Nhiễm sán lá gan dễ nhầm ung thư gan

Thứ Tư, 07/10/2009, 14:42
Có bệnh nhân ở TP Vinh (Nghệ An) vừa sinh con được 1 tuần thì một bệnh viện chẩn đoán bị u gan với khối u to. Bệnh nhân tuyệt vọng đưa con về bà ngoại gửi để đi điều trị hoá chất. Sau khi được người quen mách, bệnh nhân đến Viện Sốt rét và Ký sinh trùng, côn trùng TW xét nghiệm thì phát hiện bị nhiễm sán lá gan chứ không ung thư. Chỉ với 2 viên thuốc đặc trị, bệnh nhân khỏi hoàn toàn.
>> Hôn mê vì ăn ốc ma sống

Một cách chữa rất đơn giản và không tốn kém khi bị bệnh sán lá gan lớn, nhưng đáng tiếc là nhiều bệnh nhân lại bị chẩn đoán nhầm sang ung thư gan giai đoạn cuối dẫn đến suýt thiệt mạng vì điều trị bệnh sai. Nhờ sự phối hợp giữa Bộ môn Ký sinh trùng, Trường ĐH Y Hà Nội mà tất cả bệnh nhân đến BV Việt Đức khám phát hiện khối u trong gan, qua sàng lọc đã phát hiện 11% bệnh nhân bị sán lá gan. Ô nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng trên thực phẩm đang là vấn đề đáng báo động khi tỷ lệ nhiễm bệnh lại tăng rất cao.

Thoát chết ngoạn mục nhờ bác sỹ chuyên khoa ký sinh trùng

Năm 2002, lần đầu tiên ở miền Bắc phát hiện ca nhiễm sán lá gan lớn. Bệnh nhân là một bệnh nhi, 11 tuổi, sau khi mổ cắt khối u trong gan, bệnh nhân bỗng "bắt" được một con vật lạ chui ra từ đầu gối. Quá hốt hoảng, người bố đã đưa con vật cắn thủng lớp da ở đầu gối con gái mình để chui ra đưa cho bác sỹ. Con vật lạ này cuối cùng cũng được chuyển đến PGS.TS Nguyễn Văn Đề, Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Trường ĐH Y Hà Nội. PGS Đề đã xác định, đây chính là con sán lá gan lớn. Nếu như phát hiện sớm nguyên nhân gây ra khối u ở gan của bệnh nhi, chắc chắn bệnh nhân không phải phẫu thuật oan.

Trường hợp điển hình nữa là chị Nguyễn Thị Y. ở Hà Tĩnh bị BV tuyến TW trả về do ung thư gan giai đoạn cuối. May mắn thay, một người trong xã đã khuyên gia đình đưa chị Y. ra Hà Nội, tìm gặp PGS Đề để chẩn đoán lại bệnh (trước đây người này đã từng bị bệnh như chị Y. và khỏi do tìm ra được nguyên nhân gây bệnh là sán lá gan). Nhìn thấy chị Y., PGS Đề tưởng chừng chị không còn sức sống, toàn thân ủ rũ, teo tóp.

Qua các xét nghiệm lâm sàng tại Viện Sốt rét và Ký sinh trùng, côn trùng TW (SR&KSTCT TW) chị Y. bị nhiễm sán lá gan giai đoạn cuối. Đây là giai đoạn nguy hiểm bởi khả năng vỡ gan và tử vong là hoàn toàn có thế. Sau một thời gian điều trị thuốc tích cực, chị Y. đã khỏi bệnh và giờ hoàn toàn khoẻ mạnh.

Nhắc đến những bệnh nhân bị chẩn đoán nhầm thành ung thư gan, PGS Đề cho biết, rất nhiều trường hợp tưởng chết đến nơi và không ai nghĩ mình bị nhiễm sán. Có bệnh nhân ở TP Vinh (Nghệ An) 22 tuổi, vừa sinh con được 1 tuần thì một bệnh viện chẩn đoán cô này bị u gan với khối u to. Bệnh nhân tuyệt vọng đưa con về bà ngoại gửi để đi điều trị hoá chất. Sau khi được người quen mách, bệnh nhân đến Viện SR&KSTCT TW xét nghiệm thì phát hiện bị nhiễm sán lá gan chứ không ung thư gì cả. Chỉ với 2 viên thuốc đặc trị, bệnh nhân khỏi hoàn toàn.

