Hút thuốc lá - chi tiền để mua bệnh

Thứ Năm, 04/07/2019, 09:58
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thuốc lá là sản phẩm tiêu dùng hợp pháp duy nhất gây tử vong cho một nửa số người sử dụng nó cùng hàng trăm nghìn người không hút thuốc lá khác. 

So với các nguy cơ khác, nguy cơ tử vong sớm do hút thuốc lá là rất cao. Đồng thời, thuốc lá còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế.

Gánh nặng bệnh tật do thuốc lá

Một nghiên cứu của WHO cho thấy, một nửa những người thường xuyên hút thuốc bị chết sớm do sử dụng thuốc lá và một nửa trong số này chết ở độ tuổi trung niên, mất khoảng từ 15 năm – 20 năm của cuộc sống. Sử dụng thuốc lá là nguyên nhân của hơn 25 căn bệnh. Mỗi năm thế giới có khoảng 6 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá và 600.000 người chết do phơi nhiễm với khói thuốc lá thụ động.

Cũng theo dự báo của tổ chức này, nếu không thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá thì đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên thành 8 triệu người/năm, trong đó 70% các ca tử vong là ở các nước phát triển.

Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) đang nỗ lực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của thuốc lá.

Theo điều tra của Bệnh viện K Trung ương từ năm 2000, tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá lên tới 96,8%. Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy, bệnh tật và tử vong sớm do hút thuốc lá lên tới 12% tổng gánh nặng bệnh tật. Gánh nặng bệnh tật các bệnh không truyền nhiễm mà nguyên nhân chính là thuốc lá đang gia tăng nhanh chóng.

Theo WHO, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích ở Việt Nam, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Bệnh tật và tử vong sớm do sử dụng thuốc lá cũng gây ra các gánh nặng kinh tế không chỉ cho bản thân người bệnh mà còn cho cả gia đình họ và toàn xã hội. Năm 2015 người Việt Nam đã bỏ ra 31.000 tỷ đồng để mua thuốc lá. Số tiền mua thuốc lá trung bình hàng năm của một người hút thuốc là 2,7 triệu đồng.

Thiệt hại kinh tế

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia. Tuy nhiên, đóng góp đó không thể so sánh được so với hậu quả của việc sử dụng thuốc lá mang lại. 

Có thể ví dụ trong phạm vi hẹp, ở một gia đình, một người hút thuốc lá, nhiều người sẽ bị ảnh hưởng bởi buộc phải hít khói thuốc lá, hay còn gọi là hút thuốc thụ động. Một người mắc bệnh do thuốc lá sẽ kéo theo hàng loạt chi phí phát sinh, từ chi phí điều trị bệnh, bố trí người chăm sóc, mất khả năng lao động… Đó là chưa kể đến nguy cơ tử vong sớm do các bệnh nặng như ung thư phổi, ung thư vòm họng, tim mạch…

Chị Nguyễn Thị Hoà ở quận Thanh Xuân, Hà Nội than thở: “Chồng tôi ngày nào cũng hút hết hơn 1 bao thuốc lá, loại khoảng 50.000 đồng/bao. Vậy là mỗi tháng cũng tốn trung bình 1,5 triệu đồng cho thuốc lá. Số tiền đó có thể để dành cho nhiều khoản chi khác. 

Trong khi đó, bản thân tôi và các con cũng bị ảnh hưởng lây vì hít phải khói thuốc. Tôi đang cố gắng vận động chồng bỏ thuốc, tăng cường tập thể thao để tránh mắc bệnh do thuốc lá, lại vừa đỡ được một khoản tiền không nhỏ”.

Tâm sự của chị Hoà cũng là nỗi niềm của nhiều phụ nữ có chồng nghiện thuốc lá. Họ không chỉ lo sợ bệnh tật mà còn xót xa cho thiệt hại về kinh tế.

Theo con số thống kê, năm 2013 tổng chi phí điều trị và chi phí do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm là hơn 23 nghìn tỷ đồng. Đây là con số chỉ thống kê riêng cho 5 nhóm bệnh trong số 25 bệnh do thuốc lá gây ra: ung thư phổi, ung thư đường tiêu hoá – hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. 

Trong khi đó, số tiền do ngành công nghiệp thuốc lá đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2013 là khoảng 18 nghìn tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với chi phí tổn thất do thuốc lá gây ra.

Ngọc Lan
.
.
.