Hơn 1 nghìn trẻ đi xét nghiệm sán: Nhiều khả năng nhiễm chéo ký sinh trùng khác

Thứ Bảy, 16/03/2019, 17:49
Ngày 15-3, có một số mẫu xét nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương dương tính chéo với các loại ký sinh trùng khác, không đơn thuần chỉ là sán lợn.

Trong 2 ngày (15 và 16-3), hơn 1 nghìn trẻ em ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) lên Hà Nội xét nghiệm sán tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương do nghi nhiễm sán, hiện tại có 57 trường hợp dương tính với sán dây lợn.

Sáng 16-3, Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đều quá tải do lượng trẻ nhỏ từ 1 - 10 tuổi ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tiếp tục tới làm xét nghiệm sán. Đến cuối giờ trưa, có khoảng 500 trẻ đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và hơn 200 trẻ đến Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương làm xét nghiệm.

BS Vũ Minh Điền, Phụ trách Phòng Quản lý chất lượng và Công nghệ thông tin (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cho biết, tuy là ngày nghỉ, bệnh nhân tăng đột biến nhưng lãnh đạo bệnh viện đã huy động thêm cán bộ y tế, thêm bàn khám và phương tiện để cho các cháu không phải chờ đợi.

Phụ huynh đưa con em đến khám và xét nghiệm sán tại Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương

Sự việc bắt đầu từ việc một số phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) tố nhà trường sử dụng thịt lợn nghi nhiễm sán vào thực đơn bán trú cho trẻ. 

Ngày 12-3, có 3 học sinh của trường mầm non được gia đình đưa đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm và kết quả cả 3 cháu đều dương tính với sán dây lợn. 

Sự việc đã gây xôn xao khi các phụ huynh đưa thông tin lên mạng xã hội. Ngày 16-3,  phụ huynh ở các xã lân cận đã đưa hơn 700 trẻ lên Hà Nội xét nghiệm do lo ngại công ty cung cấp thực phẩm cho Trường mầm non Thanh Khương cũng là công ty cung cấp thực phẩm cho trường học của con em họ.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, việc phụ huynh nghi ngờ con em nhiễm sán đi xét nghiệm là việc tốt, nếu cháu nào mắc bệnh sẽ điều trị kịp thời, cháu nào không mắc thì có thể yên tâm. Phụ huynh tuyệt đối không hoang mang vì đây là bệnh không cấp tính, không nguy hiểm tới tính mạng và là bệnh chữa khỏi, học sinh không cần phải nằm viện nên các cháu về nhà uống thuốc và đi học bình thường.

Tuy nhiên, trong một xã  lại có nhiều trẻ em mắc sán dây lợn là bất thường, cần phải điều tra dịch tễ học xác định nguồn lây nhiễm để diệt trừ và phòng ngừa. Việc này sẽ do Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng có chức năng thực hiện.  

Cuối giờ chiều 16-3, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, do ngày 15-3 chạy mẫu xét nghiệm thấy có nhiều trường hợp dương tính chéo với các loại ký sinh trùng khác, nên 500 mẫu hôm nay phải chạy nhiều xét nghiệm hơn nên chưa có kết quả. Vậy, trẻ nhỏ và học sinh ở Bắc Ninh không chỉ nhiễm đơn thuần sán lợn nữa.

Lấy máu để xét nghiệm sán

Viện Sốt rét, Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương thường xuyên điều trị cho người mắc sán lợn. Do tập quán, thói quen ăn thịt tái, sống, đặc biệt là ăn tiết canh, nem chạo, ấu trùng sán dây lợn ký sinh lên não đóng kén thành tổ to gần nửa chiếc chén. Người bệnh lên cơn động kinh, co giật, lác mắt, nói ngọng. Có bệnh nhân điều trị động kinh ở Bệnh viện Bạch Mai mãi không thuyên giảm, sau khi vào đây phát hiện tổ sán đóng kén trong não.

Không chỉ riêng thịt lợn chưa được nấu chín, ăn thịt bò tái phải con bò nhiễm sán, người sử dụng dễ dàng mắc sán lá gan. 

Nguyên nhân người mắc sán dây lợn, theo GS Nguyễn Văn Kính, ký sinh trùng sán dây lợn có trong đất, nước, trong thịt lợn chưa nấu chín, trong rau sống, nếu ăn phải người dễ mắc bệnh. 

Còn theo GS Nguyễn Văn Đề, nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng (ĐH Y Hà Nội), Việt Nam có thời điểm có tới 50 tỉnh mắc sán dây lợn, trong đó nam giới chiếm 70 %, có bệnh nhân mang tới 300 nang sán dưới da, đa số bệnh nhân mang nang sán dưới cơ kèm theo nang sán trong não. Tỷ lệ này là do việc chăn nuôi, canh tác ở nước ta còn nhiều hạn chế. 

Số bệnh nhân ăn phải sán gạo lợn gây sán không nguy hiểm bằng bệnh nhân ăn phải nang sán lợn gạo như ăn rau sống, rau thủy sinh chứa nang sán do lợn thải ra thì phát triển sán nhanh hơn. Ví dụ người nhiễm sán đi đại tiện, đốt sán rụng theo phân và giải phóng ra môi trường, côn trùng tha phân đi và nếu ăn phải rau sống chưa nấu chín thì bệnh nhân sẽ ăn phải sán gây sán dây lợn chứ không riêng gì ăn lợn gạo mới gây sán.

Phụ huynh không nên hoang mang, bệnh sán dây lợn hoàn toàn chữa khỏi bằng uống thuốc

Để phòng ấu trùng sán lợn nói riêng và các loại sán nói chung, bác sĩ khuyên không ăn thịt sống, thịt tái và các loại rau thủy sinh, rau sống. Khi đi đại tiện phải rửa tay sạch sẽ và phải quản lý phân thật tốt để không truyền bệnh ra môi trường.

Trước sự việc nóng ảnh hưởng sâu đến dư luận, gây tâm lý hoang mang trong phụ huynh, học sinh ở Bắc Ninh, chiều 15-3 Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh – ông Nguyễn Tử Quỳnh đã yêu cầu Sở Y tế căn cứ vào các xét nghiệm, báo cáo chính thức đến các cơ quan chức năng liên quan; hướng dẫn, tuyên truyền cho nhân dân về việc phòng chống sán lợn. 

Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học.

Trần Hằng
.
.
.