Không ở đâu mua kháng sinh dễ như ở Việt Nam

Thứ Sáu, 18/11/2016, 17:07

Bác sĩ lạm dụng kháng sinh trong kê toa, người dân dùng thuốc điều trị vô tội vạ khiến Việt Nam đang trở thành nước nằm trong top đầu Thế giới về kháng thuốc. Đó là nhận định chung về tình hình sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh của người dân Việt Nam tại buổi hội thảo về mối nguy hiểm của kháng thuốc diễn ra vào ngày 17-11, tại TP Hồ Chí Minh.

BS Phạm Văn Hoàng, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, tình trạng khá phổ biến hiện nay là người dân tự chẩn đoán, tự điều trị bệnh, đồng thời thống kê cho thấy, 78% kháng sinh được mua tại các nhà thuốc tư nhân mà không cần đơn, trong đó có số lượng lớn các bà mẹ tự mua thuốc, tự chọn thuốc hoặc mua lại toa thuốc cũ cho con. Người dân có thể mua các loại kháng sinh dễ như mua rau ngoài chợ.

Bên cạnh đó, chính các nhân viên y tế cũng thường xuyên kê toa có kháng sinh cho các bệnh thông thường như sốt, ho, tiêu chảy, ít cập nhật, ít hiểu biết về kháng thuốc.

Kháng thuốc là nguyên nhân gây gánh nặng cho sức khoẻ cộng đồng vì chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, và hiệu quả thấp( ảnh minh hoạ).

Theo TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tại các bệnh viện, 50% kháng sinh được kê toa là không hợp lý, trong đó có cả chọn sai kháng sinh, dùng kháng sinh đã bị đề kháng, điều trị quá mức hoặc điều trị không đủ kháng sinh.

Trong điều trị nhiễm khuẩn nặng, TS.BS Đỗ Quốc Huy, Bệnh viện Nhân dân 115 cũng cho biết, nhiễm khuẩn nặng có tỷ lệ tử vong cao vì thường do các mầm bệnh đã kháng kháng sinh trong khi công tác điều trị còn gặp khá nhiều sai lầm như không thực hiện phân tầng người bệnh để chọn kháng sinh phù hợp; bắt đầu điều trị kháng sinh trễ, không lấy bệnh phẩm làm kháng sinh đồ trước khi dùng kháng sinh, không căn cứ vào các thông tin có sẵn về người bệnh, mầm bệnh… Cùng với đó, cơ sở y tế không thực hiện chiến lược xuống thang mà lại đi theo quy trình ngược: dùng từ kháng sinh rẻ tiền, phổ hẹp rồi mới thay đổi sang loại mạnh hơn trong khi phải dùng ngay kháng sinh phổ rộng có khả năng bao trùm mầm bệnh dự đoán theo kinh nghiệm (trước khi có kết quả kháng sinh đồ) để giảm tỉ lệ tử vong, ngừa suy cơ quan và giảm thời gian nằm viện; sau đó sẽ xuống thang kháng sinh, chọn kháng sinh phù hợp với kháng sinh đồ, phổ hẹp hơn nhằm giảm kháng thuốc và bớt chi phí.

Do đó, theo BS Đỗ Quốc Huy, tình trạng kháng thuốc không chỉ là mối lo ngại của các bác sĩ lâm sàng trong điều trị mà còn là thảm họa chung đối với sức khỏe cộng đồng. Và nguy cơ đáng sợ nhất là: không còn thuốc để điều trị.

Theo phân tích của ThS.DS Cao Huy Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kháng thuốc là hệ quả tất yếu của quá trình sử dụng thuốc trong điều trị và đặc biệt gia tăng khi việc lạm dụng thuốc kháng sinh ngày càng phổ biến hơn. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Ở Việt Nam, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng các vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Mức độ và tốc độ kháng thuốc ngày càng gia tăng ở mức báo động. Gánh nặng do kháng thuốc khiến chi phí điều trị tăng lên, ngày điều trị kéo dài, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh và sự phát triển chung của xã hội. Nếu không có giải pháp can thiệp kịp thời, trong tương lai, nhân loại có thể phải đối mặt với khả năng không có thuốc để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm.

Được biết, theo thống kê của Bộ Y tế, có tới 76% bác sĩ kê toa kháng sinh không phù hợp. Đây là nguyên nhân khiến 33% người bệnh bị kháng thuốc. Trong khi các quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 thì Việt Nam đã sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4, chi phí kháng sinh trong điều trị chiếm tới 17% trên tổng chi cho phí dịch vụ khám chữa bệnh của người dân. 

Huyền Nga
.
.
.