Vaccine của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế:

Xóa bỏ mọi nghi ngờ về chất lượng vaccine

Chủ Nhật, 26/04/2015, 11:48
Việt Nam vừa được Tổ chức Y tế Thế giới thông báo đã vượt qua được đánh giá công nhận các chức năng NRA (hệ thống quản lý quốc gia về vaccine) với kết quả rất xuất sắc, khi tất cả các chức năng đều đạt trên 90%, trong đó có 3 chức năng đạt 100%, bình quân cả 6 chức năng NRA đạt 95%, đã cho thấy chất lượng vaccine của Việt Nam đã thực sự hội nhập bằng tiêu chuẩn quốc tế.

Với kết quả này, Việt Nam đạt cùng lúc 2 vấn đề: Mở ra cơ hội xuất khẩu vaccine, bởi hiện nay, trên thế giới không có nhiều nước sản xuất được vaccine. Nhưng điều quan trọng hơn là, với chất lượng vaccine đạt tiêu chuẩn quốc tế, việc triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng của nước ta càng thêm cơ hội thành công.

Những nghi ngờ về chất lượng vaccine trong một số vụ tai nạn sau tiêm chủng, trong đó, có vụ tiêm nhầm thuốc ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị, đã hoàn toàn được tháo gỡ. Vì thế, người dân đã yên tâm khi đưa trẻ đi tiêm phòng. Điều đáng nói hơn nữa là với chất lượng vaccine nội đã được WHO công nhận như vừa qua, sẽ giải được bài toán thiếu vaccine dịch vụ như 2 năm qua, do nhiều người có tâm lý ngại tiêm vaccine nội, mà chỉ tin tưởng vaccine ngoại. Điều này cũng sẽ dẫn tới công tác phòng, chống bệnh được chủ động và hiệu quả hơn.

Dịch sởi 2014 xảy ra do trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, khiến nhiều trẻ mắc và tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, vaccine vẫn là biện pháp tối ưu trong việc phòng tránh bệnh và trên thế giới không có loại vaccine nào an toàn tuyệt đối, khi vẫn có những tỉ lệ tai biến vaccine nhất định. Dịch sởi đầu năm 2014 là hậu quả đau lòng của việc nhiều phụ huynh không cho con tiêm phòng vaccine, hoặc tiêm phòng không đầy đủ, khiến hàng chục ngàn trẻ bị mắc, cùng với gần 150 cháu bị tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có lẽ mãi là bài học trong việc nhận thức sai lầm về tiêm phòng vaccine.

Năm 2015, cũng đã có nhiều trẻ mắc bệnh ho gà và bệnh sởi mà nguyên nhân là do các bà mẹ không đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Đặc biệt hiện nay tỷ lệ trẻ được tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh trong 24 giờ đầu là rất thấp, làm tăng nguy cơ số trẻ mắc bệnh viêm gan B dẫn đến xơ gan và ung thư gan.

Trong những năm gần đây dịch bệnh truyền nhiễm có những diễn biến phức tạp. Nếu việc tiêm vaccine phòng bệnh không được duy trì, trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trở lại là rất lớn. Hiện, thế giới đã có ít nhất 10 nước xuất hiện bệnh bại liệt với xu hướng gia tăng, khiến Tổ chức Y tế thế giới phải cảnh báo “Tình trạng khẩn cấp” tại một số nước khu vực Nam Á, và bệnh đang có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam.

PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định: Tiêm chủng là một trong những biện pháp can thiệp y tế thành công và hiệu quả nhất, khi ngăn chặn từ 2 đến 3 triệu ca tử vong mỗi năm và bảo vệ trẻ em không chỉ chống lại các bệnh như bệnh bạch hầu, uốn ván, bại liệt, sởi,... mà còn chống lại các căn bệnh khác như viêm phổi và tiêu chảy do virus Rota, 2 nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất ở trẻ dưới 5 tuổi. Nhờ tiêm chủng, người trưởng thành cũng có thể phòng tránh được các bệnh cúm, viêm màng não và ung thư cổ tử cung và gan vv…

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ và là bài toán đầy thử thách hiện nay đặt ra với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, trong công tác phòng chống dịch bệnh. Lo ngại trước sự lây lan nhanh của nhiều loại dịch bệnh, trong đó nhiều bệnh nguy hiểm và mới nổi, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã phát động “Tuần lễ tiêm chủng” năm 2015 từ ngày 24 đến 30/4/2015 với chủ đề “Chung tay tiêm chủng bảo vệ cộng đồng”.

Việt Nam cũng hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” bằng việc Bộ Y tế  sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức cuộc mít-tinh phát động hưởng ứng “Tuần lễ tiêm chủng” vào sáng 24/4 tại Bắc Giang, nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng về công tác tiêm chủng mở rộng.

Thanh Hằng
.
.
.