Thoát chết ngoạn mục hơn nữa là bệnh nhân Bùi Văn Tài ở Thái Bình đi tới 4 bệnh viện ở Hà Nội đều nhận được kết quả là bị ung thư gan. Trong lúc tuyệt vọng chạy chữa khắp nơi, bệnh nhân này may mắn lại được Viện SR&KSTCT TW cho biết bị sán lá gan chứ không hề có khối u ác tính nào. Theo PGS Đề, có bệnh nhân khối u trong gan to đến 12cm, do chẩn đoán nhầm nên chết. Đây là những trường hợp rất đáng tiếc vì nếu chẩn đoán ra bệnh sớm thì phương pháp chữa chạy vô cùng đơn giản và ít tốn kém.

Phải ăn chín uống sôi

Năm 2002 phát hiện ca sán lá gan đầu tiên thì năm 2004 đã có 17 tỉnh, thành phía Bắc có sán lá gan và đến nay đã có 6.000 bệnh nhân trên toàn quốc phát hiện bị sán lá gan. Miền Trung và Tây Nguyên là khu vực có bệnh sán lá gan lớn, chiếm 80% số người mắc bệnh trong cả nước và có khoảng 40-70% gia súc bị nhiễm sán lá gan. Trong số ấy không ít người bị thiệt mạng hoặc suýt thiệt mạng do chẩn đoán nhầm là ung thư gan.

Bức xúc trước thực tế trên, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành nghiên cứu đề tài về "ô nhiễm mầm bệnh ký sinh trùng trên thuỷ sản và rau được nuôi trồng bằng nước thải ở TP và nông thôn".

Nhiều hàng quán vỉa hè không đảm bảo VSATTP là nguyên nhân gây bệnh ký sinh trùng.

Là người trực tiếp tham gia đề tài này, PGS Đề nhận định, trong các loài cá nước ngọt có nhiều loài có ký sinh trùng gây bệnh ở người như sán lá gan nhỏ, sán lá ruột nhỏ và giun do chúng được nuôi trong nguồn nước hồ, ao, sông bị ô nhiễm. Tỷ lệ người bị nhiễm sán lá gan nhỏ rất cao, đặc biệt ở vùng hay ăn gỏi cá, chiếm tới 40-50%. Còn rau xanh hầu như tưới bằng nước mương, nước thải sinh hoạt… nên nhiễm trứng giun và ký sinh trùng rất cao, nó cũng là nguyên nhân gây bệnh sán lá gan lớn cho người khi ăn rau sống, đặc biệt là các loài thuỷ sinh như rau răm, ngổ, cần, muống, cải xoong...

Khi sán lá gan lớn vào dạ dày người nó sẽ xuyên qua thành bụng vào ổ bụng, rồi xuyên luôn lên gan gây tổn thương gan. Thậm chí nó còn xâm nhập vào buồng trứng, tử cung, phổi, mật… Nếu chụp city hay nhìn trên hình ảnh siêu âm thì bác sĩ không phát hiện được, do đó Bộ môn Ký sinh trùng đã phối hợp với các bệnh viện tiến hành sàng lọc những bệnh nhân bị bệnh về gan bằng phương pháp thử máu và làm các xét nghiệm cần thiết.

PGS Đề cho biết: "Khi bệnh nhân bị bệnh gan đến viện, trước tiên các bác sỹ phải nghĩ ngay đến phương án ký sinh trùng". Chính vì phương pháp sàng lọc trước này mà tất cả bệnh nhân vào BV Việt Đức khám, phát hiện khối u trong gan đã có 11% bệnh nhân bị nhiễm sán lá gan. Biểu hiện của người bị nhiễm sán lá gan lớn thường không có triệu chứng, không đau, khi bệnh nặng thì sụt cân, da vàng, nôn ra máu nên rất dễ chẩn đoán lầm sang ung thư gan.

Theo PGS Đề thì phương pháp rửa rau trong chậu nước hoặc ngâm muối rất khó để rửa sạch giun sán, ký sinh trùng bám trong rau. Do vậy, lời khuyên của các chuyên gia y tế là phải ăn chín, uống sôi, không ăn rau sống, đặc biệt là các rau thuỷ sinh thì mới mong không bị nhiễm ký sinh trùng. Nếu người dân có các triệu chứng trên mà đã từng ăn rau sống, sống ở vùng có người mắc bệnh thì liên hệ ngay đến Bộ môn Ký sinh trùng hoặc PGS.TS Nguyễn Văn Đề để được tư vấn, hướng dẫn làm các xét nghiệm, sàng lọc bệnh theo số điện thoại: 04. 3825.2765, 0912377281

Trần Hằng - Cao Hồng
.
.
.