Bao giờ mới chấm dứt cảnh hàng trăm bệnh nhân đứng xếp hàng chờ khám mỗi ngày?

Chủ Nhật, 25/09/2016, 17:58
Thật ngạc nhiên khi hiện nay, một số BV tuyến Trung ương trên địa bàn Hà Nội luôn có rất đông bệnh nhân nhưng vẫn diễn ra cảnh xếp hàng rồng rắn hàng mấy trăm người chầu chực chờ đến lượt khám bệnh. BV phải cắt cử mấy nhân viên “canh chừng” hàng người để nhắc nhở không xô đẩy, không chen ngang. Cảnh xếp hàng này không chỉ nhộn nhạo, mà còn rất vất vả cho người dân khi phải đứng hàng tiếng đồng hồ mới được khám.

Hiện nay, nhiều cơ quan hành chính ở Hà Nội, hay một số bệnh viện (BV) như Da liễu Hà Nội, BV nhi Trung ương, BV Thanh Nhàn và hầu hết các BV ở TP Hồ Chí Minh  … đều đã thay thế việc xếp hàng khám bệnh bằng việc lấy số thứ tự. Nhưng, nhiều BV lớn lại vẫn chưa áp dụng.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc 61 tuổi, ở Hồng Bàng, TP Hải Phòng, mệt mỏi cho biết, bà phải dậy từ từ sáng sớm để theo xe lên Hà Nội xếp hàng từ 5h sáng. Đã ốm đau lại phải đứng suốt mấy tiếng liền, chân mỏi rã rời nhưng không dám rời hàng vì sẽ bị mất chỗ. Tình trạng này là hệ quả của việc nhiều BV chưa thực sự quan tâm đến người bệnh.

Cải tiến phương pháp sẽ giúp hàng trăm người không phải đứng xếp hàng 

Không phủ nhận là những năm gần đây, ngành y tế đã có nhiều bước tiến đột phá cả về cải cách hành chính lẫn khoa học kỹ thuật. Sự thay đổi dễ nhìn thấy nhất là hiện nay, khu vực chờ ở phòng khám, phòng chờ thanh toán của các BV đã có ghế ngồi, quạt mát cho người dân đến BV. 

Khu vực chờ của nhiều BV còn rất khang trang, thậm chí, khu vực chờ thanh toán của bệnh nhân ở BV Xanh Pôn còn có cả điều hòa. Việc thiết lập đường dây nóng đã tạo nên bước thay đổi mạnh mẽ về tinh thần, thái độ phục vụ khi nhân viên y tế hiểu rằng, mọi việc làm, cách cư xử với bệnh nhân đã được chính bệnh nhân giám sát và có thể phản hồi đến cấp cao hơn. 

Những năm qua, việc giảm tải BV là bước phát triển đáng ghi nhận. Cơ chế xã hội hóa y tế đã góp phần tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh, để các cơ sở y tế công lập phải thay đổi theo hướng phục vụ nhân dân, thay vì tư duy ban ơn như trước.

Tuy nhiên, dù đã cải tiến thì việc quá tải BV vẫn chưa hết, do giá cả giữa BV công và tư nhân chênh nhau rất nhiều, hơn nữa, cơ sở vật chất chưa phải một chốc một nhát có thể thay đổi. Bên cạnh đó, bảo hiểm y tế (BHYT) cũng chưa phổ rộng ở các BV tư. 

Chủ trương xây dựng hệ thống BV vệ tinh, chỉ đạo tuyến nhằm nâng cao trình khám, chữa bệnh của độ tuyến dưới, nhưng thực tế thì trình độ nhân viên y tế tuyến dưới vẫn còn chưa đáp ứng nên người dân thiếu tin tưởng, dẫn đến bệnh nhẹ cũng dồn về tuyến trên, khiến cho các BV tuyến Trung ương trở nên quá tải.

