYT chưa chi trả.

Thanh Hằng
.
.
.