Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại - phương pháp đổi mới trong điều trị bệnh

Thứ Tư, 27/02/2019, 09:48
Nhắc tới Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an), người ta chỉ nghĩ đây là cơ sở khám chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền. 

Nhưng nhiều năm qua, bệnh viện có nhiều đổi mới trong điều trị bệnh bằng việc giao cho 20 khoa, phòng điều trị y học cổ truyền kết hợp y học hiện đại (đông tây y kết hợp). Đây là hướng đi mới mang lại thành công cho bệnh viện, là địa chỉ tin cậy của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong công tác khám, điều trị bệnh.

Chúng tôi tới Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an vào một ngày cuối tuần, bệnh nhân ngoài cán bộ chiến sĩ Công an còn rất đông là người dân sống quanh khu vực. 

Các phòng khám đều chật kín, các bác sĩ làm việc liên tục. Bác Nguyễn Thị Hợi (65 tuổi, ở phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Tôi bị tiểu đường biến chứng nhiều năm, đã điều trị ở nhiều nơi. Nhưng gần đây, tôi đến bệnh viện này điều trị thấy sức khỏe tốt hơn hẳn. Ngoài thuốc tây y, ở đây còn điều trị thêm cho tôi bài thuốc đông y nâng cao sức khỏe. Ở đây còn có phòng khám chuyên khoa về dinh dưỡng, vừa khám, vừa tư vấn cho bệnh nhân tiểu đường như tôi rất hiệu quả”.

Người bệnh hài lòng trước thái độ thân thiện của bác sĩ ở Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận từ 600-800 bệnh nhân tới khám (trong đó tỷ lệ Công an chiếm 30%), vào thời gian cao điểm có thể tăng lên 800-1.000 bệnh nhân. Bệnh viện luôn hướng tới phục vụ tốt nhất cho người bệnh, luôn nêu cao y đức trong khám chữa bệnh, nên người bệnh tới đây đa số đều hài lòng. 

Đặc biệt, bệnh viện còn mở các lớp chuyên đề về giao tiếp ứng xử. Hai năm qua đã triển khai được bộ phận chăm sóc, tư vấn khách hàng. Tại Khoa Khám bệnh chúng tôi gặp 2 tổ chăm sóc khách hàng đang giúp đỡ cho bệnh nhân có nhu cầu; chỉ dẫn, dẫn dắt người cao tuổi…

Tới Khoa Ngoại, chúng tôi gặp bệnh nhân Phạm Thế Đồng (58 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) đang điều trị sỏi thận. Bệnh nhân cho biết, năm 2018 đã mổ sỏi thận niệu quản nhưng gần đây lại tái phát gây đau. Biết Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an có máy tán sỏi ngoài cơ thể nên anh Đồng đã tới đây điều trị. 

“Bác sĩ cho tôi dùng thuốc đông y được 3 ngày thì 4 viên sỏi trong niệu quản phải của tôi đã trôi ra rồi” - bệnh nhân vui mừng cho biết. 

Theo Trung úy Nguyễn Duy Hoàn, phụ trách máy tán sỏi ngoài cơ thể (Khoa Ngoại, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an), Khoa tiếp nhận những bệnh nhân sỏi tiết niệu vào điều trị, trong đó có những bệnh nhân đã mổ sỏi thận, tiết niệu ở nơi khác, sau đó tái phát. 

Những trường hợp này sau khi chẩn đoán sẽ được điều trị bằng phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể kết hợp với bài thuốc y học cổ truyền. Nhiều bệnh nhân đã chữa được dứt điểm, không tái phát. Trung úy Nguyễn Duy Hoàn cho tôi xem những túi sỏi mà bệnh nhân đi ra và cho biết, phương pháp này sẽ tống sạch sỏi vụn, ngăn ngừa tái phát.

BSCKII, Đại tá Trần Ích Quân, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết, Bệnh viện tập trung xây dựng mũi nhọn trong công tác chuyên môn, đó là giao cho 20 khoa, phòng điều trị đông tây y kết hợp. Một khoa phải xây dựng được từ 1-2 mũi nhọn mang tính đặc thù của từng khoa. Trong đó phải chú trọng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. 

Để làm được điều này, Bệnh viện đã xây dựng cơ sở vật chất  khang trang, mở rộng quy mô, đầu tư nhiều trang thiết bị y tế, máy móc hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. 

Năm 2019, Bệnh viện triển khai và hoàn thiện đưa vào phục vụ khu nhà điều trị 15 tầng. Bằng phương pháp điều trị y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại, bệnh nhân đến viện ngày một đông, 400 giường bệnh luôn kín. 

Theo Đại tá Trần Ích Quân, những ca bệnh nặng, khó, vượt quá khả năng chuyên môn sẽ được mời các giáo sư đầu ngành tại các bệnh viện lớn về hội chẩn hoặc sẽ được chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa sâu để đảm bảo quyền lợi và kết quả điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Ngoài khám, chữa bệnh cho nhân dân, nhiệm vụ trọng tâm của Bệnh viện là chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ, tạo mọi điều kiện tốt nhất về bảo hiểm y tế cho người bệnh được hưởng. Bệnh viện xây dựng một khu chuyên điều trị cho cán bộ, chiến sĩ CAND, có hộ lý chăm sóc, có buồng ăn riêng cho bệnh nhân và phục vụ tại giường. 

Với những đổi mới trong công tác khám chữa bệnh, không ngừng nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đội ngũ bác sĩ được đào tạo chuyên sâu và học tập, nghiên cứu sinh ở nước ngoài, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bộ Công an xứng đáng là một trong những cơ sở điều trị đầu ngành của lực lượng CAND.

Vinh danh thầy thuốc có nhiều đóng góp trong sự nghiệp Vì sức khỏe nhân dân

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2-1955 - 27-2-2019), ngày 26-2, nhiều tập thể, cá nhân là các thầy thuốc có nhiều đóng góp trong sự nghiệp Vì sức khỏe nhân dân của Bệnh viện Chợ Rẫy đã được vinh danh, gồm: Khoa Ngoại tiết niệu, Khoa Tim mạch can thiệp, Khoa Thận nhân tạo, Khoa Cấp cứu được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì. 

Ngoài ra, 7 tập thể và 4 cá nhân khác có nhiều đóng góp trong sự nghiệp Vì sức khỏe nhân dân đã vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc cũng được tặng thưởng Bằng khen, Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân trong dịp này.

Phát biểu tại buổi lễ vinh danh, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, những cá nhân, tập thể được vinh danh hôm nay đã đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển của Bệnh viện Chợ Rẫy. Sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các y, bác sỹ cũng đã giúp cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Tại lễ vinh danh, lãnh đạo nhiều tập thể, khoa phòng cũng đã lên ký cam kết thi đua trong năm 2019 với sự quyết tâm cao trong toàn bệnh viện trong việc tự kiểm tra, đánh giá theo từng hạng mục, kế hoạch đặt ra của từng đơn vị mình; đoàn kết một lòng, quyết tâm lập thành tích xuất sắc xây dựng Bệnh viện Chợ Rẫy với tiêu chí: "Chất lượng-văn minh-hiện đại-nghĩa tình".

Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh – ông Trần Vĩnh Tuyến dẫn đầu đoàn công tác đã đến thăm Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Thị Ngọc Anh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1; thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn đóng góp của bác sỹ, Nhà giáo Nhân dân, Nhà báo Trần Hữu Nghiệp, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Y tế Trung ương.

H.Nga

Trần Hằng
.
.
.