Chúng tôi hoàn toàn thông cảm với việc quá tải ở nhiều BV, vì không phải ngày một ngày hai khắc phục được do cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế còn hạn chế. Nhưng riêng việc xếp hàng chờ khám thì vẫn có thể cải tiến bằng việc lấy số thứ tự qua máy tự động rồi người bệnh ngồi vào ghế chờ đợi.

Như thế vừa văn minh, trật tự, lại đảm bảo được sự minh bạch, khi người bệnh có thể giám sát được việc thực hiện theo thứ tự và nhân viên y tế không thể cho người nhà, người quen chen ngang. Đặc biệt, với việc lấy số thứ tự người dân không phải mệt mỏi đứng xếp hàng vài tiếng đồng hồ chờ đợi vốn khiến tâm lý thêm căng thẳng nữa. 

Và BV cũng không phải mất thêm vài nhân viên đứng giám sát, nhắc nhở việc không chen ngang, chen lấn.

Người viết bài này từng trao đổi với một vị có trách nhiệm ở một BV tuyến Trung ương về việc bất hợp lý khi để người bệnh cứ phải rồng rắn đứng xếp hàng thì được ông giải thích rằng, nếu cho lấy số thứ tự thì sợ “cò” sẽ lấy cả tập rồi bán cho người bệnh, càng lộn xộn, như đã từng. Có vị lãnh đạo BV lại than rằng, không có tiền để đầu tư cho máy lấy số tự động.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, vấn đề chính người đứng đầu các BV có quyết tâm cải tiến vì người bệnh hay không mà thôi. Để khắc phục việc “cò” lấy nhiều số bán lại cho người bệnh, chỉ cần cho một nhân viên trực xé vé số dưới sự giám sát của camera để tránh sự thông đồng. 

Người trực thường sẽ “thuộc” mặt các “cò” BV nên sẽ không bấm số đưa cho cò. Như thế, đầu tư không lớn mà lại đỡ khổ cho hàng nghìn người.

Có ý kiến tư vấn đăng ký khám bệnh onlile (hoặc phát số thứ tự tại chỗ) có đầy đủ thông tin bệnh nhân, giấy chứng minh, thì “cò” không thể lộng hành được. BV cũng có thể bố trí cho người bệnh đăng ký qua internet, và nhận số thứ tự bằng tin nhắn.  

Dòng người xếp hàng khám bệnh 

Một số ý kiến đề xuất giải pháp “Bệnh án điện tử"-tức là với mỗi bệnh nhân đều có bệnh án riêng, cơ sở dữ liệu riêng, rất tiện lợi để khi cần như chuyển viện, tái khám thì chỉ cần gõ từ khóa là ra hết thông tin, rút ngắn được thời gian hỏi người bệnh.

Một bạn đọc tên là Nga Duong đã gửi cho PV Báo CAND ý kiến: Nên làm ra thiết bị quét số thẻ BHYT và lưu theo số thứ tự mà chỉ có máy biết, đến hết giờ khám, máy tự xóa bản lưu xếp hàng, chứ không để cho y tá hay bất kỳ ai được xóa khi còn thời gian khám bệnh. 

Khi mất điện cũng nên có khả năng lưu 30 phút chờ điện máy phát. Y tá bấm nút start (bắt đầu) và next (tiếp theo), lần lượt theo số thứ tự đã lưu sẽ hiện ra số thẻ BHYT tương ứng/tên bệnh nhân trên màn hình tại phòng chờ. Số thẻ sẽ hiện lên trong khoảng thời gian nhất định đủ để người có thẻ kịp bước đến trình y tá, nếu quá thời gian đó mà không có người đến, y tá sẽ bấm nút next. 

Như vậy không phải xếp hàng và có thể tránh được “cò”, dù có thể khó tránh được việc người nhà nhân viên y tế chen hàng vì bị y tá giữ chậm không bấm nút next.

Thanh Hằng
.
.
.