Không thể để bệnh nhân chờ khám cả buổi

Thứ Hai, 21/05/2018, 16:37
Đó là quyết tâm của Bộ trưởng Bộ Y tế tại hội nghị bàn các giải pháp nhằm giảm thời gian chờ khám bệnh cho người dân.

Những cải tiến mạnh mẽ của ngành y tế để rút ngắn thời gian chờ đợi khám bệnh đã được tổ chức Sáng kiến Việt Nam khảo sát độc lập và ghi nhận khi đã giảm 53,5 phút so với mục tiêu. 

Tuy nhiên, thời gian chờ đợi khám bệnh của người dân ở các bệnh viện (BV) tuyến huyện, tuyến tỉnh đã giảm đi nhiều, thì ở các BV tuyến trung ương thời gian vẫn còn rất lâu. Điều này được chính Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định.

Kết quả điều tra của Bộ Y tế vào cuối 2017 cho thấy, gần 80% ý kiến hài lòng về chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và còn hơn 20% chưa hài lòng, chủ yếu do thời gian chờ đợi KCB lâu và nhà vệ sinh bẩn.

Nhiều Bệnh viện cải tiến quy trình KCB nên người bệnh không phải chờ lâu.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý KCB cho biết thời gian khám bệnh chung của cả 3 tuyến trung bình 66,5 phút nhưng thời gian chờ vẫn là 45,4 phút. Khám lâm sàng có làm thêm 1 kỹ thuật xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng là 125,6 phút thì thời gian chờ là 71,4 phút.  Khám lâm sàng có làm theo hai kỹ thuật phối hợp cả xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh là 200 phút, thời gian chờ là 92,6 phút.

Từng nhiều lần trực tiếp đến các BV, trao đổi với các bệnh nhân, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: Bệnh nhân phải xếp hàng  chờ đợi khám, lấy thuốc, trả tiền rất lâu. Xếp hàng lấy số từ 5-6h nhưng phải 8-9h mới được khám. Có trường hợp sau khi khám còn làm xét nghiệm, chờ kết quả xét nghiệm, quay về bác sỹ để chỉ định kê đơn, ra lấy thuốc thanh toán cũng phải kéo dài đến chiều. 

Bệnh nhân đi khám buổi sáng đều nhịn ăn, phải đợi kết quả xét nghiệm máu, chờ siêu âm tiếp đến 11-12h cũng đói lả, mệt mỏi. Có bệnh nhân phải chống nạng vẫn phải chờ lấy thuốc.

Vì thế, người đứng đầu ngành y tế yêu cầu: Không thể để người bệnh chờ khám cả buổi, mà bằng mọi giải pháp quyết liệt để giảm thời gian chờ khám của bệnh nhân. 

Chúng ta cứ kêu ca khó khăn khi thực hiện cải tiến thời gian KCB, nhưng phải quyết tâm phải đặt quyền lợi của người bệnh lên trước để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng giờ khám, bàn khám, khám sớm và có thể tính đến giải pháp khám sau 5h chiều để những người đi làm có thể đến khám hoặc đưa người nhà đến khám.

Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc rút ngắn thời gian chờ khám bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chỉ đạo: Giải pháp đơn giản nhất là hẹn thời gian khám bệnh. Ở nước ngoài đều đặt lịch hẹn khám, có thể chờ vài tuần nhưng khi họ đến khám chỉ chờ từ 5-10 phút. Tuy nhiên khi đã đặt hẹn thì phải bố trí người khám cẩn thận, chu đáo, sau 1 lần sẽ thành thói quen, người bệnh đỡ phải chờ đợi. 

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng y tế cơ sở để đưa người bệnh mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường… về khám định kỳ, nhận thuốc tại trạm y tế, không cần phải lên tuyến Trung ương, để tránh tình trạng quá tải, khiến người bệnh phải chờ lâu.

Hiện nhiều BV có tới 80% người bệnh tới khám vào buổi sáng, trong khi buổi chiều lại vắng. Vì thế, những bệnh nhân chỉ đến tái khám, không phải làm xét nghiệm thì nên chuyển sang buổi chiều.

Một giải pháp nữa được Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra là khống chế số lượt khám là dưới 50 người/bàn khám để giảm thời gian chờ đợi. Tiếp đó là ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết tình trạng chờ đợi của người bệnh. Kinh nghiệm thực tế của ngành y tế Singapore cho thấy muốn giảm thời gian chờ khám bệnh, phải đầu tư vào công nghệ thông tin. 

Bệnh nhân được đặt lịch hẹn online, giới hạn số lượt khám bệnh từng ngày, thống kê sự tăng giảm số bệnh nhân theo từng ngày để bố trí đội ngũ bác sĩ và đầu tư trang bị vật chất vào những khu vực có nhu cầu. 

Ngoài ra nên triển khai hệ thống thông báo tin nhắn SMS khi gần đến lượt của người bệnh. Giảm tối đa dùng giấy, tất cả thông tin đều được liên kết bằng hệ thống máy tính. Bệnh nhân khi khám sẽ được cấp mã số thông suốt trong suốt quá trình KCB ở BV.

Ông Lương Ngọc Khuê cũng cho biết quy trình khám bệnh cơ bản ở các BV đã giảm 10 – 15 bước so với trước, đồng thời cắt giảm một số thủ tục hành chính như BV phải photo giấy tờ cần thiết thay vì yêu cầu người bệnh làm; người bệnh không phải chờ tự lấy kết quả xét nghiệm (trừ kết quả chẩn đoán hình ảnh); giảm 2/5 chữ ký trong phiếu thanh toán viện phí khi ra viện.

Cục Quản lý KCB cũng đưa ra các giải pháp để cải tiến hơn nữa thời gian chờ khám của người bệnh. Đó là tiếptục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những tồn tại đối với quy trình nhận diện thẻ BHYT; tăng cường dịch vụ đặt lịch khám bệnh qua điện thoại; hỗ trợ xây dựng phần mềm quản lý BV (cho một số BV khó khăn); xây dựng phần mềm quản lý BV kết nối quản lý khám bệnh và các máy xét nghiệm; chuyển hình ảnh trên hệ thống phần mềm về cho khu khám bệnh.

Thanh Hằng
.
.
.