Ăn tiết canh lợn bị nhiễm sán não: Đánh đu tính mạng với tử thần

Chủ Nhật, 05/01/2014, 10:53
Mặc dù tiết canh là món ăn đã bị cấm kinh doanh, nhưng càng gần Tết, những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn xuất hiện mặt hàng tiết canh lợn, vịt, ngan. Trong khi đó, ăn tiết canh lợn có thể bị nhiễm khuẩn liên cầu lợn. Đã có nhiều người trở thành nạn nhân do ăn tiết canh, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng của mình do ăn phải tiết canh nhiễm khuẩn. Gần đây, Viện sốt rét và Ký sinh trùng TW liên tiếp khám và điều trị cho những bệnh nhân bị sán não vì ăn phải tiết canh lợn có chứa vi khuẩn này.

Quán lòng lợn khá lớn và nổi tiếng nằm trên phố Trần Khát Chân, Hà Nội trưa nào cũng nườm nượp khách. Do không phải là mùa dịch “tiêu chảy cấp”, không có lực lượng y tế đi kiểm tra nên tiết canh ở đây được bán công khai, không còn lén lút như trước. Sau chén rượu chúc nhau, nhiều thực khách ăn tiết canh ngon lành vì đây là món khoái khẩu. Anh Trương Văn Thắng, một thực khách ở phường Phố Huế không giấu giếm cho biết: “Thỉnh thoảng tôi vẫn ăn nhưng có sao đâu”.

Dạo qua một số quán lòng lợn có tiếng ở Hà Nội, hầu hết chúng tôi đều thấy các nơi này kinh doanh tiết canh lợn. Có cầu ắt có cung, mặc dù các trường hợp ăn tiết canh bị nhiễm liên cầu lợn được thông tin, nhưng nhiều người vẫn không sợ. Không chỉ tiết canh lợn, mà tiết canh ngan, vịt, ngỗng cũng đắt hàng. “Tôi không dám ăn ở hàng, thỉnh thoảng gia đình tự làm cho đảm bảo”- anh Phạm Văn Thanh, ở phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Một số bệnh nhân điều trị tại Viện Sốt rét và Ký sinh trùng TW do bệnh sán não.

Cuối năm, không khí ăn Tất niên tưng bừng khắp nơi. Nhiều người không muốn ra quán nên đã rủ nhau mua chung một con lợn Mán hoặc mua ngan, vịt về liên hoan tại nhà. Và như một điều đương nhiên, món khoái khẩu không thể thiếu được trong bữa tiệc cuối năm chính là tiết canh. Nhiều người cố biện hộ cho việc thỏa mãn sở thích của mình bằng cái lý: “Ăn tiết canh ngoài hàng thì cũng sợ, nhưng tự tay mình làm thì không sợ bẩn. Con lợn khỏe mạnh, có mắc bệnh gì đâu” – anh Nguyễn Văn Hoan ở phường Bồ Đề, quận Long Biên giải thích.

Những người “vô tư” như anh Hoan, anh Thanh, anh Thắng và nhiều người khác nếu như đến Viện Sốt rét và Ký sinh trùng TW thì chắc sẽ choáng váng khi tiếp xúc với nạn nhân chịu hậu quả của tiết canh.

Không nhớ mình đã bao nhiêu lần ăn tiết canh và ăn từ khi nào, ông Bảo Ngọc Tân, ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đang điều trị bệnh sán não ở Viện Sốt rét và Ký sinh trùng TW thở dài cho biết: “Tôi điều trị 2 năm rồi mà vẫn chưa hết. Một nửa đầu vẫn đau lắm, lúc đau phía trước, lúc đau sau”. Kể về quãng thời gian tưởng mình bị “động kinh”, ông Tân không khỏi hãi hùng. “Tự dưng thấy đầu đau kinh khủng như có gì chọc xoáy vào đầu. Rồi tay tê cứng, không cầm được đũa, chân phải đập, vỗ mãi mới cử động được. Uống thuốc giảm đau thông thường không đỡ. Bác sĩ khám bảo tôi bị rối loạn thần kinh, mãi sau này chụp cắt lớp mới biết bị sán não”.

Còn anh Lương Văn Ân ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên thì lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi hỏi: “Ra viện, anh có ăn tiết canh nữa không?”. Anh Ân đã ở viện gần tháng nay sau khi bị co giật và ngất đi trọn một ngày. Vốn là người biết làm món lợn quay nên trong họ, trong làng cứ có đám nào làm cỗ là nhờ anh đến làm thịt lợn. Mỗi lần làm thịt lợn là một lần anh ăn tiết canh. Mà không chỉ tiết canh lợn, còn các loại tiết canh gia cầm như vịt, ngan anh đều ăn. Thế rồi bất ngờ vào ngày 5/12/2013, anh lên cơn co giật dữ dội và ngất lịm. Chuyển hết viện nọ, viện kia, cuối cùng anh vào Viện Sốt rét và Ký sinh trùng TW điều trị bệnh ấu trùng sán não.

Bác sỹ Nguyễn Nhật Lệ, Phó trưởng Khoa Khám bệnh, Viện Sốt rét và Ký sinh trùng TW cho biết, nếu ăn phải trứng của sán dây dính trong rau sống, tiết canh thì sẽ bị mắc bệnh ấu trùng sán lợn. Người bệnh có các biểu hiện đau đầu, động kinh, co giật, nặng hơn là liệt nửa người, giảm trí nhớ, rối loạn tâm thần… Bác sỹ Lệ đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng là không nên ăn rau sống, thịt tái, gỏi cá, đặc biệt là không ăn tiết canh để bảo vệ sức khỏe an toàn.

Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ ngày 2/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã kêu gọi người dân không ăn tiết canh để phòng ngừa nguy cơ nhiễm các bệnh từ lợn, gia cầm. Người dân cần nhận thức được hậu quả của nguy cơ mắc bệnh khi ăn tiết canh để loại bỏ thứ thực phẩm này ra khỏi đời sống. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, ngành y tế phải tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hàng ăn bán tiết canh cho khách, nhất là trong thời điểm cuối năm này

Hằng Hà
.
.
.