Hé lộ những nguyên nhân trẻ tử vong sau khi tiêm vaccine

Thứ Ba, 03/11/2015, 18:26
Nếu trẻ bỏ tiêm, hoặc không tiêm đúng lịch, dễ dẫn đến bùng phát dịch, như đã từng xảy ra dịch sởi năm 2014, làm chết gần 150 cháu và hàng chục ngàn người mắc trong cả nước...

Sau khi một số trường hợp tử vong sau tiêm chủng xảy ra liền nhau, mặc dù Bộ Y tế đã khẳng định không có liên quan đến vaccine, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn không khỏi lo ngại và do dự trong việc có tiếp tục cho con đi tiêm chủng, nhất là với vaccine Quinvaxem hay không.

Sự do dự này sẽ đặt ra những thách thức cho ngành y tế, bởi nếu trẻ bỏ tiêm, hoặc không tiêm đúng lịch, dễ dẫn đến bùng phát dịch, như đã từng xảy ra dịch sởi năm 2014, làm chết gần 150 cháu và hàng chục ngàn người mắc trong cả nước.

Ngày 3/11, PGS.TS. Trần Như Dương, Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã chỉ rõ: Về nguyên tắc tất cả các vaccine đều phải đảm bảo được tính an toàn và hiệu lực, phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt mới được sử dụng. 

Song giống như thuốc, không một loại vaccine nào có thể an toàn tuyệt đối 100%. Thông thường mỗi người phản ứng với vaccine ở các mức độ khác nhau và hầu hết chỉ sốt, sưng đau tại chỗ tiêm và tự khỏi trong 24h. Tuy nhiên một số rất ít người lại có phản ứng mạnh với vaccine như sốt cao, co giật, quấy khóc kéo dài, tím tái, thậm chí là shock và tử vong. 

Chính vì vậy trong thực tế, nhiều trường hợp tiêm cùng một lô vaccine, thậm chí tiêm cùng 1 lọ vaccine lại có trẻ bị phản ứng rất nghiêm trọng, trong khi các trẻ khác hoàn toàn bình thường. Nhưng đó là do phản ứng cá thể cơ địa của từng người với vaccine chứ không phải do chất lượng vaccine.

Tiêm vaccine cho trẻ vẫn là biện pháp bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh tốt nhất.

Lý giải về các ca tử vong sau tiêm chủng, PGS.TS. Trần Như Dương cho biết có nhiều nguyên nhân. Do trùng hợp ngẫu nhiên với các bệnh lý khác là nguyên nhân thường gặp nhất, bởi khác với thuốc chữa bệnh dùng cho từng bệnh nhân, vaccine trong TCMR được dùng cho hàng loạt trẻ nhỏ. Ở tuổi này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh, là nguyên nhân gây tử vong, thì lại trùng với thời điểm tiêm vaccine.

Theo WHO, dị tật bẩm sinh và nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và một ngày ước tính Việt Nam có khoảng 70 trẻ em dưới 1 tuổi bị tử vong mà không rõ nguyên nhân. Nếu các dấu hiệu của bệnh chưa được phát hiện tại thời điểm tiêm chủng thì rất dễ có sự trùng hợp giữa thời điểm bệnh tiến triển và tiêm chủng, vì thế các dấu hiệu bất thường và tử vong sau tiêm rất dễ bị quy kết vì tiêm chủng.

Bên cạnh đó, cũng có một số rất ít người có phản ứng quá mẫn cảm với vaccine, dẫn đến sốc phản vệ mà không phải là do chất lượng vaccine. Những trường hợp sốc nếu không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn đến tử vong. Một số trường hợp thể sốc tối cấp không hồi phục thì dù được cấp cứu kịp thời vẫn tử vong. Trong trường hợp do chất lượng vaccine không đảm bảo chất lượng, sẽ có đặc điểm dễ nhận biết là các tai biến và tử vong xảy ra hàng loạt, liên quan mật thiết với cùng một loại vaccine, cùng một lô vaccine. Nhưng, nguyên nhân này vô cùng hiếm gặp vì tất cả các lô vaccine trước khi được lưu hành đều phải trải qua quá trình kiểm định nghiêm ngặt.

PGS.TS. Trần Như Dương cho biết thêm một nguyên nhân có thể xảy ra là do sai sót trong thực hành tiêm chủng của cán bộ y tế, như bảo quản vaccine không đúng, tiêm sai chỉ định, tiêm sai liều lượng, tiêm sai đường dùng, tiêm nhầm thuốc.

Tiêm vaccine cho trẻ vẫn là biện pháp bảo vệ trẻ khỏi dịch bệnh tốt nhất.

Mặc dù các phản ứng sau tiêm chủng và một số rất ít trường hợp bị tử vong do tiêm chủng xảy ra là điều khó tránh khỏi, nhưng lợi ích to lớn của vaccine vẫn lớn hơn bội phần so với những rủi ro vì tiêm chủng. Thực tế, 30 năm qua với khoảng 600 triệu mũi tiêm vaccine, tai biến nặng xảy ra sau tiêm vaccine là hãn hữu, đã cho thấy tính an toàn của vaccine.

PGS.TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương: Nếu không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng muộn, trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Trong quá trình tiêm chủng thời gian qua đã có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp, khiến cho dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như: Dịch sởi, bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản  v.v… cướp đi sinh mạng của nhiều cháu bé. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ, tiêm chủng muộn, thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, gây nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng.

Thanh Hằng
.
.
.